Điểm nhấn nơi 'Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp'
Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt nằm trên quy hoạch rừng phòng hộ và một phần rừng sản xuất tại địa phận các xã Gia Phù, Suối Bau, Suối Tọ (Phù Yên) với diện tích trên 300 ha. Đây là nơi dừng chân, đóng quân trong cuộc hành quân từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đoàn quân giải phóng.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - một mốc son rực rỡ trong thế kỷ XX của dân tộc ta, để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Đại tướng, người dân địa phương đã đặt cho khu rừng với những cái tên hàm chứa bao tình cảm thân thương: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, "Rừng ông Giáp", "Rừng Tướng Giáp". Năm 2008, khu rừng được UBND tỉnh công nhận là khu di tích lịch sử cấp tỉnh, trở thành một những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân địa phương. Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho huyện Phù Yên triển khai Dự án bảo vệ rừng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù.
Trong 67 năm qua, cánh rừng ở bản Nhọt, xã Gia Phù vẫn bạt ngàn, xanh tươi, như thể hiện tình cảm yêu mến, thủy chung của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm ấy. Bởi vậy, khi thực hiện Dự án, được người dân đồng thuận cao, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh đã ủng hộ hơn 7 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật. Công trình được khởi công xây dựng từ 15/10/2020, hiện nay, đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng diện tích trên 8.000m² gồm 3 hạng mục: Nhà Tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp có diện tích 150m², sân tổ chức lễ hội và cầu cảnh quan đã hoàn thành. Hiện, đang thi công đường lên đền thờ với khối lượng khoảng 95%.
Cùng những những cựu chiến binh trong xã tham gia Ban quản lý khu di tích, ông Mùi Văn Lý, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Gia Phù, chia sẻ: Từ lâu, bà con luôn coi trọng, bảo vệ cánh rừng vì nơi đây luôn có hình bóng của Vị tướng lỗi lạc; tuyệt nhiên không ai chặt phá, săn bắt chim muông. Nhiều cây gỗ quý có đường kính hàng mét vẫn trường tồn với thời gian. Từ chân cho đến ngọn đồi, tất cả còn rất nguyên sơ, cây cối tốt tươi. Bà con khi nói đến khu rừng này là nói đến một điều gì đó rất thiêng liêng cao cả, trở thành nét văn hóa, thành tập tục giữ rừng.
Ông Đặng Quang Ngọc, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Tân Phát Sơn La, đơn vị thi công, cho biết: Với quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ, chúng tôi huy động hơn 100 công nhân, lựa chọn công nhân có tay nghề vừa đẩy nhanh tiến độ, cũng như đảm bảo chất lượng công trình bàn giao cho chủ đầu tư theo đúng kế hoạch đề ra.
Cùng với hoàn thành những hạng mục của giai đoạn 1, huyện Phù Yên đang tập trung triển khai giai đoạn 2 của dự án, gồm hạng mục: Hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện, hệ thống cây xanh với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Trung tâm giới thiệu sản phẩm huyện Phù Yên với các hạng mục, như: Nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, kè bê tông cốt thép… với tổng mức đầu tư khoảng 14,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Hiện nay, đang triển khai các bước và tiến hành đầu tư xây dựng; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình trước kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021).
Trực tiếp kiểm tra tiến độ công trình, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Bí thư Huyện ủy Phù Yên, cho biết: Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu huy động nhân lực, vật lực và các trang thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công công trình; tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng công trình khi đưa vào hoạt động; tiếp tục huy động nguồn vốn hỗ trợ trong và ngoài tỉnh để đầu tư hoàn thành dự án; đẩy mạnh tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn giao…
Việc tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử rừng bản Nhọt là việc làm ý nghĩa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn của dân tộc” và tình cảm của nhân dân dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trở thành điểm đến du lịch lịch sử hấp dẫn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.