Điểm nhấn quan trọng của mỗi kỳ họp
Hôm qua, 12.11, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đó là tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Cụ thể, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Y tế. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, trên tinh thần xây dựng, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình. Đã có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành được nêu ra nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế nhằm hướng đến mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cụ thể, trong phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá là sôi nổi, thẳng thắn. Các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn, cụ thể, rõ ràng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có sự chuẩn bị tốt về nội dung, nắm chắc vấn đề, có sự bao quát các chính sách vĩ mô khác đã trả lời thẳng vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra.
Với phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, dù đây là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng với kinh nghiệm công tác điều hành ở bộ, địa phương, Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn đối với các nội dung đại biểu Quốc hội đặt ra...
Về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, với kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và lần thứ 3 trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế và có giải pháp thực hiện trong thời gian tới...
Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và cử tri cả nước. Như phát biểu khai mạc phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của mỗi Kỳ họp Quốc hội.
Chất vấn và trả lời là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng của Quốc hội được tổ chức công khai, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của đại biểu với cử tri, đồng thời là hình thức giám sát trực tiếp của đại biểu Quốc hội với các cơ quan, cá nhân được chất vấn. Mục đích chung giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn là nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả, đề ra chiến lược hợp lý nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, yếu kém và tồn tại trong công tác quản lý nhà nước.
Bởi vậy, thành công của mỗi phiên chất vấn và trả lời không phải chỉ ở những câu hỏi trực diện, truy vấn trách nhiệm, ở những câu trả lời “thuộc bài”, hiểu ngành, lĩnh vực, thẳng thắn, cầu thị, thậm chí không né tránh nhận lỗi của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành mà thành công hơn cả là người chất vấn và trả lời chất vấn đều chung một tinh thần xây dựng để tìm giải pháp cho những vấn đề quản lý nhà nước đã, đang và sẽ đặt ra.
Và như phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội qua thực tiễn hoạt động đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu vấn đề cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng với những câu hỏi cụ thể như quan điểm thế nào? Khi nào thực hiện? Khi nào xong? Tại sao chậm? Giải pháp thế nào? Trách nhiệm ở đâu?