Điểm nhấn thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023
Tính đến ngày 25/11, chỉ số VN-Index đạt 1.117,66 điểm, tăng 11% so với cuối năm 2022 bất chấp biến động phức tạp của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới; quy mô vốn hóa thị trường tương đương 61,6% GDP; Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tiếp tục tăng mạnh...
Tăng trong biến động
TTCK Việt Nam năm 2023 trải qua nhiều biến động và chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của TTCK quốc tế. Nửa đầu năm, TTCK Việt Nam chứng kiến nhiều phiên giao dịch trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh so với năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, lạm phát dai dẳng cùng chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài của các nền kinh tế lớn và căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.
Sau giai đoạn tích lũy, biến động trong biên độ hẹp vào nửa đầu năm, chỉ số chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong quý III/2023, đặc biệt là những nhịp hồi tốt vào tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay.
Tính đến ngày 25/11/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.117,66 điểm, tăng 2,2% so với cuối tháng trước và tăng 11% so với cuối năm 2022. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 229,45 điểm, tăng 1,5% so với cuối tháng trước và tăng 11,8% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 25/12/2023 đạt 5.863 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2022, tương đương 61,6% GDP ước tính năm 2022.
Về quy mô niêm yết và đăng ký giao dịch (ĐKGD), tính đến cuối tháng 11/2023 thị trường có 742 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 859 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt 2.052 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% với cuối năm 2022 (tương đương 22% GDP).
Thanh khoản thị trường cũng có sự hồi phục, giá trị giao dịch bình quân 18.505 tỷ đồng/phiên, giảm 4,1% so với tháng 11. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.563 tỷ đồng/phiên, giảm 12,9% so với bình quân năm 2022.
Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới tiếp tục tăng mạnh
Trong năm 2023, TTCK tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, tổng số tài khoản chứng khoán vẫn tăng 355.672 tài khoản so với cuối năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,25 triệu tài khoản, tương đương 7,3% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2022, định hướng đến năm 2025.
Đáng chú ý, trong tháng 10, thị trường đã ghi nhận sự sụt giảm đầu tiên về số tài khoản nhà đầu tư trong nước (giảm 377.973 tài khoản so với tháng trước), chủ yếu do hoạt động rà soát, triển khai kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chuẩn hóa cơ sở dữ liệu Nhà đầu tư.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được Chính phủ giao hoàn thành việc làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán trong tháng 11. Việc làm sạch dữ liệu người dùng là thực hiện đối chiếu thông tin của người dùng để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo. Động thái rà soát danh sách các tài khoản chứng khoán và chủ động thực hiện đóng các tài khoản đã mở trước đó nhưng không có phát sinh giao dịch nhằm thanh lọc thị trường, phát triển TTCK theo chiều sâu, có chất lượng.
Mạnh tay thanh lọc thị trường
Trước tình hình thị trường tăng trưởng mạnh về chỉ số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư, thời gian qua, UBCKNN thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng và Sở GDCK tăng cường giám sát đối với thị trường, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán. Đồng thời, UBCKNN đã đẩy mạnh công tác giám sát và tổ chức kiểm tra các mã có dấu hiệu giao dịch bất thường vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch UBCKNN, liên quan đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra TTCK, một trong những nhiệm vụ chính của cơ quan quản lý TTCK, UBCKNN tiếp tục tăng cường vai trò giám soát tuyến đầu để không cho “hàng hóa giả, kém chất lượng” được giao dịch trên thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán; hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm, làm giá, thao túng thị trường để thị trường vận hành theo đúng bản chất, quy luật. Đồng thời, UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán sẽ đổi mới cách thức giám sát, thanh tra, kiểm tra, đưa công nghệ vào công tác thanh tra giám sát.
Từ đầu năm đến nay, UBCKNN đã phối hợp với các Sở GDCK tổ chức triển khai 62 đoàn thanh, kiểm tra bao gồm 04 đoàn thanh tra, 34 đoàn kiểm tra định kỳ và 24 đoàn kiểm tra đột xuất (trong đó có 13 đoàn kiểm tra giao dịch bất thường).
Căn cứ kết quả giám sát, thanh kiểm tra, UBCKNN đã ban hành 409 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt gần 37 tỷ đồng; một số vụ việc xử phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả: đình chỉ giao dịch, buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin, buộc từ bỏ quyền biểu quyết.
Đối với các vụ việc nổi cộm trên thị trường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, UBCKNN chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật. Điển hình, đến nay có 3 vụ việc đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đã được cơ quan điều tra khởi tố (vụ án thao túng cổ phiếu FLC, vụ án tháo túng cổ phiếu TGG và BII thuộc nhóm Louis Holding, thao túng cổ phiếu API, APS và IDJ thuộc nhóm APEC), trong đó, vụ án Louis Holding đã được xét xử, kết án 5 bị cáo.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/diem-nhan-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-nam-2023.html