Điểm nhấn xúc tiến thương mại, du lịch
Chuỗi sự kiện và Tuần lễ xúc tiến thương mại và du lịch được tổ chức từ ngày 28.5-1.6 với những nét mới đã mở ra nhiều cơ hội, góp phần quảng bá các nông sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm du lịch của Hải Dương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Năm nay, chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại (XTTM) và du lịch được UBND tỉnh tổ chức với nhiều chương trình, hoạt động đã góp phần lan tỏa, quảng bá các nông sản, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm du lịch của Hải Dương đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nhiều nét mới
Chuỗi sự kiện và Tuần lễ XTTM và du lịch được tổ chức từ ngày 28.5-1.6. Trong thời gian này, nhiều sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông như đặc sản vải thiều và các mặt hàng nông sản chủ lực, các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, thiết bị số, các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh... Qua đó nhằm quảng bá, kết nối giao thương, góp phần tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Hải Dương tốt hơn nữa.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị XTTM vải thiều và sản phẩm tiêu biểu với quy mô quốc tế. Ngoài tổ chức trực tiếp, hội nghị còn kết nối trực tuyến với 37 điểm cầu trong và ngoài nước; hơn 50 điểm cầu nhánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu nông sản. Hơn 70 cơ quan thông tấn báo chí tới đưa tin tại điểm cầu trực tiếp và hàng trăm phóng viên theo dõi trực tuyến ở trong và ngoài nước.
Nét mới tại Lễ mở vườn xuất khẩu vải ở xã Thanh Quang (Thanh Hà) năm nay là ngoài đại diện các doanh nghiệp, còn có sự tham gia của các nghệ sĩ, vận động viên bóng đá, bóng bàn nổi tiếng. Với trải nghiệm thi hái vải, họ đã góp phần quảng bá, giới thiệu vải thiều Thanh Hà đến với đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Mới đây, đoàn của Đại sứ Nhật Bản đến thăm cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn và trải nghiệm vùng vải xuất khẩu ở xã Thanh Quang (cùng huyện Thanh Hà). Ông Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam vui mừng vì được trực tiếp tham quan, thưởng thức quả vải thiều thơm ngon tại Thanh Hà. Ngài đại sứ hy vọng tỉnh Hải Dương sẽ đưa đến người dân Nhật Bản những quả vải chất lượng và mong muốn sau chuyến tham quan, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, tăng tình đoàn kết, gắn bó lâu dài.
Vườn vải ở Thanh Hà cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn cho đoàn lữ hành và phóng viên một số cơ quan báo chí khảo sát, trải nghiệm ngoài một số điểm đến quen thuộc như di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề như trước đây. Qua đó, các doanh nghiệp lữ hành khảo sát để xây dựng các tour, tuyến du lịch, các phóng viên cơ quan báo chí viết bài tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch đến với Hải Dương. Đây cũng là hoạt động nằm trong Tuần lễ XTTM và du lịch.
Mở ra nhiều cơ hội
Tại Hội nghị XTTM vải thiều và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương có sự tham dự của hơn 200 doanh nghiệp là các tổng công ty, trung tâm thương mại, siêu thị, đơn vị thương mại dịch vụ, chế biến và xuất khẩu nông sản trên cả nước và hơn 10 quốc gia đã theo dõi, kết nối giao thương. Sau khi hội nghị kết thúc, thông qua các phiên giao thương trực tuyến, đã có hơn 30 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm xuất khẩu trong nước kết nối với 15 doanh nghiệp nước ngoài. Thời gian tới, các sản phẩm của Hải Dương sẽ có thêm nhiều cơ hội để xuất khẩu sang các thị trường mới. Theo dự tính, vụ này lượng vải xuất khẩu sang thị trường khó tính sẽ tăng gấp đôi vụ trước với hơn 4.000 tấn, chiếm hơn 7% tổng sản lượng vải toàn tỉnh.
Dù mới 3 năm tham gia xuất khẩu nông sản, nhưng Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa (Nam Sách) đã trở thành doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh trong lĩnh vực này. Từ đầu vụ vải đến nay, doanh nghiệp này đã xuất khẩu gần 20 tấn vải vào thị trường các nước Pháp, Hà Lan, Đức, Anh… Các hoạt động trong khuôn khổ của Tuần lễ XTTM và du lịch là cơ hội để Fusa tìm kiếm và mở rộng thị trường. Anh Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc công ty chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tham gia chương trình XTTM với quy mô quốc tế. Thông qua đó, chúng tôi đã kết nối với một số doanh nghiệp ở khu vực châu Á để tìm hiểu thị trường tiềm năng”.
Theo ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ việc đưa các đoàn doanh nghiệp lữ hành đi khảo sát, trải nghiệm tại vườn vải ở Thanh Hà đã góp phần thúc đẩy du lịch gắn với nông nghiệp. Để phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững cần sự phối hợp, tham gia của các cấp, ngành, xác định tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát huy tài nguyên du lịch theo các tiêu chí như không gian, cảnh quan, vị trí địa lý, giao thông... Các tour, tuyến du lịch không chỉ được xây dựng theo thời vụ, mà cần xác định, bố trí phù hợp trải đều trong năm, đưa các sản phẩm OCOP thành các sản phẩm, quà tặng du lịch.
Thời gian tới, Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các hoạt động XTTM, gắn với hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/diem-nhan-xuc-tien-thuong-mai-du-lich-205304