'Điểm nóng' cao nguyên Golan là gì và người Druze là ai?

Căng thẳng giữa Israel và nhóm phiến quân Hezbollah của Lebanon đã lên đến tầm cao mới sau vụ tấn công bằng tên lửa ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.

Lực lượng an ninh Israel và người dân địa phương tập trung tại địa điểm xảy ra vụ tấn công được cho là từ Lebanon hôm 27/7 (Ảnh: Getty)

Lực lượng an ninh Israel và người dân địa phương tập trung tại địa điểm xảy ra vụ tấn công được cho là từ Lebanon hôm 27/7 (Ảnh: Getty)

Theo Israel, cuộc tấn công hôm thứ Bảy tuần trước đã xảy ra tại một sân bóng đá ở thị trấn Majdal Shams, nơi sinh sống của cộng đồng người Druze và khiến ít nhất 12 trẻ em thiệt mạng.

Israel đổ lỗi cho Hezbollah về vụ tấn công và thề sẽ trả đũa. Nhóm được Iran hậu thuẫn phủ nhận mọi sự liên quan tới vụ tấn công.

Dưới đây là những điều cần biết về Cao nguyên Golan cũng như người Druze, nhóm dân tộc thiểu số trở thành nạn nhân của vụ tấn công.

Cao nguyên Golan là gì?

Cao nguyên Golan là cao nguyên chiến lược mà Israel chiếm được từ Syria trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, trước khi chính thức sáp nhập vào năm 1981. Khu vực đồi núi trải rộng khoảng 500 dặm vuông cũng có chung đường biên giới với Jordan và Lebanon.

Thủ đô Damascus của Syria có thể được nhìn thấy từ trên đỉnh cao nguyên đá Golan. Phần do Israel chiếm đóng được tách biệt khỏi Syria bởi vùng đệm được Liên hợp quốc ủng hộ.

Cao nguyên Golan được coi là lãnh thổ bị chiếm đóng theo luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và Syria tiếp tục yêu cầu trả lại vùng đất này.

Khu vực này thường xuyên trở thành điểm nóng, gần đây nhất là vào năm 2019 khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan - một động thái đảo ngược chính sách nhiều năm và làm gia tăng căng thẳng với Syria.

Israel coi Cao nguyên Golan là chìa khóa cho lợi ích an ninh quốc gia của mình và khẳng định rằng họ cần kiểm soát khu vực này để chống lại các mối đe dọa đến từ Syria và các nhóm ủy thác của Iran ở đó.

Cuộc tấn công hôm thứ Bảy tuần trước không phải là cuộc tấn công đầu tiên ở Cao nguyên Golan kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza bắt đầu sau sự kiện ngày 7/10/2023.

Đầu tháng 7, một cuộc tấn công bằng tên lửa của Hezbollah đã giết chết 2 người trong khu vực này, khiến người đứng đầu Hội đồng khu vực Golan của Israel kêu gọi trả đũa “bằng vũ lực” đối với tổ chức ở Lebanon. Hezbollah trước đó cho biết họ đã bắn hàng chục quả tên lửa Katyusha vào Cao nguyên Golan “để đáp trả” cuộc tấn công được cho là của Israel ở Syria nhằm vào một thành viên chủ chốt của Hezbollah.

Người Druze là ai?

 Người dân phản ứng trước vụ tấn công xảy ra tại khu vực Majdal Shams ở cao nguyên Golan hôm 27/7 (Ảnh: Getty)

Người dân phản ứng trước vụ tấn công xảy ra tại khu vực Majdal Shams ở cao nguyên Golan hôm 27/7 (Ảnh: Getty)

Druze là một giáo phái Arab với khoảng 1 triệu người chủ yếu sống ở Syria, Lebanon và Israel. Bắt nguồn từ Ai Cập vào thế kỷ 11, nhóm này thực hành một nhánh của Hồi giáo không cho phép người cải đạo – từ tôn giáo khác sang và ngược lại - và không kết hôn với người thuộc nhóm tôn giáo khác.

Có hơn 20.000 người Druze sống ở Cao nguyên Golan. Hầu hết trong số họ được xác định là người Syria và từ chối lời đề nghị nhập quốc tịch Israel sau khi nước này chiếm giữ một khu vực trên Golan vào năm 1967. Những người từ chối được cấp thẻ cư trú của Israel nhưng không được coi là công dân Israel.

Hội đồng khu vực của Majdal Shams cho hay không ai trong số người Druze thiệt mạng trong cuộc tấn công hôm thứ Bảy mang quốc tịch Israel.

Người Druze ở Cao nguyên Golan chia sẻ lãnh thổ với khoảng 25.000 người Israel gốc Do Thái, trải rộng trên hơn 30 khu định cư. Năm ngoái, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về kế hoạch của Israel nhằm tăng gấp đôi dân số định cư trên Cao nguyên Golan vào năm 2027.

Theo Ủy ban Liên Hợp Quốc về Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc, người Druze là công dân Syria ở Golan đã phải chịu đựng các chính sách phân biệt đối xử, đặc biệt là những chính sách liên quan đến phân bổ đất và nước.

“Trong những năm qua, việc mở rộng các khu định cư của Israel và các hoạt động của họ đã làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước của nông dân Syria do các chính sách phân biệt đối xử liên quan đến giá cả và phí”, Ủy ban Liên Hợp Quốc cho biết.

Người Druze ở Cao nguyên Golan trong lịch sử đã phản đối luật pháp của Israel mà họ coi là những nỗ lực nhằm “Israel hóa”. Năm 2018, hàng nghìn người biểu tình do người Druze tổ chức đã phản đối Luật cơ bản quốc gia-nhà nước Do Thái do Quốc hội Israel đưa ra, vì lo ngại nó sẽ làm sâu sắc thêm sự phân biệt đối xử.

Luật này xác lập Israel là ngôi nhà lịch sử của người Do Thái với thủ đô Jerusalem “thống nhất” và tuyên bố rằng người Do Thái “có độc quyền về quyền tự quyết dân tộc” ở Israel.

Các nhà lãnh đạo Druze vào thời điểm đó cho biết luật gây tranh cãi khiến họ cảm thấy mình như những công dân hạng hai vì nó không đề cập đến quyền bình đẳng hoặc quyền của người thiểu số.

Dữ liệu gần đây được truyền thông Israel đưa tin cho thấy số lượng người Druze từ Golan muốn nhập tịch Israel đã gia tăng, nhưng con số này vẫn cực kỳ nhỏ: 75 người vào năm 2017 lên 239 vào năm 2021.

Bên ngoài Golan, khoảng 130.000 người Druze Israel sống ở Carmel và Galilee ở phía bắc Israel.

Ngược lại với các cộng đồng thiểu số khác trong lãnh thổ Israel, nhiều người có lòng yêu nước mãnh liệt. Từ năm 1957 đến nay, đàn ông Druze trên 18 tuổi thường gia nhập Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và thường thăng tiến lên các vị trí cấp cao, trong khi nhiều người xây dựng sự nghiệp trong lực lượng cảnh sát và an ninh.

Theo CNN

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/diem-nong-cao-nguyen-golan-la-gi-va-nguoi-druze-la-ai-post176858.html