Điểm 'nóng' của khu vực Nam Á năm 2020

Năm 2020, khu vực Nam Á đã có những diễn biến mới, phức tạp và khó lường trong cạnh tranh giữa các nước lớn như Ấn Độ - Trung Quốc, Ấn Độ - Pakistan… Dù chưa thể sánh với chảo lửa Trung Đông về sự rối ren và biến động, nhưng Nam Á năm 2020 cũng chẳng khác nào một trái bom hẹn giờ, nơi những căng thẳng luôn chực chờ bùng nổ bất cứ lúc nào.

Trong vòng xoáy tranh giành ảnh hưởng, Ấn Độ và Trung Quốc nổi lên là những nhân tố đóng vai trò chủ đạo. Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai quốc gia đã trải qua một mối quan hệ không mấy bằng phẳng.

 Binh lính Ấn Độ tuần tra tại một khu vực dọc theo biên giới với Trung Quốc

Binh lính Ấn Độ tuần tra tại một khu vực dọc theo biên giới với Trung Quốc

Năm 2020, người ta có thể thấy được khu vực Nam Á đã trở thành sân khấu phô diễn sức mạnh của hai cường quốc đông dân nhất thế giới. Căng thẳng tại biên giới Ấn-Trung bị đẩy lên một tầng nấc mới. Cuộc hỗn chiến đẫm máu nhất trong lịch sử hơn 50 năm qua tại thung lũng Galwan diễn ra hồi tháng 6 trở thành vết cắt khoét sâu thêm rạn nứt và mâu thuẫn giữa hai nước.

Những xung đột và động thái điều quân cùng vũ khí hạng nặng tới khu vực biên giới của hai bên đã khiến tình hình Nam Á khó đoán định, làm gia tăng rủi ro nếu có tính toán sai lầm từ cả hai phía, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng, vượt ra khỏi phạm vi khu vực hẻo lánh này.

Song, nhìn nhận về mối quan hệ Ấn-Trung, nhiều nhà phân tích lại cho rằng cạnh tranh là điều khó tránh khỏi. Chung đường biên giới dài 4.056 km là hai nền kinh tế quan trọng của khu vực cũng như trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Trung Quốc và Ấn Độ là cặp song hành đặc biệt mà sự nổi lên của cả hai trên sân khấu địa-chính trị và kinh tế thế giới đã trở thành một trong những đặc trưng tiêu biểu của lịch sử đối ngoại toàn cầu những năm đầu thế kỷ 21.

Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thách thức vị thế của Ấn Độ ở khu vực Nam Á thông qua mở rộng ảnh hưởng tại các nước trong khu vực và thúc đẩy các sáng kiến do Bắc Kinh dẫn dắt, người ta hoàn toàn có thể hiểu được thái độ cứng rắn và chủ động của New Delhi trong hàng loạt vấn đề liên quan tới người láng giềng châu Á.

Dẫu vậy, một cuộc chiến tranh hay đụng độ dai dẳng ở biên giới giữa hai nước sẽ là lựa chọn mà chẳng bên nào mong muốn, bởi nó có thể sẽ hoàn toàn xóa đi cơ hội để hai nền kinh tế hàng đầu khu vực vực dậy sau “cơn bão” Covid-19. Điều này chính là nguyên nhân lý giải cho những động thái kiềm chế, thiện chí giảm căng thẳng và đồng ý rút bớt sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới của cả hai bên. Mặc dù vậy, cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc Ấn-Trung sẽ còn chứng kiến những biến số mới trong thời gian tới.

Năm 2020, khu vực Nam Á, nơi chứng kiến cạnh tranh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho sự ổn định an ninh, chính trị của khu vực và thế giới. Còn nhớ, khi những vụ giao tranh ác liệt xảy ra ở khu vực biên giới giữa Pakistan và Ấn Độ, đẩy thế giới đứng trước bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhiều nhà phân tích đã phải thừa nhận rằng quan hệ Ấn Độ-Pakistan chính là “phép thử” của an ninh khu vực.

Hơn 70 năm qua, hai quốc gia láng giềng vẫn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” xung quanh vấn đề chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ Kashmir. Những mâu thuẫn kéo dài trong quá khứ, cộng thêm bối cảnh chính trị tại mỗi nước đã châm ngòi cho ngọn lửa tranh chấp một lần nữa bùng phát vào năm 2019 và cháy lan sang cả năm 2020. Chỉ cách đây chưa đầy một tháng, cuộc đấu pháo dữ dội giữa lực lượng quân sự Ấn Độ và Pakistan đã nổ ra tại khu vực biên giới tranh chấp ở Kashmir làm hơn 13 người chết và hàng chục người bị thương, góp thêm một nốt trầm vào bản hòa tấu buồn của mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan hơn nửa thế kỷ qua.

Trong bàn cờ chiến lược của các nước lớn, khu vực Nam Á ngày càng được coi trọng và ưu tiên bởi vị trí địa chiến lược cũng như tầm ảnh hưởng của khu vực này đối với đời sống chính trị thế giới. Những toan tính tìm kiếm lợi ích của các nước lớn vô hình trung đã tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp đến tình hình an ninh khu vực này. Năm 2020, Nam Á tiếp tục là một điểm nóng về xung đột và chẳng ai có thể hoàn toàn chắc chắn điều này sẽ không lặp lại vào những năm tiếp theo.

Hoài Anh (t.h)

1,573

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/diem-nong-cua-khu-vuc-nam-a-nam-2020-83618.html