Cuộc bầu cử lịch sử có thể làm thay đổi nước Pháp

Vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra trong ngày 7-7 chứng kiến cuộc đối đầu 'khốc liệt' giữa phe cực hữu và liên minh 'Mặt trận Cộng hòa' chống cực hữu. Dù kết quả thế nào thì chính trường nước Pháp cũng sẽ có những thay đổi với sự nổi lên của lực lượng cực hữu.

Người dân đi bầu tại một điểm bỏ phiếu ở Thủ đô Paris, Pháp

Người dân đi bầu tại một điểm bỏ phiếu ở Thủ đô Paris, Pháp

Nỗ lực ngăn chặn phe cực hữu

Vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra tại 501 khu vực bầu cử, với hơn 1.000 ứng cử viên tham gia cạnh tranh những ghế còn lại trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội. Cuộc bầu cử lập pháp ở Pháp dựa trên hệ thống bỏ phiếu 2 vòng. Về bản chất, ứng cử viên dẫn đầu ở vòng 1 (hôm 30-6) nghiễm nhiên lọt vào vòng 2. Các ứng cử viên giành được ít nhất 12,5% phiếu bầu của những cử tri đã đăng ký tham gia bầu cử, chứ không phải những người thực sự đi bỏ phiếu, thì đủ điều kiện lọt vào vòng 2 mang tính quyết định.

Ở vòng 1, đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu và liên minh đã dẫn đầu với tỷ lệ phiếu bầu lên tới 33,35%, so với 28,28% của liên minh cánh tả và 21,79 của liên minh cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron. Không kể đồng minh cánh hữu, RN giành được 29,3 % (hơn 9,4 triệu phiếu), một kỷ lục trong các lần bầu cử của Nền cộng hòa thứ V. Hơn nữa, trong số 76 ứng viên đắc cử ngay trong vòng 1, có tới 39 người thuộc phe cực hữu. Số phận của 501 ghế còn lại sẽ được quyết định ở vòng 2 trong ngày 7-7.

Bước vào vòng 2, RN có lợi thế dẫn trước tại 258 trên tổng số 439 khu vực bầu cử mà đảng này có đại diện tham gia. Trước bầu cử vòng 2, thủ lĩnh phe cựu hữu là bà Marine le Pen - người đứng đầu nhóm RN trong Quốc hội sắp mãn nhiệm bày tỏ tin tưởng đảng này có thể đạt ngưỡng khoảng 270 ghế trong cơ quan lập pháp mới. Còn theo cuộc thăm dò ý định cử tri do OpinionWay thực hiện, RN có thể giành được từ 205 - 230 ghế, còn cách xa con số 289 cần thiết để đạt được đa số tuyệt đối. Liên minh cánh tả NFP dự kiến sẽ giành được từ 145 - 175 ghế, trong khi phe Tổng thống Macron sẽ có khoảng 130 - 162 ghế và đảng Những người Cộng hòa (LR) từ 38 - 50 ghế.

Như vậy, phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy đang có cơ hội không chỉ là chiến thắng mà là giành đủ số phiếu để trở thành đa số tuyệt đối trong Quốc hội để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ mới. Trước nguy cơ đó, phe đa số sắp mãn nhiệm của Tổng thống Macron và liên minh cánh tả đang tìm mọi cách ngăn chặn phe cực hữu giành đa số tuyệt đối. Ngay sau vòng 1, hai phe này đã cùng nhau thiết lập “Mặt trận Cộng hòa” chống RN bằng chiến lược rút ứng cử viên cạnh tranh nhằm tập trung phiếu bầu cho các đối thủ của RN.

Sau vòng 1, có tới 308 khu vực bầu cử có 3 hoặc 4 ứng cử viên cạnh tranh ở vòng tiếp theo. Nhưng trong vòng chưa đầy 48 giờ sau khi có kết quả vòng 1, đã có 221 ứng cử viên, chủ yếu của Liên minh cánh tả NFP (131) và phe Tổng thống (82), tuyên bố rút lui. Đây đều là những ứng cử viên được đánh giá là khó có cơ hội thắng cử ở vòng 2. Việc các đối thủ chính trị bắt tay nhau thực hiện chiến lược rút lui hàng loạt có thể tước đi đa số tuyệt đối của RN trong kết quả cuối cùng.

Như vậy, kết quả thực tế sẽ tùy thuộc vào quyết định chuyển phiếu bầu của cử tri cho ứng cử viên nào khi các ứng cử viên mà họ ủng hộ rút lui hoặc bị loại. Các cuộc khảo sát cho thấy, trên 40% cử tri Pháp tin rằng sẽ không có nhóm chính trị nào trong 3 khối tranh cử chính giành được đa số tuyệt đối, trong khi chỉ có 35% tin rằng phe cực hữu sẽ đạt được mục tiêu này. Kết quả thăm dò cũng phù hợp với nhận định của giới quan sát chính trị và dư luận báo chí và truyền thông, theo đó cuộc đua vòng 2 tổng tuyển cử tại Pháp sẽ rất gay cấn nhưng không có quá nhiều bất ngờ với ưu thế của phe cực hữu.

Nguy cơ bất ổn chính trị

Với thắng lợi “chưa từng có”, phe cực hữu tại Pháp có thể nắm quyền lực lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai. Bình luận về khả năng này, xã luận của tờ “Le Nouvel Obs” nhắc lại hồi năm 1940, dưới áp lực của quân Đức chiếm đóng, chỉ có 80 nghị sĩ từ chối trao trọn quyền lực cho chính phủ cực hữu duy nhất trong lịch sử Pháp. Hơn 80 năm sau, bối cảnh khác hẳn nhưng nước Pháp lại phải đối mặt với mối nguy hiểm lớn nhất kể từ khi Paris được giải phóng: cực hữu lại ngấp nghé giành quyền.

Lâu nay, phe cực hữu ở Pháp khiến dư luận lo ngại bởi những chính sách gây nhiều tranh cãi như chống người di cư, cấm quy định song tịch và chủ nghĩa hoài nghi sâu sắc về châu Âu khiến quá trình hội nhập châu lục bị đe dọa nghiêm trọng. Trong khi đó, kinh tế đất nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức với tăng trưởng bằng không, hiệu năng giảm, thất nghiệp, thâm hụt ngân sách 5,5%, nợ công lên đến 110,7% GDP. Chưa hết, nước Pháp đang bị đe dọa bởi bạo động, tấn công khủng bố vào lúc còn 3 tuần nữa sẽ khai mạc Thế vận hội Paris 2024.

Theo báo chí Pháp, hiện không một vấn đề quan trọng nào được các phe phái chính trị ở nước này muốn xử lý đến cùng, từ việc hiện đại hóa bộ máy sản xuất, tái cân bằng ngân sách, củng cố dịch vụ công, ổn định trật tự, đến tìm lại chủ quyền kinh tế trong một thế giới đầy xung đột, tái vũ trang trước bối cảnh mới của cuộc xung đột Nga - Ukraine và khả năng ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ khiến an ninh châu Âu có nguy cơ không còn được bảo đảm…

Phát biểu với các cử tri, Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cánh hữu Jordan Bardella cho rằng, kết quả vòng 1 của cuộc bầu cử đã “khẳng định khát vọng rõ ràng về sự thay đổi” của người dân Pháp. Ông Bardella kêu gọi cử tri “tiếp tục huy động trong nỗ lực cuối cùng” tại vòng 2 và coi đó sẽ là “một trong những cuộc bỏ phiếu quyết định nhất trong toàn bộ lịch sử của nền Cộng hòa thứ V”.

Trong trường hợp RN có triển vọng thành lập được chính phủ, ông Jordan Bardella - gương mặt đại diện cho thủ lĩnh của phe cực hữu là bà Le Pen sẽ đảm nhận chức vụ Thủ tướng trong cuộc “chung sống chính trị” đầy căng thẳng với Tổng thống theo trường phái trung dung Macron.

Tuy nhiên, trước sự ngăn chặn của “Mặt trận Cộng hòa” chống RN, phe cực hữu khó có thể chiến đa số tuyệt đối để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng sau cuộc bầu cử vòng 2, thay vì một chính phủ cực hữu, Pháp có thể được lãnh đạo bởi một liên minh rộng rãi giữa những thành phần theo chủ nghĩa trung dung ủng hộ Tổng thống Macron, cánh hữu truyền thống, những người theo phe xã hội và đảng Xanh.

Nhưng việc đảng cực hữu và các đồng minh giành được nhiều ghế nhất tại quốc hội sẽ khiến phe đa số sắp mãn nhiệm của Tổng thống Macron trở thành phe thiểu số và buộc ông sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong chặng đường 3 năm còn lại của nhiệm kỳ. Ngay cả khi RN không lên nắm quyền, Pháp vẫn có thể phải đối mặt với nhiều tháng bất ổn chính trị cho đến hết nhiệm kỳ của ông Macron vào năm 2027, thời điểm mà bà Le Pen - thủ lĩnh của phe cực hữu sẽ có thể tuyên bố tranh cử Tổng thống.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoc-bau-cu-lich-su-co-the-lam-thay-doi-nuoc-phap-post582169.antd