Điểm nóng khủng bố toàn cầu
Những cuộc tấn công bạo lực của các nhóm vũ trang ở khu vực Sahel đang góp phần làm gia tăng làn sóng di cư sang châu Âu.
Thúc đẩy làn sóng di cư
Sau khi lẻn vào Thủ đô Bamako của Mali mà không bị phát hiện cách đây vài tuần, các nhóm vũ trang đã tấn công ngay trước giờ cầu nguyện lúc rạng sáng. Chúng giết hàng chục sinh viên tại một học viện đào tạo cảnh sát tinh nhuệ, xông vào sân bay Bamako và đốt cháy máy bay phản lực của Tổng thống. Vụ tấn công ngày 17/9 là hành động trắng trợn nhất kể từ năm 2016 tại một thủ đô ở Sahel (một vùng đất nằm giữa Bắc Phi và sa mạc Sahara ở phía Nam, gồm 9 quốc gia thành viên: Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan, và Eritrea).
Vụ tấn công cho thấy các nhóm vũ trang này có liên hệ với al Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo tự xưng - những nhóm nổi loạn chủ yếu ở vùng nông thôn khiến hàng triệu người phải di dời khỏi Burkina Faso, Mali và Niger - cũng có thể tấn công vào trung tâm quyền lực.
Bị lu mờ bởi các cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Đông và Sudan, xung đột ở Sahel không mấy thu hút được sự chú ý của toàn cầu, nhưng nó đang góp phần làm gia tăng làn sóng di cư từ khu vực này sang châu Âu vào thời điểm các đảng cực hữu chống nhập cư đang gia tăng và một số quốc gia EU đang thắt chặt biên giới của họ.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hợp quốc, tuyến đường đến châu Âu có số lượng người tăng mạnh nhất trong năm nay là qua các quốc gia ven biển Tây Phi đến Quần đảo Canary của Tây Ban Nha.
Dữ liệu của IOM cho thấy, số lượng người di cư đến châu Âu từ các nước Sahel (Burkina, Chad, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal) đã tăng 62% lên 17.300 người trong 6 tháng đầu năm 2024 so với mức 10.700 người của năm trước đó, một sự gia tăng mà Liên hợp quốc và IOM đổ lỗi cho xung đột và biến đổi khí hậu.
15 nhà ngoại giao và chuyên gia chia sẻ với Reuters cho biết, các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của nhóm chiến binh kể trên cũng có nguy cơ trở thành bãi tập và bệ phóng cho nhiều cuộc tấn công hơn vào các thành phố lớn như Bamako, hoặc các quốc gia lân cận và các mục tiêu phương Tây, trong khu vực hoặc xa hơn nữa.
Các cường quốc phương Tây trước đây đã đầu tư vào nỗ lực ngăn chặn hành động khủng bố giờ đây chỉ còn rất ít năng lực trên thực địa. Một phân tích của Reuters dựa trên dữ liệu từ nhóm theo dõi khủng hoảng của Mỹ có tên Dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED) cho thấy, số vụ việc bạo lực liên quan đến các nhóm vũ trang ở Burkina Faso, Mali và Niger đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2021. Kể từ đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có 224 vụ tấn công, tăng so với mức 128 vụ vào năm 2021.
Ông Insa Moussa Ba Sane - điều phối viên di cư và di dời khu vực của Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế - cho biết, xung đột là yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng di cư từ bờ biển Tây Phi. "Xung đột kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu là gốc rễ của vấn đề" - ông Sane cho biết, đồng thời mô tả cách lũ lụt và hạn hán vừa góp phần gây ra bạo lực, vừa thúc đẩy làn sóng di cư từ các vùng nông thôn ra thành thị.
Mối lo ngại lớn
Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) tại Sydney cho biết, lần đầu tiên, Burkina Faso đứng đầu Chỉ số khủng bố toàn cầu trong năm nay, với số người tử vong tăng 68% lên 1.907 người - chiếm 1/4 tổng số ca tử vong liên quan đến khủng bố trên toàn thế giới.
Theo Liên hợp quốc, khoảng một nửa diện tích của Burkina Faso hiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, đây là một yếu tố góp phần làm tăng tỷ lệ di dời. "Hai nhóm khủng bố lớn kỳ cựu đang giành được nhiều đất đai. Mối đe dọa đang lan rộng về mặt địa lý" – ông Seidik Abba, Chủ tịch nhóm nghiên cứu CIRES tại Paris cho biết khi đề cập đến al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Một nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc giám sát hoạt động của hai tổ chức này ước tính rằng, JNIM - phe phái liên kết với al Qaeda hoạt động tích cực nhất ở Sahel - có 5.000 - 6.000 tay súng trong khi 2.000 - 3.000 tay súng có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Theo báo cáo của các chuyên gia Liên hợp quốc, các nhóm vũ trang hoạt động ở các khu vực khác nhau, đôi khi giao tranh với nhau, mặc dù họ cũng đã ký kết các hiệp ước không xâm lược cục bộ. Các nhóm này nhận được một số hỗ trợ tài chính, đào tạo và hướng dẫn từ các nhà lãnh đạo toàn cầu tương ứng của họ, nhưng cũng thu thuế ở các khu vực họ kiểm soát và tịch thu vũ khí sau các cuộc giao tranh với lực lượng chính phủ.
Theo các nhà ngoại giao trong khu vực, các chính phủ châu Âu không nhất quán về cách ứng phó với cuộc xung đột. Trong khi các quốc gia Nam Âu tiếp nhận nhiều người di cư nhất ủng hộ việc giữ liên lạc cởi mở với chính quyền quân sự, thì những quốc gia khác phản đối vì lo ngại về nhân quyền và dân chủ.
Một mối lo ngại lớn khác đối với các cường quốc phương Tây là khả năng Sahel trở thành căn cứ cho cuộc xung đột toàn cầu, giống như Afghanistan hay Libya trong quá khứ. Tuy nhiên, các quan chức và chuyên gia cho biết, các nhóm này vẫn chưa tuyên bố có bất kỳ mối quan tâm nào trong việc thực hiện các cuộc tấn công ở châu Âu hoặc Mỹ.
Ông Will Linder - một sĩ quan CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) đã nghỉ hưu - cho biết, các cuộc tấn công ở Bamako và Barsalogho cho thấy những nỗ lực nhằm củng cố an ninh của chính quyền quân sự ở Mali và Burkina Faso đang thất bại. "Lãnh đạo của cả hai quốc gia thực sự cần những chiến lược mới để chống lại các cuộc nổi dậy của những tay súng vũ trang" - ông Linder nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/diem-nong-khung-bo-toan-cau-10291243.html