'Điểm nóng' mới trên mặt trận công nghệ bán dẫn Mỹ - Trung
Một công nghệ bán dẫn miễn phí có sẵn được sử dụng rộng tại Trung Quốc, đang trở thành 'điểm nóng' tiếp theo trong cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
RISC-V, công nghệ mã nguồn mở cạnh tranh trực tiếp với công nghệ độc quyền từ công ty thiết kế phần mềm và bán dẫn Arm Holdings, có thể ứng dụng trong mọi thiết bị điện tử, từ chip trên điện thoại thông minh cho đến bộ xử lý tiên tiến chạy các tác vụ trí tuệ nhân tạo (AI).
Các nhà lập pháp Hạ viện Mỹ đang thúc giục chính quyền Tổng thống Biden có hành động liên quan đến RISC-V, động thái có thể đảo ngược quá trình hợp tác công nghệ xuyên biên giới.
Họ lập luận rằng Bắc Kinh đang lợi dụng văn hóa hợp tác cởi mở với doanh nghiệp công nghệ Mỹ để thúc đẩy nền công nghiệp bán dẫn riêng, từ đó có thể làm xói mòn vị trí dẫn đầu của Washington trong lĩnh vực chip.
Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc, nói với Reuters rằng Bộ Thương mại cần “yêu cầu bất kỳ cá nhân hoặc công ty Mỹ phải có giấy phép xuất khẩu trước khi hợp tác về RISC-V với những thực thể tại Trung Quốc”.
Trong khi đó, Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ khẳng định sẽ theo đuổi hành động pháp lý nếu Cục Công nghiệp và An ninh (trực thuộc Bộ thương mại) không siết chặt giám sát các quy định kiểm soát xuất khẩu liên quân công nghệ nói trên.
Đáp lại, đại diện Bộ Thương mại cho biết cơ quan này “đang liên tục xem xét bối cảnh công nghệ và rủi ro đặt ra để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhất nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và bảo vệ công nghệ lõi”.
Công nghệ RISC-V được phát triển bởi các phòng thí nghiệm tại Đại học California, Berkeley, trước khi nhận tài trợ của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc.
Hiện công nghệ mã nguồn mở này đang được giám sát bởi một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ, nhằm điều phối hoạt động ứng dụng và phát triển của các công ty thương mại.
"Thảm kịch" với các doanh nghiệp?
RISC-V được các giám đốc điều hành Huawei Technologies của Trung Quốc ví như một trụ cột cho sự tiến bộ quốc gia trong việc phát triển chip riêng.
Không chỉ vậy, công nghệ này cũng nhận sự chú ý từ doanh nghiệp công nghệ Mỹ và phương Tây. Gã khổng lồ Qualcomm cho biết họ đang hợp tác với một số nhà sản xuất ô tô châu Âu về chip RISC-V. Trong khi đó, Google tuyên bố sẽ đưa nền tảng hệ điều hành di động lớn nhất thế giới, Android chạy trên chip công nghệ nguồn mở này.
Việc Nhà Trắng quản lý sự tham gia của các công ty Mỹ vào tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại Thụy Sĩ, có thể tạo ra sự phức tạp mới cho việc hợp tác dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật mở giữa các doanh nghiệp xuyên biên giới. Động thái cũng tạo ra rào cản cho nỗ lực tự chủ công nghệ bán dẫn của Bắc Kinh, song tác động tương tự đối với tham vọng sản xuất chip rẻ và linh hoạt của Mỹ và phương Tây.
Jack Kang, Phó Chủ tịch phát triển kinh doanh tại SiFive, start-up trụ sở Santa Clara đang sử dụng công nghệ RISC-V, cho biết sẽ là “một thảm kịch to lớn” nếu chính phủ hạn chế doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực này.
(Theo Reuters)