Điểm nóng xung đột ngày 4-9: Ukraine sắp đạt thỏa thuận lớn với Mỹ
Các quan chức Mỹ cho biết nước này sắp đạt được thỏa thuận cung cấp tên lửa hành trình tầm xa có thể vươn sâu vào lãnh thổ Nga cho Ukraine.
Reuters ngày 3-9 cho biết Kiev có thể phải đợi vài tháng trước khi nhận được tên lửa hành trình tầm xa vì Washington đang giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi giao hàng.
Theo 3 nguồn tin của Reuters, tên lửa hành trình không đối đất tầm xa kết hợp (JASSM) nằm trong gói vũ khí dự kiến được công bố vào mùa thu năm nay mặc dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Các quan chức Mỹ cho rằng việc gửi JASSM đến Ukraine có thể thay đổi đáng kể bối cảnh chiến lược của cuộc xung đột hiện tại, bằng cách đưa nhiều khu vực của Nga vào tầm bắn của loại tên lửa mạnh mẽ, có độ chính xác cao.
Giới phân tích quân sự nhận định nếu Ukraine đưa JASSM vào sử dụng, họ có thể đẩy lùi các khu vực tập kết và kho tiếp tế của Nga hàng trăm km. JASSM là loại tên lửa tàng hình và có thể tấn công xa hơn hầu hết loại tên lửa khác trong kho vũ khí hiện tại của Ukraine. Điều này có khả năng mang lại cho Ukraine lợi thế chiến lược.
Cụ thể, việc phóng JASSM từ các địa điểm gần biên giới phía Bắc của Ukraine với Nga có thể cho phép Kiev tấn công các cơ sở quân sự ở tận các thành phố Voronezh và Bryansk của Nga. Ở phía Nam, việc phóng JASSM gần tiền tuyến có thể cho phép tấn công các sân bay hoặc cơ sở hải quân Nga ở bán đảo Crimea.
Cho đến nay, JASSM chỉ được tích hợp vào máy bay do Mỹ thiết kế. Một trong những quan chức Mỹ tiết lộ đã có những nỗ lực để JASSM có thể hoạt động với các máy bay chiến đấu không phải của phương Tây trong kho vũ khí của Ukraine. Kiev hiện có các máy bay MiG-29, Su-24 và Su-27 từ thời Liên Xô.
Trang Politico hồi tháng trước đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho việc cung cấp JASSM cho Ukraine.
Tên lửa JASSM đời cũ do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất có tầm bắn khoảng 370 km. Tên lửa dài khoảng 4 m, có khả năng tàng hình nên khó bị radar phát hiện. Tên lửa cũng có thể bay gần mặt đất và có thể được lập trình để đi theo các tuyến đường vòng tránh phòng không. Ngoài ra, Mỹ còn có loại tên lửa JASSM tầm xa hơn có thể bay xa đến 800 km. Phiên bản mới nhất có giá 1 triệu USD/quả.
Một viên chức Quốc hội Mỹ lưu ý việc cung cấp JASSM cho Ukraine sẽ gây thêm áp lực buộc Washington phải dỡ bỏ các hạn chế về cách Kiev sử dụng vũ khí của Mỹ vì tác động của chúng sẽ bị hạn chế nếu không được phép sử dụng để nhắm vào các mục tiêu bên trong nước Nga.
Trong một diễn biến khác, Hạ viện Romania ngày 3-9 đã chấp thuận dự thảo luật cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine. Sau khi Tổng thống Klaus Iohannis ký dự luật thành luật, chính phủ sẽ ban hành lệnh để gửi Patriot đến Kiev.
Romania quyết định cung cấp 1 trong 2 hệ thống Patriot đang hoạt động của mình với điều kiện các đồng minh sẽ thay thế bằng một hệ thống Patriot khác vào thời điểm sau đó.
Romania - thành viên NATO từ năm 2004 - có chung đường biên giới dài 650 km với Ukraine. Nước này ký thỏa thuận mua Patriot trị giá 4 tỉ USD vào năm 2017 và đã nhận được 4 hệ thống Patriot, bao gồm 2 hệ thống đang hoạt động.