Điểm sàn nhiều trường đại học không cao nhưng thí sinh chớ chủ quan
Đến nay hầu hết các trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông với đa phần ở mức từ 15 đến 20 điểm.
Nhiều trường đưa điểm sàn thấp để an toàn
Theo công bố của Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 có nhiều ngành nhận hồ sơ ở mức 16-18 điểm.
Còn Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, điểm sàn các ngành chương trình đại trà tại cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 19 điểm (trừ ngành Dược học).
Trong khi đó, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố mức điểm sàn là 18 điểm, bao gồm điểm ưu tiên đối tượng, khu vực, áp dụng cho tất cả các ngành, chương trình đào tạo.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Lý- Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm trước đến thời điểm này các trường đã biết số lượng thí sinh trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm sau khi thí sinh xác nhận nhập học. Tuy nhiên năm nay thí sinh phải đăng ký tất cả các phương thức xét tuyển lên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kể cả các phương thức xét tuyển sớm đã được công bố trúng tuyển thí sinh cũng phải đăng ký lại lên hệ thống. Do đó, hiện tại các trường đại học vẫn chưa biết được số lượng thí sinh trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm nên chưa thể xác định được chỉ tiêu của phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chính vì thế việc các trường công bố điểm sàn ở mức không cao để an toàn.
“Như tại Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, đối với những ngành khó tuyển, kén người học thì điểm sàn ở mức 15-16. Những ngành điểm sàn trên 20 điểm chủ yếu là các ngành “hot” có nhiều thí sinh đăng ký. Và những nhóm ngành khác thì điểm sàn ở mức trung bình là 18 điểm”, Tiến sĩ Lý cho biết.
Điểm sàn không cao, thí sinh đăng ký thế nào để có cơ hội trúng tuyển?
Tiến sĩ Trần Đình Lý đưa ra những lời khuyên dành cho thí sinh khi đăng ký hay điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo ông Lý, thí sinh không nên chọn bừa khi điều chỉnh hoặc đăng ký các nguyện vọng xét tuyển.
“Hiện nay có một số thí sinh và phụ huynh nghĩ rằng đã có điểm đủ điều kiện trúng tuyển và bắt buộc phải đăng ký và nhập học theo ngành mà mình đã đủ điều kiện trúng tuyển là chưa đúng với quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho biết.
Thầy Lý cho rằng, thí sinh được các trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển một nguyện vọng nhất định cần tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống.
“Quan trọng nhất là thí sinh xác định và đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo nguyên tắc lựa chọn nghề mà mình yêu thích tương ứng với ngành, bậc học nào và với phương thức xét tuyển nào để đáp ứng được nguyện vọng của mình.
Trong đó, việc chọn nghề nghiệp tương lai phải căn cứ vào năng lực, sở trường và sự phù hợp của bản thân, việc chọn ngành, trường và bậc học cũng phải phù hợp năng lực của bản thân và điều kiện gia đình”, ông Lý nói.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng, nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành của một trường và xác định đó là ngành mình ưng nhất thì đăng ký ngay nguyện vọng đầu tiên.
“Tuy nhiên, nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển ở một ngành, trường nào đó theo phương thức xét tuyển sớm nhưng chưa hài lòng và muốn đặt nguyện vọng vào các ngành, trường khác thì có thể ưu tiên nguyện vọng phía trên cho các trường, ngành mà mình thích hơn. Lúc đó, ngành đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm thí sinh nên đăng ký là nguyện vọng xếp cuối cùng”, ông Lý hướng dẫn.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn- Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các thí sinh phải hết sức chú ý rằng điểm sàn là mức điểm tối thiểu các em cần có để đủ điều kiện nộp đăng ký xét tuyển vào ngành/ trường. Điểm sàn không phải điểm trúng tuyển (điểm chuẩn).
Ví dụ trường A công bố điểm sàn ngành kế toán 15 điểm. Như vậy thí sinh muốn đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành này ở trường A thì thí sinh phải đạt ít nhất 15 điểm. Nếu điểm thấp hơn 15 thì không đăng ký xét tuyển được. Hiện nay điểm sàn các ngành trong cùng một trường rất đa dạng với nhiều mức khác nhau.
Trước việc mức điểm sàn các trường đưa ra không cao, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn đưa ra lời khuyên thí sinh đăng ký xét tuyển nên đăng ký theo nhóm ngành hoặc đăng ký khoảng 4 - 6 ngành thuộc cùng nhóm ngành và căn cứ vào điểm chuẩn năm trước trước khi đặt nguyện vọng.
“Các em nên theo thứ tự như sau: chọn lọc ra những trường đại học, những ngành mà điểm thi của mình thấp hơn điểm chuẩn của năm ngoái khoảng 1,0 - 2,0 điểm mình sẽ đặt làm nguyện vọng 1, 2. Sau đó là đến những trường đại học có điểm chuẩn (năm ngoái) bằng với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của mình; sau đó là đến những trường có điểm chuẩn (năm ngoái) thấp hơn điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của mình”, Thạc sĩ Sơn chia sẻ thêm.