Điểm sáng chống dịch
Long An đã được xếp là một trong những tỉnh cơ bản khống chế được dịch Covid-19. Thời điểm này, tất cả địa phương trong tỉnh đều đang tập trung cao độ, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.
Chuyển màu “vùng đỏ”
Cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, Cần Đước là một trong những điểm nóng của tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Y tế, đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 có nhiều tín hiệu tích cực. Trên bản đồ Covid-19 của tỉnh, từ địa phương thuộc “vùng đỏ”, hiện Cần Đước đã chuyển sang “vùng xanh” và trở thành điểm sáng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Qua đó, củng cố thêm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch đang đi đúng hướng.
Có thể nói, đạt được kết quả này do huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 như xét nghiệm, truy vết, tiêm vắc xin,... Trong đó, công tác xét nghiệm sàng lọc được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện các ca F0 mới. Huyện tập trung xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng. Các quy trình lấy mẫu, gửi mẫu, trả kết quả xét nghiệm được thực hiện nhanh nhất có thể để phục vụ công tác khoanh vùng, truy vết kịp thời, chính xác. Từ đó, sớm bóc tách tất cả những trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, quyết tâm không để phát sinh các điểm mới.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - Trương Văn Hoàng, việc bảo đảm an toàn xuyên suốt quá trình xét nghiệm sàng lọc diện rộng luôn được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình lấy mẫu tại các điểm, nhân viên y tế giám sát, đề nghị người dân khi tham gia xét nghiệm phải thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và hướng dẫn của lực lượng y tế tại đây.
Cùng với triển khai xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để tăng miễn dịch cộng đồng một cách nhanh nhất. Thông tin về công tác tiêm chủng triển khai trên địa bàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - Trương Văn Hoàng cho biết: “Nhân viên tiêm chủng được tập huấn kiến thức, kỹ năng về tiêm ngừa, an toàn tiêm ngừa, sàng lọc, tư vấn cũng như xử lý các tình huống sau tiêm. Các điểm tiêm được bố trí linh hoạt, đúng nguyên tắc một chiều, bảo đảm an toàn tiêm chủng. Huyện cơ bản hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi”.
Thời gian tới, huyện tiếp tục củng cố vững chắc, phát huy hiệu quả hơn các “pháo đài” chống dịch và lan tỏa sâu, rộng tinh thần “Mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch” trong cộng đồng. Qua đó, sớm ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển KT-XH tại địa phương.
Nỗ lực giữ vững “vùng xanh”
Tân Thạnh là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh xuất hiện ca nhiễm virút SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Thế nhưng, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Tân Thạnh nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh, hạn chế các ca nhiễm virút SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đều vào cuộc, dành mọi sự ưu tiên cho công tác dập dịch và phòng, chống dịch, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân là trên hết, trước hết; không được lơ là, chủ quan trong bất cứ tình huống nào. Đặc biệt, huyện thành lập được 223 tổ Covid cộng đồng (767 người); 2 đội điều tra dịch tuyến huyện (13 người); 1 tổ báo cáo công tác phòng, chống dịch thuộc Ban Chỉ đạo cấp huyện (4 người); 26 đội phản ứng nhanh điều tra, xử lý dịch tuyến xã (164 người); 13 đội phun hóa chất khử khuẩn (43 người).
Nhờ vậy, khi địa phương xuất hiện các ca nhiễm virút SARS-CoV-2 trong cộng đồng thì các tổ Covid cộng đồng nhanh chóng vào cuộc bất kể ngày, đêm để truy vết các F nhằm cắt đứt nguồn lây lan ra cộng đồng; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng như thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “4 tại chỗ”.
Mặc dù là địa phương thuộc “vùng xanh” nhưng các cấp, các ngành huyện Tân Thạnh vẫn không chủ quan, lơ là, luôn tập trung mọi nguồn lực nhằm giữ vững kết quả đã đạt. Hiện huyện tập trung sàng lọc người nhiễm Covid-19, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (mũi 1) quy mô lớn trên địa bàn toàn huyện. Ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, huyện còn quan tâm đến công tác an sinh xã hội ở địa phương, nhất là chăm lo cho người nghèo, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Mỗi xã là một “pháo đài”
Là xã “vùng xanh” của huyện Tân Trụ, Lạc Tấn chỉ có 3 F0, đến nay đều được xuất viện, theo dõi sức khỏe tại nhà và không phát hiện ca nhiễm mới qua tầm soát cộng đồng. Tuy nhiên, không vì vậy mà chính quyền, người dân địa phương chủ quan trước thành quả “vùng xanh” đã đạt.
Trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tất cả cửa hàng trên địa bàn xã đều đóng cửa. Bách Hóa Xanh chỉ giao dịch với người đi chợ hộ tại địa phương. Chốt phòng dịch được duy trì khắp các tuyến đường chính, trong từng ấp, từng khu dân cư. Lực lượng tuần tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại làm việc liên tục. Tổ Covid cộng đồng phát huy hiệu quả. Người dân gần như không ra đường. Có thể nói, toàn bộ hệ thống chính trị xã Lạc Tấn đã được huy động nhằm giữ vững thành quả “vùng xanh”.
Bí thư, Trưởng ấp 3, xã Lạc Tấn - Nguyễn Văn Lễ cho biết, suốt thời gian giãn cách xã hội, ông chẳng có ngày nào được nghỉ ngơi vì phải đảm đương nhiều nhiệm vụ như trực chốt phòng dịch, nhắc nhở, tuyên truyền, an sinh xã hội cho người dân,... Dù vất vả nhưng ông thấy vui vì ý thức và sự đồng lòng của người dân trong công tác phòng, chống dịch rất cao. Theo ông, đây chính là nhân tố quyết định sự thành, bại của công tác phòng, chống dịch.
Cấp xã là cấp quản lý hành chính gần dân, hiểu dân nhất nên việc áp dụng, thực hiện các chính sách cũng linh hoạt, sát với thực tế đời sống người dân. Điều đó vừa tạo nên hiệu quả thiết thực cho công tác phòng, chống dịch, vừa tranh thủ được sự đồng thuận trong dân. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Sen cho biết, khi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của thị trấn luôn chú trọng và lấy lợi ích của người dân làm gốc.
Thị trấn Tầm Vu là một trong những địa phương có số ca nhiễm cao nhất huyện Châu Thành, chủ yếu tập trung tại các khu nhà trọ công nhân làm thanh long. Xác định được khu vực có nhiều nguy cơ, lực lượng y tế thị trấn tập trung test nhanh tầm soát tại các kho thanh long, khu nhà trọ trên địa bàn 3 ngày/lần nhằm sớm phát hiện và kịp thời có biện pháp khoanh vùng, dập dịch nếu có.
Lực lượng y tế cơ sở mỏng, UBND thị trấn thành lập đội tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu, phun thuốc khử khuẩn, phản ứng nhanh. Nhờ vậy, các hoạt động test tầm soát, truy vết, khoanh vùng, dập dịch được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Một trong những điểm nổi bật của thị trấn Tầm Vu trong công tác phòng, chống dịch chính là đội lấy mẫu test lưu động đến lấy mẫu tại từng khu phố. Điều đó giúp người dân đến tầm soát đầy đủ, giảm thời gian chờ đợi, hạn chế tập trung đông người tạo ra nguy cơ và tâm lý e ngại cho người dân.
2 tuần trở lại đây, qua test PCR tầm soát cộng đồng, thị trấn Tầm Vu chưa phát hiện ca nhiễm mới. Đó là một tín hiệu vui cho địa phương có số ca nhiễm cao nhất, nhì trong huyện. Cả hệ thống chính trị vẫn đang nỗ lực từng ngày, mong đem đến cuộc sống bình thường mới cho người dân.
Số ca nhiễm trên toàn tỉnh nói chung và ca mắc mới trong cộng đồng nói riêng đều đang giảm từng ngày. Đó là kết quả của cả quá trình dài nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Mong rằng, sau những quyết tâm, cuộc sống bình thường mới sẽ sớm trở về!
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/diem-sang-chong-dich-a121530.html