Điểm sáng của ngành Nông nghiệp
5 năm qua, ngành chăn nuôi thú y Khánh Hòa không ngừng lớn mạnh về quy mô và chất lượng; an toàn dịch bệnh được kiểm soát. Đạt được điều này có công sức không nhỏ của tập thể những người làm công tác chăn nuôi thú y trên toàn tỉnh.
Phát triển chăn nuôi
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, những năm qua, ngành chăn nuôi thú y Khánh Hòa không ngừng phát triển và lớn mạnh. Hiện nay, ngành cung cấp giống vật nuôi chủ lực là heo, bò, gà có quy mô, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt trên địa bàn tỉnh và xuất ra khỏi tỉnh. Tổng đàn trâu, bò hiện khoảng 85.000 con, tổng đàn heo hơn 226.000 con, gia cầm gần 3 triệu con. Hoạt động chăn nuôi ngày càng phát triển và đáp ứng được các đòi hỏi về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Hiện toàn tỉnh có 300 cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn; các cơ sở này đang nuôi 80% tổng đàn heo, 60% đàn gà, trong đó đã hình thành các chuỗi liên kết sản phẩm ở heo trên 60% và ở gà trên 40%; hơn 50% số hộ chăn nuôi heo có hầm biogas xử lý chất thải.
Đối với nhiệm vụ cải thiện con giống, thời gian qua, ngành chăn nuôi thú y Khánh Hòa được tỉnh, Trung ương đánh giá rất cao trong việc cải thiện chất lượng đàn bò, việc tổ chức chăn nuôi heo với con giống đạt chuẩn chất lượng cao và là tỉnh đang sở hữu giống gà Ri đã được đưa vào bộ giống quốc gia. 5 năm qua, thú y Khánh Hòa đã hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho 14.879 lượt bò cái nhằm đưa tỷ lệ bò lai Zebu lên 65%. Hơn 80% heo nuôi thương phẩm là giống chất lượng cao, những trang trại nuôi hàng nghìn con heo nái với trình độ, cơ sở vật chất được đánh giá hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Đơn cử như hệ thống chăn nuôi heo nái của một số công ty lớn ở xã Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh với đàn heo nái lên tới 4.500 con đã cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn con giống chất lượng cao mỗi tháng. Đến nay, 100% heo đực giống trên địa bàn cũng đã được bình tuyển và gắn mã số quốc gia. Đối với đàn gà, cùng với các giống gà công nghiệp có năng suất trứng, thịt chất lượng cao, giống gà Ri Ninh Hòa trong chương trình bảo tồn giống bản địa của Công ty Phùng Dầu Sơn (Cam Lâm) có quy mô đàn gà giống hơn 100.000 con, hàng năm cung ứng hơn 5 triệu con giống đã phát triển thế mạnh của địa phương và xuất bán giống trong cả nước.
Vững vàng trong phòng, chống dịch
Những năm qua, hàng trăm cán bộ thú y cơ sở đã bám sát các xã, phường trên toàn tỉnh, tổ chức tiêm phòng định kỳ 2 lần/năm vắc xin tụ huyết trùng trâu bò và dịch tả heo cho đàn gia súc, tiêm vắc xin phòng dại 1 lần/năm trên đàn chó. Ngoài ra, ở những địa phương được xác định nguy cơ cao, chăn nuôi quy mô nông hộ còn được hỗ trợ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh (các trang trại, gia trại bắt buộc). Trong các năm qua, đàn vật nuôi trên toàn tỉnh được tiêm phòng đạt bình quân từ 72,3 - 97,9% tổng đàn.
Từ năm 2015 đến năm 2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh liên tục được công nhận danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”; trong đó có 4 năm dẫn đầu Khối thi đua Hành chính Sở NN-PTNT, được UBND tỉnh tặng bằng khen; năm 2017 và 2019 được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh. Chi cục 2 lần được Bộ NN-PTNT tặng bằng khen; 5 lượt cá nhân nhận bằng khen của UBND tỉnh; 23 tập thể và 46 cá nhân được Giám đốc Sở NN-PTNT tặng giấy khen.
Các nhiệm vụ về lấy mẫu giám sát để kịp thời phát hiện và đưa ra phương án phòng, chống dịch được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng hàng năm 2 đợt được thực hiện thường xuyên tại các xã, phường, chợ và các điểm buôn bán gia súc, gia cầm. Hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y ở các cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật nhập, xuất tại địa bàn luôn được chú trọng, phù hợp với tình hình dịch bệnh từng năm, từng giai đoạn. Nhờ đó, dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được khống chế ở mức an toàn. Đơn cử như ngay khi bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn Khánh Hòa, từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2020, lực lượng thú y trên toàn tỉnh đã thực hiện giám sát lấy tổng cộng 2.328 mẫu gộp, tương đương 11.640 con heo tại 259 lượt cơ sở chăn nuôi để giám sát dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống, khống chế, không để dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn. So với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, số huyện, xã có dịch, số lượng heo chết, bệnh, khối lượng heo buộc tiêu hủy của Khánh Hòa thấp hơn so với các chỉ số tương ứng của các tỉnh.
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chi cục đã tích cực tham mưu triển khai Luật Thú y (năm 2015), Luật Chăn nuôi (năm 2018) cũng như các chương trình, kế hoạch về chăn nuôi và thú y trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, ngành chăn nuôi thú y Khánh Hòa chứng kiến sự biến chuyển mạnh mẽ từ quy mô nhỏ, nông hộ sang các trang trại, gia trại quy mô lớn. Đặc biệt, từ khi triển khai Đề án “Chuyển đổi ngành chăn nuôi Khánh Hòa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, đề án tập trung phát triển đàn bò, heo, gà chất lượng cao; phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi; phòng ngừa, giảm thiểu tối đa dịch bệnh cho đàn vật nuôi… Tập thể cán bộ, nhân viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tích nổi bật, là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua của ngành NN-PTNT Khánh Hòa.
Hồng Đăng