Điểm sáng giảm nghèo - Đón xuân rôm rả

Bằng nhiều nguồn lực của Trung ương và địa phương, sự phối hợp lồng ghép của các chương trình, dự án, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của những hộ nghèo, hộ cận nghèo, năm 2024, Sóc Trăng đã giảm hơn 4.000 hộ nghèo và gần 4.600 hộ cận nghèo. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân, để khi 'Tết đến - Xuân về' càng rộn ràng, hạnh phúc.

Trong những ngày giáp tết Nguyên đán 2025, chúng tôi có chuyến hành trình qua những vùng quê vốn trước đây điều kiện kinh tế rất khó khăn nay có nhiều đổi mới. Từ vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, Trần Đề, rồi rốn phèn Thạnh Trị đến vùng cây ăn trái của các huyện: Kế Sách, Mỹ Tú hay vùng tôm lúa Mỹ Xuyên… đâu đâu cũng thấy sự “thay da đổi thịt” đến không ngờ trước kết quả mang lại của việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh.

Mới ngày nào, những cung đường còn “nắng bụi, mưa sình”, lội bộ chưa đầy km mà còn bị “chụp ếch” đến mấy lần, vậy mà nay lại là những con đường nhựa, đường bêtông nối liền các ấp, các xã với nhau, như những mạch máu lưu thông đều khắp trong cơ thể. Rồi những căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mái ấm công đoàn… được thực hiện bởi Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ngày càng xuất hiện nhiều. Nhà nhà sửa sang tươm tất, sơn phết lại hàng rào để đón chào năm mới đang đến rất gần với niềm hân hoan khó tả.

Tại vùng tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên, đây là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm hơn 33% dân số, chúng tôi được biết, đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm gần 5%, nhưng đến nay chỉ còn dưới 1%. Mô hình góp phần giảm nghèo ở huyện Mỹ Xuyên là mở các lớp đào tạo nghề đan đát, giúp những hộ dân nhàn rỗi có thêm thu nhập. Chị Trần Vươl ở xã Tham Đôn vui mừng cho biết: “Trước kia, gia đình chỉ trồng rau màu và buôn bán hằng ngày để nuôi con ăn học, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề đan đát (gia công sản phẩm thủ công từ cây lục bình), gia đình đã có thêm thu nhập. Hiện nay, thu nhập từ đan đát gần 4 triệu đồng/tháng, cộng với tiền lương chồng chị Vươl đi làm nên thu nhập gia đình cũng đạt trên 10 triệu đồng/tháng. Gia đình xây dựng được căn nhà khang trang, đủ tiền cho con ăn học, cuộc sống thoải mái hơn trước rất nhiều”.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: QUANG BÌNH

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: QUANG BÌNH

Chia tay huyện Mỹ Xuyên, chúng tôi đến xã Kế Thành, huyện Kế Sách và gặp bác Thạch Sang, một lão nông tri điền trạc tuổi “thất thập cổ lai hy” đang tỉa những cành kim quýt, bông giấy đủ sắc màu uốn hình con công, con phụng. Cội mai già ngót nghét 50 năm trước bàn thông thiên cũng được bác Sang cắt tỉa gọn gàng, tạo ra dáng nhiều tầng thác trông rất ấn tượng. Để cây kéo cắt cành trên chiếc bàn, bác Sang nhìn tôi tự hào nói: “Năm nay, già này ăn Tết lớn đó nghen. Mới được Nhà nước cất cho căn nhà đại đoàn kết nè, cái bảng còn mới tinh đó. Năm nay, cây trái trúng mùa lại có giá nữa!”.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của đồng bào dân tộc là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho chương trình được thực hiện hiệu quả ở khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có huyện Thạnh Trị. Đồng chí Phạm Lệ Lam - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị thông tin: “Trong năm 2024, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó, chọn các xã: Lâm Tân, Lâm Kiết xây dựng nông thôn mới nâng cao và thị trấn Hưng Lợi xây dựng đô thị văn minh. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu thành phần theo quy định và hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, nâng tổng số có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: Vĩnh Lợi, Lâm Tân, Lâm Kiết và 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, gồm: Phú Lộc, Hưng Lợi. Các chương trình MTQG được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; đến cuối năm 2024, huyện còn 369 hộ nghèo, chiếm 1,6%, trong đó, hộ Khmer nghèo 166 hộ, chiếm 2%”.

Chia sẻ về kết quả thực hiện các chương trình MTQG, đồng chí Đặng Thanh Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ngay từ đầu năm, sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, với tổng ngân sách trên 114 tỷ đồng. Bằng việc huy động nhiều nguồn lực, sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay toàn tỉnh còn lại 4.484 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% (giảm 4.042 hộ so với năm 2023, tương đương giảm 1,2%), hộ cận nghèo còn 17.084 hộ, chiếm tỷ lệ 5,10% (giảm 4.569 hộ so với năm 2023).

Trong lần làm việc với đoàn công tác Trung ương giám sát về kết quả thực hiện các chương trình MTGQ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc triển khai thực hiện các chương trình luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương. Tỉnh chủ động triển khai quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện quyết liệt… Kết quả, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở cho 272 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 2.670 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 5.263 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.220 hộ; xây dựng 4 công trình cấp nước tập trung tại 3 huyện (Kế Sách, Mỹ Tú, Thạnh Trị) với khoảng 1.536 hộ thụ hưởng; triển khai trên 75 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; xây dựng 175 công trình (bao gồm 157 công trình giao thông nông thôn, 3 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 công trình hệ thống thoát nước và 14 công trình mạng lưới chợ); duy tu bảo dưỡng trên 88 công trình cơ sở hạ tầng... Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được giao, phấn đấu thực hiện đạt trên 95% các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đề ra.

Mỗi chương trình đều hướng đến mục tiêu chung là cải thiện đời sống của người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/ năm, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo từ 3 - 4%. Các chương trình tín dụng chính sách góp phần tham gia trực tiếp thực hiện 4/7 dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, góp phần hỗ trợ trực tiếp các thiếu hụt về việc làm. Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai. Vốn tín dụng chính sách trực tiếp tham gia thực hiện 2/10 dự án thành phần của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 3: phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị)…

Mùa xuân đã về trên khắp nẻo quê hương Sóc Trăng. Những làn gió xuân thoang thoảng hương thơm lan tỏa. Những khóm hoa đua nhau khoe sắc, cái xứ “nắng bụi mưa sình” ngày nào giờ đây thật sự “thay da đổi thịt” để vươn lên, mang lại cuộc sống ấm no, xóm làng sung túc, nhà nhà an vui, người người hạnh phúc.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/202501/iem-sang-giam-ngheo-on-xuan-rom-ra-0de2ce8/