Điểm sáng giảm nghèo ở Chơn Thành

Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, tại xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành, chương trình đã triển khai sâu rộng và mang lại nhiều kết quả thiết thực. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm…, thông qua các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được cải thiện, đến nay, toàn xã chỉ còn 1 hộ nghèo.

Nhiều nguồn lực, giải pháp đầu tư

Nha Bích là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nhiều nhất ở thị xã Chơn Thành. Toàn xã có 1.735 hộ dân, 6.490 người, trong đó 38% là đồng bào DTTS. Từ năm 2020 đến nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình mục tiêu, dự án ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS đã được triển khai với tổng nguồn lực hơn 200 tỷ đồng. Đó là nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã; các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ công cụ sản xuất... Thông qua các nguồn vốn này, kết hợp với sự hướng dẫn, hỗ trợ trách nhiệm của các cấp, ngành, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã Nha Bích, bà con đồng bào DTTS tại địa phương đã biết cách làm kinh tế, sử dụng nguồn vốn hiệu quả và thoát nghèo bền vững. Kết quả ấn tượng nhất là hiện nay, xã Nha Bích chỉ còn 1 hộ nghèo, không có hộ DTTS nghèo.

Hỗ trợ bò giống là một trong những sinh kế Nha Bích chú trọng để các hộ dân thoát nghèo bền vững

Hỗ trợ bò giống là một trong những sinh kế Nha Bích chú trọng để các hộ dân thoát nghèo bền vững

Chị Lâm Thị Ka Hum ở ấp 5, trước đây do không có đất sản xuất, đông con nên hằng ngày phải đi làm thuê, cuộc sống, thu nhập bấp bênh. Chị Hum sức khỏe yếu, mặc dù rất cố gắng nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Trước hoàn cảnh của chị, chính quyền, các ban, ngành của xã đã vận động nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện sửa nhà; sau đó, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chị Hum đã được hỗ trợ 1 con bò giống. Có nhà ở ổn định, vợ chồng chị Hum có thêm động lực làm kinh tế. Sau 4 năm chăm sóc, con bò giống được cấp ngày nào, nay đã nhân đàn lên 5 con. Với tài sản có được và nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị Hum đã thoát nghèo bền vững. “Mình rất vui, sức khỏe cũng đã tốt hơn nhiều. Nếu không có sự quan tâm của Nhà nước, của xã thì gia đình mình đâu có được như hôm nay. Có đàn bò, khi cần tiền, các con đến trường, mình bán bớt mua sắm, đóng tiền học” - chị Hum phấn khởi chia sẻ.

Chị Lâm Thị Ka Hum chăm sóc đàn bò của gia đình

Chị Lâm Thị Ka Hum chăm sóc đàn bò của gia đình

Là hộ nghèo, anh Điểu Năm ở ấp 6 rất có ý chí và quyết tâm thoát nghèo. Gia đình có đất sản xuất nhưng thiếu vốn, không biết cách làm kinh tế nên những năm trước gia đình anh vẫn nghèo. Tuy nhiên, từ khi được lãnh đạo, các ban, ngành của xã quan tâm, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, gia đình anh Năm đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chơn Thành. Sau 2 lần vay 70 triệu đồng, anh Năm đã đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc vườn cao su và mua thêm bò sinh sản. Anh Năm cho biết: “Hiện hơn 1 ha cao su của gia đình phát triển tốt và đang cho khai thác. Đàn bò đã nhân lên 5 con, trừ chi phí mỗi năm gia đình có nguồn thu gần 100 triệu đồng”.

Anh Điểu Năm (bên phải) được hướng dẫn cách khai thác mủ cao su

Anh Điểu Năm (bên phải) được hướng dẫn cách khai thác mủ cao su

Không tự mãn

Ông Thiệu Hồng Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Nha Bích khẳng định: Để công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả tốt, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã. Giải pháp trọng tâm của địa phương là tạo mọi điều kiện để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, lấy kinh tế làm “đòn bẩy”. Qua đó, xã rất chú trọng công tác đào tạo nghề, mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Trong đó, bò là vật nuôi được chú trọng, vì dễ chăm, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của hộ nghèo, cận nghèo. Vì vậy đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Bà con vui mừng, phấn khởi, những người làm công tác lãnh đạo ở địa phương cũng vui lây.

Ngoài hỗ trợ các nguồn vốn vay, công cụ sản xuất cho người dân, xã tiếp tục rà soát, phát huy, kế thừa những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững thời gian qua để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. “Địa phương được ghi nhận, đánh giá là điểm sáng về công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS của thị xã Chơn Thành cũng như trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, chúng tôi không tự mãn mà nhận thức rõ, đạt được kết quả giảm nghèo bền vững như thời gian qua đã khó, duy trì và phát huy thành quả đó lại càng khó khăn hơn nên chúng tôi chỉ có giải pháp duy nhất là tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới, không tự mãn, không tự hài lòng với chính mình” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Đức Hiển

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/162606/diem-sang-giam-ngheo-o-chon-thanh