Điểm sáng kinh tế ven đô
Những năm gần đây, xã Tân Hưng đã chủ động khai thác thế mạnh sẵn có để trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của TP Hải Dương...
Chuyển dịch kinh tế tích cực
Sau khi về đích nông thôn mới vào năm 2016, Tân Hưng tranh thủ điều kiện thuận lợi tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Xã vốn có nghề cơ khí lâu đời, vài năm nay tiếp tục mở rộng sang nghề nhôm kính nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Toàn xã có hơn 800 hộ làm nghề, tập trung tại thôn Thanh Liễu. Đây là cơ sở để địa phương định hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp.
Ông Nguyễn Danh Việt ở thôn Thanh Liễu đã theo nghề cơ khí hơn 20 năm cho biết: "Được UBND xã tạo điều kiện, nhiều gia đình đã đầu tư sản xuất bài bản, mở rộng nhà xưởng. Các hộ làm nghề không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tạo công việc ổn định cho nhiều người trong xã".
Trên địa bàn xã Tân Hưng đang xây dựng 3 khu đô thị là Phú Quý, Tân Phú Hưng và Thạch Khôi. Đây là yếu tố tác động lớn đến quan hệ sản xuất của địa phương khi môi trường đô thị đang dần hình thành, sự kết nối giao thương cũng mạnh mẽ hơn. Hoạt động buôn bán, kinh doanh sôi động, đóng góp nhiều vào kinh tế địa phương.
Với vị trí ven đô, có diện tích đất nông nghiệp lớn, bên cạnh tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xã Tân Hưng cũng chú trọng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, bền vững. Người dân Tân Hưng chủ yếu trồng rau, hoa, cây cảnh để cung ứng cho thị trường nội đô.
Hiện toàn xã có 35 ha trồng lúa, 87 ha trồng đào, 10 ha hoa, cây cảnh và 100 ha rau màu. Nông dân đang quan tâm nhiều tới sản xuất VietGAP với hy vọng đầu ra cho nông sản sẽ ổn định hơn. Đây cũng là nguồn lợi lớn mà địa phương có thể tận dụng để gia tăng giá trị kinh tế.
Nhờ định hướng đúng đắn, cơ cấu kinh tế của Tân Hưng được chuyển dịch tích cực. Từ năm 2016 đến nay, tổng giá trị sản xuất của xã tăng trung bình 11%/năm; nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tăng cao nhất với hơn 20%/năm.
Tỷ trọng giữa các ngành có sự thay đổi lớn, nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15%, còn lại là tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Hiện tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của xã chiếm đến 92%.
Định hướng lâu dài
Với những tín hiệu trên, Tân Hưng đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế bài bản cho nhiều năm sau. Trong định hướng phát triển không gian đô thị TP Hải Dương, đến năm 2025 Tân Hưng sẽ trở thành khu vực công nghiệp sạch, kho vận và nhà ở.
Đây cũng sẽ là điểm nhấn về nông nghiệp đô thị, vừa tạo cảnh quan cho khu vực cửa ngõ thành phố, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, địa phương đang quy hoạch các vùng sản xuất theo lợi thế phát triển của từng khu. Các thôn Thanh Liễu, Cương Xá là trọng điểm hoạt động dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Khác với các địa phương ven đô khác, Tân Hưng không chủ trương xây dựng nhà màng, nhà lưới trong nông nghiệp mà tập trung hình thành vùng trồng hoa, rau sạch quy mô lớn.
Xã xác định nông nghiệp chính là giải pháp nhằm cân bằng sinh thái, giảm bớt áp lực của đô thị hóa khi lên phường. Vì vậy, Tân Hưng định hướng quy hoạch vùng trồng rau sạch ở thôn Thanh Liễu, vùng trồng đào ở các thôn Khuê Triều, Đông Quan.
Để thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế, xã Tân Hưng tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Năm 2018 địa phương đã được thành phố đầu tư hơn 9 tỷ đồng nâng cấp 2 tuyến đường trục chính dài 1,5 km.
Xã cũng đầu tư kinh phí, lắp đặt hệ thống điện cao áp ở các tuyến đường chính. Đến nay, Tân Hưng đã đạt các điều kiện về hạ tầng đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế để được công nhận là phường.
Chắc chắn khi lên phường, địa phương sẽ có thêm lợi thế để bứt phá, xứng đáng là điểm sáng về kinh tế ven đô của TP Hải Dương.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/diem-sang-kinh-te-ven-do-116959