Điểm sáng mô hình nông nghiệp hữu cơ
Tham quan trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) diện tích 60 ha hôm nay, ít ai ngờ cơ ngơi này hơn 10 năm trước còn là vùng đất hoang sơ. Đến nay, trang trại có hơn 1.000 con lợn nái, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 10 nghìn con lợn giống, lợn thương phẩm, gần 350 tấn rau sạch các loại.
Chủ nhân trang trại này là chị Trương Kim Hoa, người phụ nữ cách đây 10 năm, đã rời thành thị lên cải tạo vùng đất còn hoang sơ trở thành mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ lớn của Thủ đô.
Từ nuôi lợn hữu cơ bằng thuốc nam
10 năm trước, Yên Bình là xã miền núi của tỉnh Hòa Bình, với 40% dân số là đồng bào dân tộc Mường, được sáp nhập về huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Chị Trương Kim Hoa nhớ lại, những ngày đầu lập nghiệp, chị phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: hơn 90% đường trong xã là đường đất. Mùa mưa lầy lội, mùa hè bụi đất mịt mù, khiến việc giao thông đi lại của người dân vất vả. Cơ sở vật chất của xã gần như không có gì, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa chủ yếu là nhà cấp 4, xuống cấp trầm trọng; có thôn còn chưa có điện, kênh mương nội đồng chưa xây dựng…
Thực hiện Chương trình 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015 của Thành ủy Hà Nội, Yên Bình được quan tâm đầu tư, trong đó một nguồn vốn lớn dành để xây dựng hạ tầng giao thông, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Khi tất cả đường liên thôn, liên xã được bê-tông hóa, hồ thủy lợi, kênh mương, đường điện được khởi công, người dân phấn khởi, sẵn sàng góp công, góp của, hiến đất mở đường. Từ đó, vùng đất này dần thay da đổi thịt, hoạt động thương mại dịch vụ phát triển. Người dân trước đây vốn chỉ biết trông vào canh tác rau màu giá trị thấp, nay đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống bằng kinh doanh, buôn bán hoặc chuyển đổi sang nuôi ong, nuôi dê sinh sản; chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như thanh long đỏ, bưởi đỏ…
Nơi này, sở hữu một đặc sản: thịt lợn rừng, do nhiều nạc nhưng mềm, ít mỡ, lớp da dày nhưng giòn, ngọt, thơm, hàm lượng cholesterol thấp, được thực khách ưa chuộng. Đón bắt được tâm lý người tiêu dùng, chị Hoa quyết định đầu tư vào nuôi và cung cấp con giống và thịt lợn rừng. Chị Hoa chia sẻ: Chúng tôi quyết định tạo một hướng đi riêng, phát triển thị trường “ngách”, thị trường cao cấp. Phương pháp nuôi lợn ở đây là thả bán tự nhiên, chế độ cho ăn chủ yếu rau, củ, quả như ngô, khoai, sắn, thân chuối, thân ngô, rau tự trồng, cây cỏ rừng... không sử dụng thức ăn tổng hợp, không kích thích tăng trưởng, sử dụng chế phẩm vi sinh để lên men thức ăn. Trong quá trình chăn nuôi, để giảm chi phí, tăng năng suất đàn và an toàn với người sử dụng, công ty sử dụng các kháng sinh tự nhiên từ cây thuốc nam như: Gừng, tỏi, sài đất, khổ sâm, mía dò, lược vàng, hoàn ngọc, ngũ sắc, nhọ nồi, cỏ xước… trong việc phòng và chữa bệnh cho lợn. Bởi vậy, có những thời điểm dịch bệnh, giá lợn thương phẩm ngoài thị trường tụt xuống chỉ còn 14 nghìn đồng/kg, giá lợn rừng của Hoa Viên ổn định 250 nghìn đồng/kg.
Đến trồng rau sạch hữu cơ
Không chỉ cung cấp con giống, thương phẩm lợn rừng chất lượng cao, trang trại Hoa Viên còn sở hữu một vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội. Chị Trương Kim Hoa cho biết: Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng phát triển bền vững không những đem lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, mà còn bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, góp phần cải tạo đất đai trở nên màu mỡ, phì nhiêu. Vùng đất này sở hữu nguồn đất sạch, nước sạch, không khí trong lành, mát mẻ, hoàn toàn phù hợp trồng những sản vật đó. Do vậy, gia đình tôi quyết định trồng rau hữu cơ vào năm 2013. Chất thải của lợn rừng là một nguồn phân bón hữu cơ để nuôi giun quế và tiếp tục tận dụng phân chuồng hoai mục, được xử lý vệ sinh để chăm bón cho cây. Nước tưới rau lấy tại đầu nguồn suối Vua Bà, không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Để mang đến người tiêu dùng những nông sản hữu cơ, đồng nghĩa với việc quy trình sản xuất rau của trang trại phải loại bỏ hoàn toàn các thành phần hóa học ra khỏi sản xuất. Với tiêu chí năm không: Không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không chất biến đổi gen và không chất kích thích sinh trưởng; do đó, tất cả các công đoạn sản xuất từ làm cỏ, bắt sâu, chăm bón trang trại đều phải hoàn toàn tự nhiên. Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ như đối với cây trồng khác, những công nhân của trang trại làm cỏ bằng phương pháp thủ công. Để ngăn ngừa sâu bệnh, trang trại sử dụng các loại bẫy bắt côn trùng bằng công nghệ sinh học, các loại thuốc trừ sâu làm bằng chế phẩm gừng, tỏi chưng cất và phát triển thiên địch…
Từ diện tích ban đầu chỉ khoảng 5.000 m2, đến nay, diện tích đất trồng rau hữu cơ ở trang trại Hoa Viên lên tới hơn 10ha. Tại đây có cả triệu gốc rau rừng thương hiệu “Rau đại ngàn” được cấp chứng nhận hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn IFOAM, với các giống rau quý hiếm như rau sắng (ngót rừng), bò khai (dạ hiến), rau mỏ, rau dền chua đỏ, hoa và củ chuối rừng, măng rừng, sung nếp... tỏa đi ba chục điểm phân phối trong thành phố. Ngoài rau rừng, các loại rau ăn lá, rau ăn củ, quả khác như: Rau chùm ngây, rau ngót, rau cải các loại, hoa thiên lý, rau muống tiến vua, rau lang ngọt, rau dền, mướp hương, bầu, bí, su su... Hoa Viên cũng trồng một số loại cây ăn quả theo quy trình hữu cơ như: Thanh long ruột đỏ, mít Thái-lan, xoài, sấu, khế ngọt, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng… nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Giờ đây, người dân quanh vùng phấn khởi bởi từ ngày có trang trại của chị Hoa, đời sống của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt. Trang trại thu hút hơn 100 lao động, chủ yếu là lao động nữ quanh vùng đến làm việc, với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng; hiện đang sử dụng hàng chục lao động thường xuyên với mức lương từ bốn đến bảy triệu đồng/người/tháng, trong đó 90% là phụ nữ địa phương. Chị Đặng Thị Xuân, Tổ rau số 5 cho biết: Trước khi đến làm việc tại trang trại Hoa Viên, chúng tôi chẳng biết đến khái niệm trồng rau hữu cơ. Sau một thời gian làm việc tại đây, mọi người trong tổ đã học tập quy trình này về áp dụng tại gia đình và tuyên truyền cho các chị em trong xóm thực hiện theo phương pháp này. Chúng tôi rất mừng khi được lao động trong môi trường an toàn, lại có thu nhập ổn định.
Kể từ ngày đầu tư phát triển trang trại, chị Hoa cho biết, chưa được tiếp cận đồng vốn nào từ Nhà nước, mà chủ yếu là do gia đình bán đất, bán nhà, cộng với nguồn vay ngân hàng. Do vậy, chị mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ chính sách, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; chính quyền TP Hà Nội có sự đầu tư bài bản, giúp các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư phát triển sản xuất. Bởi, khi mở rộng diện tích canh tác sản xuất hữu cơ không chỉ cải tạo đất đai trở nên mầu mỡ, tạo công ăn việc làm bền vững cho đồng bào các xã trong huyện, mà còn tạo nên một lá phổi xanh cho Thủ đô.