Điểm sáng nông nghiệp vùng đồi núi Sơn La

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo nhiều dấu ấn đậm nét.

Nổi bật là cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo hướng trồng cây ăn quả giá trị cao, an toàn, hình thành vùng sản xuất tập trung; nhiều nhà máy chế biến nông sản được đầu tư xây dựng..., góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ trương đúng, triển khai đồng bộ

Thay cho màu xanh của ngô, sắn cách đây khoảng 10 năm, giờ đây những triền đồi, triền núi dọc hai bên Quốc lộ 6 qua địa bàn tỉnh Sơn La khoác lên mình màu xanh của nhãn, chanh leo, bơ, xoài, bưởi và nhiều loại cây ăn quả khác. Tới bản Noong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, chúng tôi càng ấn tượng khi đứng giữa vườn bưởi da xanh đến mùa thu hoạch và được tận mắt thấy bạt ngàn cây trái của vùng đất được đánh giá là thủ phủ trái cây lớn nhất nhì miền Bắc.

 Người dân bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) thu hoạch bưởi da xanh trồng trên đất dốc.

Người dân bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn, Sơn La) thu hoạch bưởi da xanh trồng trên đất dốc.

“Tổng diện tích trồng cây ăn quả và cây sơn tra của tỉnh đến nay đạt hơn 78.850ha. Trong đó có 18.285ha cây xoài, 5.234ha chuối, 1.944ha chanh leo, 1.213ha cây bơ, 4.737ha cây ăn quả có múi, 18.535ha cây nhãn, 12.460ha cây sơn tra... Riêng giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng cây ăn quả và trồng mới cây ăn quả được hơn 50.000ha với nhiều loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, giá trị sản xuất cây ăn quả ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng”-ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sơn La cho chúng tôi biết.

Trước đây, tỉnh Sơn La cũng đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc (sườn đồi, núi), thay cây ngô, sắn, lúa nương hiệu quả thấp bằng các loại cây khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi còn manh mún, phân tán, chưa theo định hướng; chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung nên sản lượng thấp, tính cạnh không cao, khó tiêu thụ trên thị trường; thực hiện liên kết 4 nhà (nhà nông-Nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp) còn yếu. Ngoài ra, công tác khuyến nông, khuyến lâm, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ chưa được coi trọng; cơ chế, chính sách về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc chưa tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội...

Trước thực tế đó, cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La có chủ trương đẩy mạnh trồng cây ăn quả trên đất dốc và xác định đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, từng bước giảm vững chắc diện tích canh tác cây lương thực trên đất dốc. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá diện tích đất đồi đang canh tác cây lương thực, cây công nghiệp hiệu quả thấp để quy hoạch chuyển đổi sang trồng cây ăn quả; rà soát, đánh giá, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả; hoàn thiện quy trình, hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi cây lương thực, cây công nghiệp sang trồng cây ăn quả trên đất dốc; mời gọi các nhà đầu tư có thế mạnh, thương hiệu về chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả...

Đặc biệt, Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo thành lập các tổ, ban chỉ đạo về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản... với nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn lựa chọn giống, kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, tìm đầu ra cho nông sản...

Trái cây Sơn La... ra nước ngoài

Không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận, đánh giá cao, những năm gần đây, một số loại trái cây của Sơn La còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... Để có được kết quả này, tỉnh Sơn La đã chú trọng sản xuất trái cây theo chuỗi cung ứng an toàn, đăng ký mã số vùng trồng. Như tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn) phối hợp cùng chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương đã triển khai chuỗi liên kết phát triển sản xuất sản phẩm quả thanh long, thuộc Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm thanh long liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Thuận Châu.

 Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu hướng dẫn người dân xóm Hưng Nhân, xã Chiềng Pha kỹ thuật chăm sóc cây thanh long ruột đỏ.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu hướng dẫn người dân xóm Hưng Nhân, xã Chiềng Pha kỹ thuật chăm sóc cây thanh long ruột đỏ.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Thuận Châu cho biết: “Các hộ dân tham gia chuỗi sẽ được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí đầu vào (giống, vật tư nông nghiệp); ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với đơn vị chủ trì là HTX Ngọc Hoàng. Quá trình chăm bón cây, các hộ dân phải tuân thủ đúng hướng dẫn kỹ thuật, chỉ được sử dụng các sản phẩm hữu cơ. Dự án được triển khai ở 6 xã trên địa bàn huyện với tổng diện tích 46ha; định hướng của huyện là đến năm 2025 phát triển lên 125ha để phục vụ xuất khẩu. Năm 2020, HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng đã xuất khẩu được 12 tấn quả tươi sang Nga”. Chị Nguyễn Thị Hà, người dân bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha tâm sự: “Nhà tôi hiện có 300 trụ thanh long và đang muốn trồng thêm 100 trụ nữa. Trồng thanh long cho thu nhập tốt, lại được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, toàn tỉnh đã được cấp 161 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu với diện tích 4.537ha; hiện đang duy trì và phát triển 98 chuỗi cung ứng quả an toàn với tổng diện tích sản xuất đạt 1.814,34ha (chủ yếu là xoài, nhãn, mận, thanh long, na, chanh leo, dâu tây, bơ...); đã có hơn 100 doanh nghiệp, HTX sản xuất cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương tự.

Thu hút đầu tư chế biến nông sản

Nhằm khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu, tỉnh Sơn La đã tập trung thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là nhà đầu tư có thế mạnh về chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây ăn quả với công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Một trong số đó là Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La (Tập đoàn Phúc Sinh) tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn. Hiện nay, mỗi năm công ty bao tiêu từ 4.000 đến 5.000 tấn cà phê nhân, chiếm 20% sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương.

Tính đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, trong đó có nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; nhà máy bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn IC Food Hàn Quốc tại huyện Vân Hồ; nhà máy chế biến quả, đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ... Ngoài ra, còn có gần 500 cơ sở sơ chế, chế biến quả quy mô nhỏ của các hộ gia đình, cá nhân, HTX, doanh nghiệp.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp... Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến gắn với phát triển các sản phẩm lợi thế, chủ lực của từng địa phương...”.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN-VĂN THI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/diem-sang-nong-nghiep-vung-doi-nui-son-la-646762