Điểm sáng sản phẩm OCOP Đồng Nai
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Đồng Nai bắt đầu khởi động vào cuối tháng 3-2019. Mục tiêu ban đầu đặt ra là toàn tỉnh có 11 sản phẩm được chứng nhận OCOP trong năm 2019. Nhưng kết quả có đến 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Điều này cho thấy Chương trình OCOP đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã đăng ký tham gia với kỳ vọng xây dựng được những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương.
* Làm thương hiệu cho đặc sản quê
Chương trình OCOP khi triển khai thực tế đã góp phần khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn. Đây là cơ hội khởi nghiệp cho nông dân, hợp tác xã và nhiều doanh nghiệp nhỏ đầu tư vào nông nghiệp của Đồng Nai.
Theo Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Đồng Nai, tùy theo quy định, ở cấp tỉnh mỗi năm chỉ tổ chức 1 lần đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP. Nhưng tại Đồng Nai, chương trình này sẽ được tổ chức thường xuyên, có thể theo từng quý để kịp thời xem xét, đánh giá và công nhận thêm các sản phẩm OCOP mới đạt chuẩn cũng như nâng sao cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Công tác đánh giá sẽ được làm chặt chẽ, đúng quy định, nhất là đặc biệt chú trọng đến tiêu chuẩn an toàn và chất lượng của sản phẩm được đánh giá.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết, tại hội nghị đầu tiên Đồng Nai vừa diễn ra vào tháng 1-2020 để đánh giá sản phẩm OCOP năm 2019, các thành viên Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã làm việc rất nghiêm túc.
Trước đó, Tổ Tư vấn cũng làm việc rất chặt chẽ trong công tác tham mưu cho hội đồng nhằm đảm bảo các yêu cầu sản phẩm đạt chứng nhận OCOP phải chọn đúng sản phẩm độc đáo, đặc trưng của Đồng Nai cũng như đáp ứng được các tiêu chí đặt ra.
Bà Hoàng Thị Kim Anh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp An Hòa Hưng (phường An Hòa, TP.Biên Hòa) chia sẻ, Chương trình OCOP của Đồng Nai khi triển khai đã phát huy tốt tinh thần OCOP - là tinh thần cộng đồng, khuyến khích, quảng bá cho những sản phẩm, đặc sản địa phương. Chính vì vậy dù hợp tác xã có nhiều dòng sản phẩm nhưng chỉ chọn sản phẩm đặc trưng, được thị trường ưa chuộng là Cao An xoa để làm sản phẩm OCOP. Từ khi đăng ký làm sản phẩm OCOP, đơn vị được tỉnh hỗ trợ tham gia nhiều chương trình kết nối, quảng bá cho sản phẩm. Đến đâu, người tiêu dùng đều biết đây là sản phẩm độc đáo của riêng Đồng Nai.
“Chương trình OCOP đã hỗ trợ rất nhiều cho hợp tác xã trong quảng bá về sản phẩm. Tôi rất coi trọng chương trình này vì OCOP hỗ trợ xây dựng thương hiệu riêng cho đặc sản địa phương vốn còn non trẻ” - bà Anh nói.
* Cơ hội xuất khẩu
Dù theo kết quả đánh giá, Đồng Nai chỉ có 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao nhưng thực tế nhiều sản phẩm 3 sao khác cũng có số điểm đánh giá của hội đồng khá cao, có nhiều tiêu chí đạt chuẩn 4 sao. Các doanh nghiệp, cơ sở tham gia cũng rất quan tâm đầu tư nâng sao cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó tập trung phát triển kênh thị trường xuất khẩu cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng sao cho các sản phẩm OCOP.
Theo các doanh nghiệp, cơ sở đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn Đồng Nai, tỉnh nên có đội ngũ phụ trách chuyên sâu để tư vấn, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các tiêu chí OCOP vì đây là chương trình mới. Chương trình nên triển khai đơn giản, cụ thể hơn để nông dân, doanh nghiệp dễ nắm bắt và thực hiện.
Sản phẩm dưa lưới Inthanol RZ trồng trong nhà màng của Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) đạt chứng nhận OCOP chuẩn 3 sao.
Theo ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt, sản phẩm của doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn OCOP 4, 5 sao vì đã có chứng nhận GlobalGAP. Dự kiến trong năm 2020, doanh nghiệp sẽ có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và châu Âu vì hiện đã có đối tác đến bàn kế hoạch hợp tác đưa các mặt hàng của nông trại xuất khẩu.
“Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung bổ sung thêm các yêu cầu và hoàn thiện về mặt hồ sơ để tiếp tục nâng sao cho sản phẩm, trong đó có yêu cầu quan trọng là phát triển thị trường xuất khẩu” - ông Tính nói.
Cùng quan điểm, ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán), đơn vị có sản phẩm là một trong 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao của Đồng Nai chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh, đầu tư thêm những tiêu chí theo OCOP yêu cầu để tiếp tục nâng sao cho sản phẩm được công nhận”.
Cũng theo ông Khanh, để đạt sản phẩm OCOP, doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều tiêu chí, nhiều tiêu chí rất cao như: phải sử dụng 70% nguyên liệu địa phương, sản xuất an toàn; đạt tỷ lệ hàng xuất khẩu... Sản phẩm của Trọng Đức được đánh giá 4 sao là do ngay từ đầu doanh nghiệp đã đi theo hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch tại Đồng Nai và xuất khẩu tốt.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, để chương trình được nhân rộng, Nhà nước nên có chính sách đồng bộ hơn từ khâu quản lý đến chế tài quản lý để chọn lọc đúng doanh nghiệp đầu tư thực sự vào lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng vào khâu sản xuất theo hướng bền vững chứ không chỉ là kinh doanh ngắn hạn, ăn xổi ở thì. Trong đó, nếu thu hút tốt các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến ngay tại các vùng nguyên liệu là một lợi thế để nhân rộng Chương trình OCOP một cách bền vững.
Ngoài ra, Chương trình OCOP nên có thêm chính sách hỗ trợ cho nhà cung ứng chứ không nên hỗ trợ đại trà cho nông dân nói chung. Ở đây, nhà cung ứng có thể là nông dân, trang trại, hợp tác xã đáp ứng tốt những điều kiện và nhất là phải vào chuỗi. Qua đó khuyến khích nông dân, hợp tác xã trở thành nhà cung ứng chuyên nghiệp, bền vững để giải quyết bài toán khó là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân dễ đứt gãy vì thiếu niềm tin lẫn nhau khi xây dựng chuỗi liên kết.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/diem-sang-san-pham-ocop-dong-nai-2985880/