Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài
Nhiệm kỳ qua, các sở, ban, ngành đã thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Những năm qua, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
Nhiều dự án tăng vốn
Dự án sản xuất nhôm định hình của Công ty TNHH LMS Vina (100% vốn Hàn Quốc) trong khu công nghiệp (KCN) Đại An mở rộng là một trong những dự án có quy mô lớn đầu tư vào Hải Dương trong nhiệm kỳ qua. Tháng 10.2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cho dự án này. Sau 2 lần tăng vốn đầu tư, đến nay dự án có tổng vốn hơn 1.800 tỷ đồng. DN đang tạo việc làm ổn định cho gần 700 lao động.
Cùng với thu hút các dự án FDI mới, giai đoạn 2016 - 2020 là thời kỳ tập trung nhiều dự án tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng nhà máy thứ nhất tại KCN Cẩm Điền - Lương Điền, Công ty TNHH Giấy Leo Việt Nam (100% vốn Hồng Kông, Trung Quốc) đã thuê thêm nhà xưởng tại KCN Kỹ thuật cao An Phát để mở rộng sản xuất. Đầu năm 2020, DN này tăng vốn thêm hơn 18 triệu USD để mở rộng sản xuất.
Là thành viên của Tập đoàn Hyundai Moto (Hàn Quốc), Công ty TNHH Kefico Việt Nam trong KCN Đại An là một trong số ít DN công nghệ cao đầu tư tại Hải Dương. Trong nhiệm kỳ qua, công ty này đã 2 lần tăng vốn đầu tư. Đến nay, DN đã đầu tư trên 350 triệu USD để thực hiện dự án tại Hải Dương. Trong quá trình hoạt động, DN luôn chú trọng đổi mới, nâng cao công nghệ, lắp đặt hệ thống dây chuyền tiên tiến để tối đa hóa năng lực tự sản xuất. DN sẽ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm chủ yếu đang sản xuất như cảm biến thông minh, cảm biến vi cơ điện tử và cơ cấu chấp hành thông minh. Công ty TNHH Kefico Việt Nam đang tạo việc làm ổn định cho trên 1.400 lao động với thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới công ty dự kiến tuyển thêm 800 lao động.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020 Hải Dương đã tiếp nhận 212 dự án FDI mới và gần 200 lượt dự án FDI tăng vốn để mở rộng sản xuất. Tổng vốn FDI đầu tư vào tỉnh trong 5 năm qua đạt gần 2,8 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư FDI tương đối đồng đều, trung bình 10 triệu USD/dự án. So với giai đoạn 2011 - 2015, số lượng dự án FDI mới tăng gấp 1,7 lần, tổng vốn FDI tăng thêm cao gấp gần 1,5 lần. Các dự án đầu tư FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp (chiếm 81,5% vốn đăng ký). Ngành nghề đầu tư chủ yếu là sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, sản xuất hàng may mặc, cơ khí chế tạo, kinh doanh hạ tầng KCN...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vốn giải ngân của các dự án FDI trong năm 2020 có sự chậm lại nhưng đây vẫn là giai đoạn có vốn giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư thực hiện các dự án FDI tăng 75% so với giai đoạn trước. Hầu hết các dự án sau khi được cấp phép đã nhanh chóng triển khai, đưa dự án vào hoạt động. Đặc biệt là dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương. Đây là dự án có quy mô lớn được tiếp nhận đầu tư từ giai đoạn trước nhưng sang giai đoạn này mới triển khai tích cực. Đến nay, tiến độ của dự án đã đạt hơn 90%.
Đóng góp lớn
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, tổng vốn FDI đến năm 2020 của tỉnh đạt 8,8 tỷ USD, đứng thứ tư trong khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 11 của cả nước. Những năm qua, DN FDI đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiệm kỳ qua, các sở, ban, ngành đã thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Một số chỉ số thành phần trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã có bước tiến nhất định. Hải Dương đã huy động được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Trong tổng vốn đầu tư xã hội, nguồn vốn từ khu vực FDI tăng mạnh, chiếm từ 18,7% năm 2015 lên gần 30% năm 2020.
Những năm qua, các dự án FDI đã tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tăng giá trị xuất khẩu và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp. Sản phẩm của các DN FDI là nguồn xuất khẩu chính của tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là may mặc, sản phẩm và linh kiện điện tử, dây điện và cáp điện. Tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI trong giai đoạn 2016 - 2020 chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, có đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách địa phương.
Nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn tới của tỉnh Hải Dương là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Hải Dương sẽ tập trung thu hút đầu tư hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại. Chủ động thu hút vốn FDI có chọn lọc và ưu tiên các dự án có trình độ công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đóng góp lớn cho ngân sách. Cùng với đó là quan tâm đến công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả xúc tiến đầu tư.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doanh-nghiep/diem-sang-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-150580