Điểm sáng trong chuyển đổi số ngành y tế ở Việt Nam

Thời gian qua, ngành y tế đạt được thành tựu ấn tượng với nhiều điểm sáng trong công tác thực hiện chuyển đổi số, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế thuận lợi.

Khi đi viện chưa bao giờ gọn nhẹ đến thế

Nửa đêm, đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân, chị Huyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ kịp cầm theo điện thoại và kêu người nhà đưa tới bệnh viện Việt Nam - Cuba để cấp cứu. Nếu như trước kia, người nhà sẽ mất thêm thời gian để lục tìm các giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm, ví tiền… Thì nay, tất cả đều đã được gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh mà chị Huyên mang theo.

Từ việc cung cấp thông tin, hình ảnh căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, lịch sử bệnh cho tới thanh toán không tiền mặt đều được thực hiện nhanh chóng, rõ ràng, tiện lợi thông qua các ứng dụng như VNeID, VssID và ngân hàng trực tuyến. Người nhà cũng không còn phải mất nhiều thời gian cho thủ tục, giấy tờ, chỉ việc tập trung phối hợp cùng y bác sĩ trong việc thăm khám và điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân.

Anh Nguyễn Hùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con nhỏ bị bệnh đường hô hấp, phải cấp cứu và điều trị tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Khi làm thủ tục đăng ký cho con xong, anh liền nhận được tin nhắn, hướng dẫn xem kết quả khám và điều trị bệnh của con thông qua ứng dụng thông minh của bệnh viện.

Mọi thông tin từ kết quả thăm khám, xét nghiệm, điều trị, đơn giá thuốc, vật tư… sử dụng trong thời gian con anh điều trị tại đây cũng đều được thông báo một cách chi tiết, minh bạch và rõ ràng. Thậm chí, ứng dụng còn có nhiều tiện ích khác phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin bệnh, đội ngũ y bác sĩ cũng như cung cấp các thông tin về chính sách, chủ trương khám chữa bệnh của ngành y… khiến anh khá bất ngờ.

Đó là số ít trong những trường hợp ghi nhận mới đây, cho thấy hiệu quả của công tác chuyển đổi số ngành y trong thời gian vừa qua đã, đang có những tác động tích cực đối với công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Người dân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện. (Ảnh: moh.gov)

Người dân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện. (Ảnh: moh.gov)

Theo chương trình chuyển đổi số ngành y tế, đến năm 2025, định hướng đến 2030, Bộ Y tế xác định rõ tới năm 2025 phải xây dựng được nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Mục tiêu từ nay đến 2030 của ngành y sẽ phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 90% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế.

Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không phải cung cấp lại; 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; trong công tác khám chữa bệnh sẽ có 50% (khoảng 700) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đối số thành công; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt…

Để có thể đạt được những mục tiêu đó, thời gian qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ, các cơ quan ban ngành, ngành y đã tập trung triển khai đồng bộ 3 chương trình y tế điện tử: Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn theo tiêu chuẩn; xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa của Bộ Y tế kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN…

Những kết quả ấn tượng của chuyển đổi số ngành y tế

Mặc dù vẫn còn tồn tại những khó khăn đặc thù về thủ tục, thiếu kinh phí đầu tư, các phần mềm - ứng dụng chưa được thống nhất ngôn ngữ dùng chung, thiếu nhân lực có chuyên môn về công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu ngành nhiều nơi còn rời rạc,… nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn ngành, chuyển đổi số ngành y đã từng bước đạt được những kết quả ấn tượng.

Theo báo cáo khảo sát tình hình thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế tới tháng 8/2022, dựa trên báo cáo của 47 Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 33 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc các trường Đại học Y, Dược, có tới 87,9% (29/33) các bệnh viện trực thuộc Bộ và thuộc các trường Đại học Y, Dược triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và khoảng 63,8% (30/47) địa phương (Sở Y tế) có số cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ từ 50% trở lên.

Trong đó, có 12/47 (25,5%) Sở Y tế đạt tỷ lệ 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngành y tế cũng tiếp tục duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện, áp dụng tối đa CNTT, công nghệ số đối với các thủ tục hành chính khác, kết nối, tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia; đưa vào vận hành phiên bản di động của cổng dịch vụ công Bộ Y tế để người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi việc xử lý, nộp bổ sung hồ sơ trên các thiết bị di động; hình thành các kênh giao tiếp, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ Y tế cũng hình thành hạ tầng kỹ thuật của các nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Vtelehealth), nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử (VHR) và bắt đầu triển khai tại các địa phương.

Bên cạnh đó, ngành y cũng hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ với CSDLQG về dân cư, sẵn sàng sử dụng dịch vụ xác thực định danh cá nhân và CMND, dịch vụ tra cứu thông tin công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, bước đầu thực hiện chuyển 32/80 trường thông tin thuộc nhóm thông tin cơ bản về y tế từ CSDLQG về bảo hiểm vào Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Về vấn đề này, theo số liệu từ Bộ Y tế, việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó có kết nối nhóm dữ liệu liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng sinh, báo tử; giấy khám sức khỏe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe, tính đến ngày 19/7/2023, có 1.085 cơ sở liên thông giấy khám sức khỏe lái xe với tổng số 726.671 giấy khám sức khỏe lái xe đã ký số; có 1.191 cơ sở khám chữa bệnh liên thông giấy chứng sinh với tổng số giấy chứng sinh liên thông là 226.126; 386 cơ sở khám chữa bệnh liên thông giấy báo tử với tổng số giấy báo tử đã liên thông là 2.378...

Sau một thời gian triển khai, 63 triệu người dân tiêm chủng được ký xác nhận hộ chiếu vắc xin. Bộ Y tế đã có chỉ thị, nhiều văn bản chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc bộ, các địa phương đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Các bệnh viện đã chủ động phối hợp với các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để triển khai một cách hiệu quả, đem đến sự thuận tiện tối đa cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục, thanh toán viện phí dễ dàng, an toàn.

Sự quyết liệt của ngành y trong chuyển đổi số

Chia sẻ tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 7/11 vừa qua, bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, hiện nay, việc áp dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý của ngành y tế là một đòi hỏi rất cấp bách để giúp tăng cường công tác quản lý, giảm chi phí và thuận tiện cho người dân. Trong thời gian vừa qua ngành y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt liên quan tới việc triển khai thực hiện ứng dụng CNTT cũng như chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của ngành.

Liên quan đến việc triển khai hồ sơ điện tử và đề án khám, chữa bệnh từ xa, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế cũng đã có các quyết định liên quan đến việc phê duyệt đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch thúc đẩy phát triển sử dụng các nền tảng số y tế để thực hiện vấn đề chuyển đổi số đến năm 2025. Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tích cực triển khai và đang áp dụng thí điểm 2 nội dung này.

Đơn cử, tại Bệnh viện trường Đại học Y cũng đang thực hiện đề án từ xa rất hiệu quả và cũng đã có các đánh giá tổng kết. Trên cơ sở đó, ngành y có thể rút kinh nghiệm nhân rộng ra đối với các cơ sở y tế khác. Đối với các đề án liên quan đến hồ sơ điện tử, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết cũng đang được triển khai thí điểm.

Bảo Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/diem-sang-trong-chuyen-doi-so-nganh-y-te-o-viet-nam-ar840147.html