Điểm sáng trong công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài

Nhờ làm tốt công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, đời sống của người dân ở huyện vùng cao Mường Khương ngày càng được cải thiện.

Sống nửa đời người trong hoàn cảnh nghèo khó, bà Sân Thị Hoa, 65 tuổi ở tổ dân phố Na Đẩy, thị trấn Mường Khương giờ đây có cuộc sống viên mãn cùng con cháu trong căn nhà xây 2 tầng khang trang với nhiều trang - thiết bị, tiện nghi hiện đại. Căn nhà được hoàn thành từ cuối năm 2021, phần lớn số tiền để xây nhà là do anh Hoàng Văn Khải, sinh năm 1995, con của bà Hoa gửi về từ Đài Loan, nơi anh Khải đang làm việc theo hợp đồng.

Anh Khải làm việc tại Đài Loan trong lĩnh vực công nghệ từ năm 2017 đến nay. Tranh thủ buổi trưa khi tan giờ làm, chúng tôi nhờ bà Hoa kết nối gọi điện cho anh Khải. Anh cho biết: Trung bình mỗi tháng, tôi có thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng, bao gồm cả việc tăng ca, làm thêm. Do tính chất công việc, công ty tạo điều kiện trong sinh hoạt, giúp tôi tiết kiệm được nhiều tiền hơn để gửi về cho gia đình.

Bà Hoa chia sẻ thêm: Gia đình tôi trước đây là một trong những hộ nghèo nhất ở tổ dân phố. Nhờ sự chăm chỉ làm việc của con trai, khi về già, tôi được sống trong căn nhà mơ ước. Tôi cũng cố gắng tiết kiệm chi tiêu, dành dụm để sau này khi trở về, cháu Khải có vốn khởi nghiệp.

Thị trấn Mường Khương hiện có 38 người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động. Bà Hà Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Về cơ bản, các hộ có người làm việc tại nước ngoài đã thoát nghèo, chỉ một vài hộ khó khăn là do người thân mới đi làm việc được thời gian ngắn. Nhiều người khi trở về không chỉ xây được nhà mới mà còn mua xe ô tô phục vụ kinh doanh vận tải hoặc mở cửa hàng tạp hóa.

Thời gian qua, tại các xã vùng cao, biên giới của huyện Mường Khương, việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực. Ví dụ như xã La Pan Tẩn, một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn tỉnh đã có 20 công dân đang làm việc tại các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Hoàng Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã La Pan Tẩn phấn khởi cho biết: Dù là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng xã vẫn đi đầu trong công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là đã có lao động người Mông. Điều đó cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của người dân và họ đã rất nỗ lực vượt qua những bài kiểm tra khó về trình độ, sự quyết tâm đi học tiếng nước bạn để người dân tự tạo cho mình cơ hội việc làm có thu nhập cao.

Đối với công tác đưa người lao động trên địa bàn đi làm việc tại nước ngoài, ông Nông Văn Minh, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương khẳng định: Việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện hết sức quan tâm, coi đây là một trong những giải pháp nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân.

Những năm qua, huyện Mường Khương đã phổ biến, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, chính sách của trung ương, địa phương tới người dân về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo phòng, ban chuyên môn thường xuyên phối hợp với các địa phương nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận thông tin đa chiều về thị trường lao động tại nước ngoài; tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín tham gia tuyển dụng lao động.

Đến nay, huyện đã thiết lập mối quan hệ với 14 đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng trong và ngoài tỉnh đã được thẩm định, đánh giá cao về uy tín, năng lực trong việc đưa lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc tiên tiến. Các nhà tuyển dụng phối hợp chặt chẽ với phòng chức năng và chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn trực tiếp khảo sát tại cơ sở, nắm nhu cầu của người dân; cung cấp đầy đủ các tài liệu, sổ tay, cẩm nang thông tin về thị trường tiếp nhận lao động và từng đơn hàng để người dân có quyền lựa chọn phù hợp với bản thân. Huyện Mường Khương hiện có hơn 200 lao động đi làm việc tại nước ngoài, chiếm gần 1/3 số lượng toàn tỉnh, trong đó hơn 80% là người dân tộc thiểu số.

Để công tác đưa người đi làm việc tại nước ngoài ở Mường Khương đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nông Văn Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch hằng năm; có nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với tình hình thực tế, đặc biệt là tiếp tục thu hút lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi còn khó khăn. Đồng thời, việc phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng sẽ cần chủ động hơn để hiệu quả tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng nâng cao; kịp thời tháo gỡ các vấn đề phát sinh để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động của địa phương.

Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/diem-sang-trong-cong-tac-dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-tai-nuoc-ngoai-post387698.html