Điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững tại tỉnh Ninh Bình
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Xác định rõ một trong những điều quan trọng nhất trong công tác giảm nghèo chính là phải thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng, để người dân tự lực vươn lên thoát nghèo. Chính vì vậy, tại Ninh Bình công tác nâng cao năng lực, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền là điểm sáng, yếu tố quan trọng hàng đầu giúp giảm nghèo bền vững, mới đây, Ninh Bình đã có buổi đối thoại với 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kim Sơn về các chính sách giảm nghèo.
Tại buổi đối thoại, hộ nghèo, cận nghèo của huyện Kim Sơn đã được nghe đại diện các ngành chức năng truyền đạt những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND, ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, chính sách về y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội…
Đặc biệt, để có thêm kiến thức và cơ hội thụ hưởng các phương pháp hỗ trợ phù hợp, tạo đà vươn lên trong thời gian tới, nhiều hộ nghèo, cận nghèo của huyện Kim Sơn đã tích cực tham gia phát biểu ý kiến trong buổi đối thoại trực tiếp với đại diện một số ngành chức năng và huyện Kim Sơn.
Qua đối thoại, các cơ quan có liên quan và địa phương cũng nắm sát hơn điều kiện hoàn cảnh và nguyện vọng của các hộ nghèo, cận nghèo, những vấn đề, khó khăn phát sinh từ thực tiễn khi triển khai thực hiện chính sách. Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các chính sách. Đồng thời, tham mưu các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo nguồn lực để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực tế cho thấy, với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Ninh Bình, đồng thời áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các biện pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của người nghèo, công tác giảm nghèo của huyện Kim Sơn trong năm 2022 đã đạt được kết quả nổi bật.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Kim Sơn đến cuối năm 2022 giảm còn 1.936 hộ, chiếm tỷ lệ 3,42% giảm 0,8% so cuối năm 2021, hộ cận nghèo là 2226 hộ chiếm tỷ lệ 3,94%, giảm 0,77% so với năm 2021.
Đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể
Trong năm 2022, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho gần 540,8 nghìn đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên và hộ nông, lâm, ngư có mức sống trung bình. Công tác bảo trợ xã hội và đền ơn đáp nghĩa cũng được thường xuyên quan tâm thực hiện. Trong năm, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đã động viên thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội... với tổng số kinh phí 97.984,3 triệu đồng.
Thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, năm 2022, giải quyết cho 4.915 lượt đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, với tổng kinh phí là 293,0 tỷ đồng, giải quyết cho 12.400 hộ được vay vốn xây dựng nước sạch và vệ sinh môi trường với tổng kinh phí 248,0 tỷ đồng, 170 hộ được vay vốn nhà ở xã hội với tổng kinh phí 70 tỷ đồng, 2.270 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng kinh phí 53,4 tỷ đồng.
Doanh số cho vay đến 31/12/2022 đạt 1.164.951 triệu đồng, với 29.187 lượt khách hàng vay vốn. Doanh số thu nợ đến 31/12/2022 đạt 703.870 triệu đồng. Tổng dư nợ đến 31/12/2022 đạt 3.312.502 triệu đồng, tăng 460.400 triệu đồng so với năm 2021, đạt 99,8% kế hoạch tăng trưởng, tốc độ tăng 16,14% (cao hơn bình quân chung toàn quốc).
Từ kết quả đầu tư tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng đó thu hút và tạo việc làm cho gần 10 ngàn lao động, giúp cho trên 2.400 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy móc thiết bị học tập trực tuyến, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, xây dựng cải tạo trên 25 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng trên 160 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách... được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Theo Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, số lượng hộ nghèo của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn mới này không còn nhiều, các địa phương, đơn vị liên quan cũng đã nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách đặc thù trên cơ sở nguồn lực của tỉnh và thực sự phù hợp với tình hình thực tế để các chính sách phát huy hiệu quả.
Cũng theo bà Lựu, hiện nay, tỉnh Ninh Bình không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, do vậy không nhận kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Để thực hiện chương trình này, tỉnh Ninh Bình đã tự cân đối ngân sách và bố trí kinh phí thực hiện tại Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 11/8/2022 với tổng kinh phí 36.063 triệu đồng, thực hiện các dự án cụ thể như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (đang hoàn thiện thủ tục trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021- 2025). Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình…