Điểm sáng trong công tác giảm nghèo
Với sự đầu tư, quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách, chương trình, dự án cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Thôn Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có sự chuyển biến rõ nét. Hiện toàn xã chỉ còn 1,12% hộ nghèo, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng nâng cao, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu.
Có dịp đến xã Tham Đôn hôm nay mới thấy hết sự thay đổi của vùng nông thôn có trên 76% dân số là đồng bào Khmer, đi đến đâu cũng nghe bà con bàn chuyện làm ăn kinh tế, từ đó có thể thấy ý thức, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của bà con là rất lớn. Có được kết quả đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp xóa nghèo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức thoát nghèo, khuyến khích người dân phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp tập quán canh tác, thực hiện hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, đồng thời tập trung triển khai thực hiện linh hoạt, đồng bộ các chương trình, dự án và chính sách dân tộc ưu đãi cho địa phương và bà con Khmer.
Theo đồng chí Lâm Văn Tửng - Phó Chủ tịch UBND xã Tham Đôn, ngay từ đầu năm, xã đã chỉ đạo tổ chức rà soát các hộ nghèo và nắm nhu cầu của từng hộ, đồng thời giao cho các tổ chức đoàn thể xem xét để quản lý và có hướng hỗ trợ cụ thể. Để đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình, dự án và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích, các đoàn thể có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn để bà con khai thác hiệu quả đồng vốn, góp phần vào công tác xóa nghèo của địa phương.
Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con có lượng kiến thức nhất định để lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế của hộ gia đình và phù hợp với thổ nhưỡng ở từng nơi. Ông Thạch Đi - Bí thư kiêm Trưởng Ban nhân dân ấp Phnô Cam Bốth tự hào cho biết: “Vào khoảng năm 2010, bà con nhân dân ấp này nghèo lắm, cuộc sống rất vất vả, khó khăn. Nhưng từ khi Nhà nước có chính sách đầu tư về nhà ở, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao kỹ thuật… bà con đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, cuộc sống dần thay đổi, nhà tường mọc lên ngày càng nhiều, chăm lo cho con cái đầy đủ, được ăn học đàng hoàng”.
Vợ anh Phạm Văn Tiến, ở ấp Phnô Cam Bốth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu mua rau cải đem bán tại chợ Sóc Trăng, góp phần giúp gia đình có thu nhập ổn định. Ảnh: H.LAN
Điển hình là anh Phạm Văn Tiến, ở ấp Phnô Cam Bốth, anh Tiến cho biết: “Nhờ vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng, tôi đã đầu tư trồng màu, còn vợ mua bán rau cải tại Trung tâm TP. Sóc Trăng mà gia đình có thu nhập ổn định. Qua thời gian tích cóp, vợ chồng tôi đã mua thêm được 5 công đất trồng màu và mua xe ba gác chở rau cải cho vợ bán ở chợ. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình khấm khá hẳn lên, tôi cũng đang chuẩn bị cất mới lại căn nhà cho kiên cố hơn”. Còn anh Trần Thươl cũng ở ấp Phnô Cam Bốth bộc bạch: “Thông qua các lớp tập huấn mà tôi biết được kỹ thuật chăn nuôi nên khi được Nhà nước hỗ trợ con bò sữa và vốn vay, tôi đầu tư nuôi bò sữa, nuôi gà thả vườn. Hiện trong chuồng đã có 6 con bò sữa và 2 con đang cho sữa; còn hơn 300 con gà nuôi thả vườn đang chuẩn bị xuất chuồng, dự kiến cho thu nhập khá. Nhờ nhiều năm nay phát triển chăn nuôi mà cuộc sống gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững. Tôi và nhiều bà con rất cám ơn Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ để người nghèo có điều kiện làm ăn, vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương”.
Chính nhờ các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện cùng ý thức thoát nghèo của chính bà con đã giúp Tham Đôm từ một xã có trên 50% hộ nghèo nhưng đến cuối năm 2021 toàn xã chỉ còn 1,12%, trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo của toàn huyện, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.