Điểm sáng trong nỗ lực giảm nghèo ở Vĩnh Linh

Những năm qua, Đảng bộ huyện Vĩnh Linh tiếp tục xác định 3 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa để tập trung chỉ đạo, trong đó có nhiệm vụ quan tâm đặc biệt là giảm nghèo bền vững cho 11 thôn, bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 3 xã miền núi, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Vĩnh Linh đã được cải thiện rõ rệt, bản làng ngày càng đổi mới. Mục tiêu giảm nghèo cho 11 thôn bản của huyện Vĩnh Linh đối với các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà đã đạt được những kết quả quan trọng.

 Hướng dẫn người dân miền núi trồng cây thanh long - Ảnh: P.V

Hướng dẫn người dân miền núi trồng cây thanh long - Ảnh: P.V

Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà là 3 xã miền núi thuộc huyện Vĩnh Linh với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa phương này còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm đa số. Trước đây, các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà có tỉ lệ hộ nghèo lớn, như xã Vĩnh Ô tỉ lệ hộ nghèo có thời điểm chiếm trên 55%. Bên cạnh đó, 3 xã này đều là những địa phương có nền kinh tế thấp, địa bàn xa xôi, cách trở, kết cấu hạ tầng còn thiếu thốn, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên. Tuy nhiên, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà cũng có những lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế, đó là diện tích đất đai rộng lớn, thích hợp để phát triển cây cao su, trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.

Đặc biệt từ khi đầu tư xây dựng con đường nhựa nối từ Quốc lộ 1 ngang qua thị trấn Hồ Xá lên Bản 2 (bản trung tâm) xã Vĩnh Ô hoàn thành năm 2010, công trình cầu treo nối Bản 2 với Bản 3 cũng đã hoàn thiện vào năm 2016, Nhà nước tiếp tục quan tâm, triển khai chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014- 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2529/QĐTTg ngày 31/12/2015. Theo đó, trong dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương trên địa bàn 50 tỉnh do Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai, xã Vĩnh Ô được đầu tư xây dựng đến 10 cây cầu đã góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, nối các xã còn nhiều khó khăn miền Tây Vĩnh Linh với vùng đồng bằng.

Ngay từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, Vĩnh Linh đã đề ra 3 chủ trương lớn toàn khóa, trong đó có chủ trương giảm nghèo bền vững cho 11 thôn, bản các xã miền núi là nhiệm vụ quan tâm đặc biệt. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành cấp huyện phối hợp với lãnh đạo 3 xã miền núi và Ban điều hành các thôn, bản tiến hành khảo sát tại các cộng đồng dân cư, các hộ gia đình để nắm tình hình thực tế, tiềm năng, lợi thế tùng vùng, miền, xác định nhu cầu… trên cơ sở đó đã xây dựng đề án “Giảm nghèo bền vững cho 11 thôn bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà” trình HĐND huyện thông qua. Ngày 28/12/2016, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án, UBND huyện đã bố trí 11 nhóm gồm các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn nhận giúp đỡ 11 bản có tỉ lệ hộ nghèo cao.

Trong 11 bản được chọn đầu tư giảm nghèo bền vững, Vĩnh Ô có 8 bản, Vĩnh Khê 2 bản, Vĩnh Hà 1 bản. Sau quá trình triển khai thực hiện đề án giai đoạn I, thu nhập bình quân tính theo đầu người của năm 2015 tăng hơn so với năm 2012 ở các xã, cụ thể: Xã Vĩnh Ô tăng 2,25 lần; Vĩnh Hà tăng 1,6 lần; Vĩnh Khê tăng 2,1 lần. Tỉ lệ hộ nghèo tại 11 bản giảm từ 4,77 - 5,8%/ năm. Đặc biệt đã xóa hết các bản có 100% hộ nghèo, nhiều bản có số hộ nghèo giảm nhanh như bản Bến Mưng (Vĩnh Khê), bản Xóm Mới 1, bản Thúc (Vĩnh Ô). Đề án “Giảm nghèo bền vững cho 11 thôn bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà” được triển khai rộng rãi đến tất cả các địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong toàn huyện; đã tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tự nguyện tham gia đóng góp nguồn lực, tài chính ủng hộ, giúp đỡ 11 bản có tỉ lệ hộ nghèo cao.

Trong 4 năm qua, huyện Vĩnh Linh đã huy động tổng hợp từ các nguồn lực: Nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình dự án, ngân sách địa phương, vận động sự đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong toàn huyện. Tổng số tiền đầu tư cho 3 xã là 66.127,5 triệu đồng; trong đó nguồn ngân sách 64.797,6 triệu đồng; người dân đối ứng và đóng góp của cán bộ, công chức và các địa phương là 1.329,9 triệu đồng.

Trong năm 2019 đã thực hiện giao 40 ha đất rừng sản xuất cho 23 hộ nghèo ở xã Vĩnh Ô và năm 2020 tiếp tục giao đất. Cùng với việc hỗ trợ về vốn, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, canh tác; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ địa phương và Nhân dân trong quản lý, phát triển kinh tế. Nhờ đó tỉ lệ hộ nghèo tại 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê đã giảm đáng kể. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm ở 3 xã đạt 6,24% (đạt so với mục tiêu đề án là 5-7%); tỉ lệ hộ nghèo ở 11 bản giảm 7,22%.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở các xã miền núi trong thời gian tới, huyện Vĩnh Linh sẽ tập trung tổng kết việc thực hiện đề án giai đoạn 2015-2020, xây dựng đề án mới theo hướng gắn giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi. Lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo và triển khai rộng rãi các nội dung của đề án để tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia hỗ trợ; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách, các chương trình dự án, các tổ chức, cá nhân đóng góp.

Đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách; tập huấn hướng dẫn, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; động viên khuyến khích người dân tự giác, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Tiến hành khảo sát thực tế và lấy nhu cầu từ người dân, từ cơ sở để xây dựng và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và xây dựng các công trình, cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, dân sinh. Thực hiện đúng kế hoạch giao đất cho người dân ở 3 xã theo chủ trương của tỉnh.

Thực hiện việc giao khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Phân công trách nhiệm cho các thành viên trong Ban quản lý đề án thật cụ thể, phù hợp; phối hợp đồng bộ, tích cực giữa các cơ quan, ban ngành, các xã, thị trấn, các nhóm hỗ trợ để đề án giảm nghèo tại các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh phát huy hiệu quả hơn nữa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và nâng cao mức sống của người dân.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152975