Điểm sáng trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế

Những năm qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đã triển khai có hiệu quả phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên.

 Mô hình tổ hợp tác sản xuất bánh tét ở Long Hưng tạo thu nhập tốt cho hội viên phụ nữ -Ảnh: B.B

Mô hình tổ hợp tác sản xuất bánh tét ở Long Hưng tạo thu nhập tốt cho hội viên phụ nữ -Ảnh: B.B

Tại tổ hợp tác (THT) sản xuất bánh tét ở thôn Long Hưng, xã Hải Phú do chị Lê Thị Kim Phương phụ trách, hầu như ngày nào, các chị em cũng phải làm luôn tay không nghỉ để kịp cho ra sản phẩm chuyển đi các tỉnh theo đơn đặt hàng. Chị Phương cho biết: “Trừ các dịp lễ, tết, thì vào ngày rằm hằng tháng, số lượng đơn đặt hàng bánh tày, bánh tét tăng. Do đó, ngoài các thành viên tổ hợp tác, chúng tôi phải huy động thêm nhân công để làm cho kịp. Bình quân mỗi tháng, tổ sản xuất từ 4.000 - 5.000 bánh tày, bánh tét các loại, đảm bảo thu nhập ổn định bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người”.

Việc thành lập THT sản xuất bánh tét được thực hiện mới đây, tuy nhiên nhóm 4 - 5 hội viên phụ nữ thôn Long Hưng đã kết hợp làm bánh để bán ra thị trường từ nhiều năm nay. Sản phẩm các chị làm ra được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, đây chính là thành công của mô hình khi kết nối được với các đầu mối uy tín để đảm bảo nguồn cung với số lượng lớn. Qua hơn 3 năm, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hội viên phụ nữ trong thôn.

Hội LHPN xã Hải Phú hiện có 942 hội viên, sinh hoạt tại 2 chi hội. Trong đó tỉ lệ phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ và ngành nghề khác chiếm 79%. Hội viên phụ nữ đã năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng ngành nghề, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tại xã Hải Phú hiện có nhiều mô hình kinh tế, THT, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ do phụ nữ làm chủ được duy trì và phát triển. Tiêu biểu như mô hình THT sản xuất tinh bột nghệ; THT dịch vụ nấu ăn phục vụ tiệc các sự kiện; cơ sở làm bún miến, may mặc tổng hợp; gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương; mô hình trồng cam K4, chăn nuôi tổng hợp, trồng sen kết hợp nuôi cá… Các sản phẩm làm ra đều có sự liên kết tiêu thụ hiệu quả trên thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo công ăn việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ với nguồn thu nhập ổn định.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Phú Văn Thị Quyến cho biết: “Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hội, Hội LHPN xã Hải Phú đã tích vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức. Cụ thể như vận động hội viên thực hiện chuyển đổi sinh kế, khắc phục hậu quả dịch tả lợn châu Phi, thiên tai. Kết quả có hơn 100 hộ gia đình hội viên thực hiện mô hình chăn nuôi gia cầm từ 100 con trở lên và 350 hộ tái đàn lợn nái sinh sản được hưởng chính sách hỗ trợ của huyện và xã. Nắm bắt nhu cầu, ý tưởng khởi sự, khởi nghiệp của chị em để kịp thời quan tâm, hỗ trợ tạo động lực, khởi sự, khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình”.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội LHPN xã Hải Phú đã tổ chức được 5 lớp đào tạo nghề với 110 học viên, thành lập 3 THT, hỗ trợ 5 mô hình khởi sự, khởi nghiệp, 15 mô hình phụ nữ làm kinh tế. Nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả tiếp tục được phát huy, mang lại thu nhập bình quân 100 - 200 triệu đồng/năm, tạo được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương có thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng tháng.

Từ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, các mô hình tiết kiệm, đỡ đầu hộ nghèo, hỗ trợ vốn vay được quan tâm xây dựng nhằm giúp hội viên phụ nữ phát huy nội lực, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Với phương châm “Trao cần câu thoát nghèo cho phụ nữ”, bằng sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực, trong những năm qua hội đã xây dựng ngân hàng con giống, hỗ trợ được 6 con bò giống và 40 con lợn giống cho hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 110 triệu đồng. Thông qua các nguồn vốn khai thác từ ngân hàng, góp vốn tín dụng tiết kiệm, vốn tự có trong hội viên, hội đã tích cực hỗ trợ, cho phụ nữ nghèo vay phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, hội đã duy trì, củng cố 7 tổ tiết kiệm và vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện với dư nợ 7,3 tỉ đồng/276 hộ vay, 100% hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Trong nhiệm kỳ đã có 41 hộ phụ nữ nghèo được hội giúp đỡ, 31 phụ nữ chủ hộ nghèo được đỡ đầu có địa chỉ, có 7 hộ thoát nghèo, có nhiều hộ điển hình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ sự chủ động và những hoạt động cụ thể, thiết thực của Hội LHPN xã Hải Phú trong phong trào phát triển kinh tế đã không chỉ thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất - kinh doanh, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và củng cố, duy trì các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156103&title=diem-sang-trong-phong-trao-phu-nu-giup-nhau-phat-trien-kinh-te