Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam năm 2025 tiếp tục khởi sắc với nhu cầu thuê tăng cao, giá thuê ổn định và làn sóng FDI tăng mạnh. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa đang nổi lên như một điểm đến mới, với loạt dự án khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn, hướng tới phát triển xanh và bền vững.

Nhu cầu tiếp tục tăng cao

Ngay từ đầu năm, nhu cầu thuê đất KCN tại các tỉnh, thành trọng điểm như Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh. Nhiều KCN hiện ghi nhận tỷ lệ lấp đầy trên 85%, thậm chí có nơi không còn quỹ đất cho thuê. Các ngành điện tử, linh kiện ô tô, dệt may, năng lượng tái tạo và logistics tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu mở rộng nhà máy, kho bãi... Đây là những lĩnh vực có khả năng tăng trưởng bền vững, phù hợp với xu hướng đầu tư quốc tế.

Giá thuê BĐS công nghiệp năm 2025 vẫn đang trong xu hướng tăng, song tốc độ tăng chậm lại so với giai đoạn 2021 - 2023. Áp lực từ cạnh tranh giữa các chủ đầu tư, cùng với yêu cầu ngày càng cao từ khách thuê về chất lượng hạ tầng, tiện ích và yếu tố “xanh”... đang định hình lại “cuộc chơi”. Các nhà phát triển KCN hiện không chỉ tập trung vào diện tích cho thuê, mà còn hướng tới xây dựng các KCN sinh thái, tích hợp năng lượng mặt trời, hệ thống xử lý nước thải tiêu chuẩn cao và quy hoạch theo định hướng phát triển bền vững.

Một xu hướng nổi bật khác là sự phát triển nhanh chóng của phân khúc nhà xưởng và kho bãi xây sẵn. Mô hình này đang trở thành lựa chọn lý tưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như công ty khởi nghiệp nước ngoài cần vận hành nhanh nhưng không muốn đầu tư ban đầu quá lớn. Nhiều đơn vị phát triển BĐS công nghiệp trong và ngoài nước như: BW Industrial, LOGOS hay ESR đang mở rộng lĩnh vực này, mở ra cơ hội lớn cho sự linh hoạt trong sản xuất và logistics.

Phát triển BĐS công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đất nước

Phát triển BĐS công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đất nước

“Tân binh” sáng giá

Trong xu hướng này, Khánh Hòa đang nổi bật trong bản đồ thu hút đầu tư KCN năm 2025. Với vị trí chiến lược ven biển, kết nối thuận lợi giữa Bắc và Nam, sở hữu cảng biển quốc tế và sân bay quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa đang trở thành điểm đến tiềm năng cho các dự án KCN quy mô lớn. Sự quan tâm ngày càng gia tăng của nhà đầu tư được thể hiện rõ qua hàng loạt đề xuất đầu tư trong những tháng đầu năm 2025. Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, điều này khẳng định tiềm năng vượt trội của địa phương, mở ra nhiều cơ hội mới.

Một số đề xuất đầu tư nổi bật tại Khánh Hòa gồm: dự án KCN sinh thái và năng lượng tái tạo tại xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa do Công ty CP Shinec và Công ty CP Chứng khoán SSI đề xuất, với quy mô 480ha, tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng; dự án KCN Ninh Diêm 1 cũng tại thị xã Ninh Hòa, quy mô 250ha và tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, liên danh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp Becamex IDC và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) cũng đề xuất hai dự án lớn: KCN - đô thị - dịch vụ Ninh Xuân (2.500ha) và khu đô thị dịch vụ - giáo dục - logistics tại xã Diên Thạnh (500ha), với tổng mức đầu tư gần 30.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Khánh Hòa cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Gần đây, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với đại diện Tập đoàn HD Hyundai Mipo (Hàn Quốc) và các nhà thầu phụ nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu và cơ khí chính xác. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ mong muốn sớm triển khai đầu tư nhà máy tại địa phương.

Bên cạnh những thuận lợi, một vấn đề lớn đang đặt ra đối với Khánh Hòa là giải quyết bài toán về quỹ đất công nghiệp. Theo Quyết định số 326 ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh được phân bổ 1.120ha đất KCN đến năm 2030. Trong khi đó, tổng diện tích các KCN đã thành lập đạt hơn 632ha, gồm KCN Suối Dầu, Ninh Thủy và Dốc Đá Trắng; theo phương án phát triển KCN của tỉnh đến năm 2030 có các dự án lớn như KCN Nam Cam Ranh (352ha), KCN Ninh Diêm 3 (290ha) và KCN Ninh Xuân (1.000ha). Nếu các đề xuất đầu tư hiện tại được chấp thuận, địa phương cần thêm hơn 3.000ha quỹ đất mới để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Để tháo gỡ nút thắt này, chính quyền địa phương cần chủ động báo cáo các bộ, ngành liên quan để xin điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030. Theo Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh việc đề xuất tăng diện tích đất công nghiệp, Khánh Hòa đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng tại các KCN hiện hữu; đồng thời, tích cực triển khai các cụm công nghiệp như Sông Cầu, Trảng É 2, Diên Thọ, Ninh Xuân… Tỉnh cũng đang xây dựng Đề án chiến lược phát triển hệ thống logistics, nhằm đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối của vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung đến năm 2030.

Năm 2025 được đánh giá là năm bản lề cho sự phát triển bền vững của BĐS công nghiệp Việt Nam. Với các tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI, sự đầu tư bài bản vào hạ tầng và những chính sách minh bạch hơn, lĩnh vực này được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế đất nước, đặc biệt tại các địa phương mới nổi như Khánh Hòa.

Công Thái

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-sang-trong-thu-hut-dau-tu-162990.html