Điểm sáng về hạ tầng giao thông

Vào dịp Carnaval Hạ Long năm 2018, để đi từ Hà Nội đến Hạ Long (Quảng Ninh), không gọi được dịch vụ xe limousine đặt trước, chúng tôi phải đi xe khách, cả thời gian tắc đường và nhà xe đón khách, mất hơn 6 giờ đồng hồ.

Chỉ vài tháng sau, chạy xe cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và qua cầu Bạch Đằng sang Hạ Long chỉ còn chưa đầy 2 giờ. Cầu Bạch Đằng là một trong những đổi thay trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể của Quảng Ninh.

Những năm qua, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đầu tư mạnh mẽ. Quảng Ninh đồng loạt đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế như cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn tiếp tục được khởi công như: Cao tốc Vân Đồn-Móng Cái; đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả; đường tốc độ cao ven sông tuyến miền Tây; cầu Cửa Lục 1, 2, 3...

 Đón khách tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Đón khách tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Đối với khu vực nông thôn, Quảng Ninh đã đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ hệ thống đường nông thôn, phủ kín và kết nối liên hoàn với quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Mới đây, huyện Bình Liêu cũng vừa tổ chức lễ gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV cho hệ thống các công trình giao thông kết nối tới 104 thôn, bản của huyện với tổng chiều dài hơn 250km. Hệ thống công trình có tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động của chương trình nông thôn mới, Đề án 196 (Chương trình 135); được triển khai thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành đầu năm 2020. Trước đó, 104 thôn, bản của huyện Bình Liêu từ chỗ điều kiện đi lại hết sức khó khăn, đặc biệt là mùa mưa lũ giao thông chia cắt, nay đã có đường giao thông thuận lợi, ô tô đi vào tận nơi. Nhờ đó, người dân có nhiều điều kiện thuận lợi để tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc hoàn thành hệ thống giao thông này trên địa bàn huyện Bình Liêu nói riêng và cả tỉnh Quảng Ninh nói chung đã thực sự trở thành sợi dây kết nối, thúc đẩy sự phát triển các nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội của khu vực miền núi biên giới gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hoàn thành gần 100km đường cao tốc; nâng cấp, cải tạo 130,3km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 65,7km đường tỉnh; cải tạo, làm mới 743,6km đường huyện, đường đô thị và hệ thống đường giao thông nông thôn, miền núi. Việc khơi thông huyết mạch giao thông, tạo liên kết vùng không chỉ giúp Quảng Ninh khai thác triệt để lợi thế về địa kinh tế, mà còn góp phần phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh khác của tỉnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng khẳng định: “Không phải địa phương nào cũng làm được việc này mà Quảng Ninh đã vận dụng, phát triển với những công trình quan trọng, có ý nghĩa, thậm chí những công trình lần đầu tiên như sân bay quốc tế Vân Đồn. Quảng Ninh đã làm được việc này, trong bối cảnh nguồn vốn, nguồn lực Nhà nước còn nhiều khó khăn”. Với những cách làm sáng tạo và vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách, Quảng Ninh cho thấy hiệu quả thực tế khi huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/diem-sang-ve-ha-tang-giao-thong-635850