Điểm sáng xuất khẩu nông lâm thủy sản

Nông lâm thủy sản đã trở thành điểm sáng trên bức tranh xuất khẩu của nước ta thời gian qua khi duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số.

Nhiều chính sách về xuất khẩu nông sản được ban hành

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông lâm thủy sản - một trong những nhóm ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1684/2015/QĐ-TTg ngày 30/9/2015 về việc phê duyệt chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, trong đó Việt Nam thể hiện quyết tâm hội nhập, mở cửa và tuân thủ các cam kết quốc tế. Ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân và xuất khẩu.

Ngay sau đó, tại Đề án Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 theo Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021, Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản, tham gia toàn diện và bền vững vào chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản, thực phẩm toàn cầu; Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng được các quy định của các thị trường nhập khẩu; Tiếp tục định vị và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD. Khoảng 20% sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia…

Sầu riêng là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao thời gian qua

Sầu riêng là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao thời gian qua

Thời gian qua, thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh. Quá trình hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước, thay đổi trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu nông sản, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và năng lực cạnh tranh quốc tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng góp phần cải thiện cán cân thương mại. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,7 tỷ USD năm 2021 và đạt 53,22 tỷ USD trong năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, nông, lâm thủy sản liên tục trở thành điểm sáng trên bức tranh xuất nhập khẩu cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 4,79 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 47,8 tỷ USD. Trong đó có sự đóng góp của nhóm nông sản và chăn nuôi, với sự tăng trưởng ấn tượng trong 11 tháng qua.

Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD (tăng 17%) và sản phẩm chăn nuôi đạt 453 triệu USD (tăng 24%).

Đến nay, có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD; đứng đầu là gỗ và sản phẩm gỗ 12 tỷ USD; rau quả 5,3 tỷ USD; tiếp đến là gạo 4,4 tỷ USD, cà phê 3,5 tỷ USD, tôm 3,4 tỷ USD và hạt điều 3,3 tỷ USD.

Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất đến thời điểm này.

Nông sản Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng

Nông sản Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng

Đến nay, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới nhiều mặt hàng nông sản như: Rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ… Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đã đáp ứng ngày càng tốt hơn tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường, ngay cả những thị trường nhập khẩu yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng. Nhiều mặt hàng giữ được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới. Nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài như rau quả, gạo, cà phê.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng, khả năng cạnh tranh và tăng cường hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nhiều nước yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm và kiểm dịch cũng được áp dụng để đáp ứng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới và tạo sự bứt phá đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều…

Kỳ vọng nào cho tháng cuối năm?

Năm nay, mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ngành nông nghiệp đặt ra là 54 tỷ USD, tức là hiện nay toàn ngành còn cách mục tiêu khoảng 6 tỷ USD. Trước tín hiệu khởi sắc của nhiều nhóm hàng những tháng gần đây, các chuyên gia cho rằng, nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục và tình hình xuất khẩu sẽ sôi động hơn trong tháng cuối năm.

Đầu tiên phải kể đến sự tăng trưởng mạnh của ngành rau quả. Nhu cầu của thị trường Trung Quốc được xem là nguyên nhân cho thành tích ấn tượng của ngành này - với mức tăng cao nhất từ trước tới nay, lên tới 70%. Trong đó, sầu riêng và mít là 2 loại trái cây được tiêu thụ mạnh nhất.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết, ngành rau quả chính thức bước qua con số 5 tỷ USD, con số này dự báo năm 2025 mới đạt được. Năm sau nếu không có gì đột biến, kim ngạch có thể đạt 6 tỷ USD.

Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp quảng bá cà phê Việt Nam tại Ấn Độ

Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp quảng bá cà phê Việt Nam tại Ấn Độ

Các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đồng bộ cũng giúp hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều khởi sắc. Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp chia sẻ, ngay từ đầu năm 2023, ngành nông nghiệp đã có dự báo và hình dung tình hình sẽ gặp khó khăn khi nhu cầu suy giảm ở hầu khắp các thị trường. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, mở rộng thị trường. Nhờ đó, những tháng gần đây, xuất khẩu nông sản đã có sự hồi phục.

“Có thể thấy, xuất khẩu nông sản sụt giảm chủ yếu ở 2 thị trường Mỹ và EU với 2 nhóm chính là gỗ, lâm sản và thủy sản. Song tín hiệu đáng mừng là đầu năm 2023, Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sau đại dịch Covid-19 nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có bước tăng trưởng trở lại. Trung Quốc là thị trường lớn và đang phần nào giúp giảm bớt khó khăn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây và gạo” – ông Tiến nói.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng trực tiếp đi Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam.

Vừa rồi khi dự hội nghị ở Nam Ninh, Chính phủ Việt Nam đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa với 4 nhóm hàng như: Sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu… Có thể nói công tác đàm phán mở cửa thị trường đã được đẩy lên rất mạnh.

Đặc biệt, năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia. Các đoàn đại biểu khi đi bất cứ quốc gia nào cũng đặt vấn đề về việc các thị trường tạo điều kiện để mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam. Đây thực sự là nỗ lực rất lớn.

Đối với công tác xúc tiến thương mại, sau đại dịch Covid-19, có thể nói chưa năm nào, các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội thảo, sự kiện từ phía các bộ, ngành Trung ương lại sôi động như vậy.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2023 do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã được vinh danh giải Nhất "gạo ngon Nhất thế giới" (World’s Best Rice). Giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về gạo Campuchia và gạo Ấn Độ.

Năm nay, có 3 doanh nghiệp Việt Nam tham gia dự thi với 6 loại gạo, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST24, ST25; Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9; Tập đoàn Thái Bình Seed dự thi gạo TBR39, TBR39_1.

Việc gạo Việt Nam một lần nữa được vinh danh ở giải thưởng cao nhất của một cuộc thi gạo ngon là một tín hiệu vui cho việc phát triển thương hiệu gạo Việt, giúp hoạt động xuất khẩu gạo – một trong những mặt hàng thế mạnh trong nhóm nông lâm thủy sản có thêm kỳ vọng tăng trưởng thời gian tới, đóng góp tích cực cho thành tích chung.

Đặc biệt, khả năng chống chọi của doanh nghiệp thời gian qua tương đối tốt. Mặc dù tình hình khó khăn, thủy sản và lâm sản có kim ngạch giảm đến trên 20%, song doanh nghiệp đã tìm mọi cách để khơi thông thị trường trong nước, chắt chiu từng cơ hội cho hoạt động xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, sang quý 4, khi lượng lưu kho ở Mỹ và EU giảm, nhu cầu nông sản sẽ tăng lên. Đến cuối năm 2023 và đầu 2024, có thể phục hồi lại như năm 2022.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/diem-sang-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-289188.html