Điểm sáng xuất khẩu nông sản Đắk Nông

Dù gặp nhiều khó khăn song thời gian qua, xuất khẩu nông sản Đắk Nông đã tăng trưởng tương đối tốt. Nhiều sản phẩm được ưa chuộng như cà phê, hạt tiêu...

Sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 dự kiến đạt 358,7 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 28,2% kế hoạch (kế hoạch 1.271 triệu USD); kim ngạch nhập khẩu quý I/2023 dự kiến đạt 80,6 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 32,2% so với kế hoạch (kế hoạch 250 triệu USD). Nông sản là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Hồ tiêu là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của Đắk Nông

Hồ tiêu là một trong những sản phẩm xuất khẩu chính của Đắk Nông

Sở Công Thương Đắk Nông phân tích, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều trở ngại. Nguyên nhân một phần do nhu cầu hàng hóa từ phía các đối tác thương mại lớn như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, châu Âu... suy giảm đáng kể.

Tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế và chiến sự Nga – Ukraine dẫn đến nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực trên toàn cầu. Những yếu tố này tạo áp lực lên thu nhập của người dân nhiều nước trên thế giới, khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu các nước giảm.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của Đắk Nông vẫn nỗ lực phát triển sản xuất, tận dụng tốt cơ hội và những thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh hiện được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu ổn định thuộc các nước thành viên trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như: Singapore, Nhật Bản, Malaysia...

Về thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực cũng phong phú. Trong đó, cà phê xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Úc; hạt điều xuất sang Singapore, Indonesa, Úc, Đức, Trung Quốc; hạt tiêu đen xuất sang Singapore, Hàn Quốc...

Để đạt được thành tích này, nhiều nông dân Đắk Nông đã mạnh dạn liên kết, thay đổi phương pháp canh tác theo các tiêu chuẩn để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu. Nhờ đổi mới tư duy, tổ chức liên kết sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng cao nên sản phẩm nông sản Đắk Nông đã rộng đường tiêu thụ, đã xuất khẩu ra hàng chục nước trong khu vực và trên thế giới.

Đơn cử, cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Hiện Đắk Nông có hơn 139.000ha cà phê, năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, sản lượng hơn 350.000 tấn, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 120.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 215 triệu USD/năm.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, tỉnh đã hình thành vùng cà phê rộng 23.000ha sản xuất theo các tiêu chuẩn, sản lượng đạt 82.000 tấn/năm. Hiện sản phẩm cà-phê Đắk Nông đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới.

Đối với quả xoài, trang trại Hoàng Văn Thuyết, ở thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút hiện đã sản xuất được gần 20ha xoài, với sản lượng khoảng 700 tấn/năm. Điều phấn khởi nhất là vựa xoài này không chỉ bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế mà còn được cơ quan chức năng cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Australia.

Hoặc, với sầu riêng, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân đã trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Quá trình sản xuất, công ty ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng, gắn mã truy xuất nguồn gốc, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm...

Tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

Mới đây, sản phẩm chanh dây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Tiếp đến, sầu riêng cũng được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thông qua ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Đắk Nông vì đây đều là sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Nhằm tăng xuất khẩu nông sản địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị, hợp tác xã triển khai Đề tài “Điều tra, đánh giá và xây dựng mô hình sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi giá trị hướng tới xuất khẩu”.

Đề tài đã xây dựng thí điểm 3 mô hình sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi, với tổng diện tích 41,2 ha. Đề tài đã tạo được 1 phần mềm quản lý sản xuất xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, tại các mô hình, Đề tài đã tổ chức tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP cho xoài, bơ, sầu riêng cho những người trực tiếp tham gia.

Sau tập huấn, các học viên có thể thực hành thành thạo các thao tác sử dụng phần mềm sổ ghi chép điện tử quản lý mã vùng trồng…

Song song với đó, Sở Công Thương đã xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025. Qua đó đề ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2025 như sau: Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu đạt 6.208 triệu USD, tăng 20,9% so với giai đoạn 2016-2020 (5.132 triệu USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2025 đạt 5.209 triệu USD.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các quốc gia thành viên của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động giao thương khu vực biên giới.

Việc ban hành Kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu hàng chủ lực tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025 có vai trò quan trọng trong việc định hướng những nhiệm vụ cụ thể, khắc phục hạn chế và đưa ra các mục tiêu giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả cao trong thời gian tới.

Lan Phương

Theo congthuong.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/diem-sang-xuat-khau-nong-san-dak-nong-144382.html