Điểm tên 5 khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang đối mặt
Hiện, các doanh nghiệp trong ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản đang đối diện 5 khó khăn lớn liên quan đến cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính.
Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nêu rõ một loạt vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính mà doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải, đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ ngành này phục hồi và phát triển.
Các vướng mắc về thuế liên quan đến thủ tục kê khai thu mua nguyên liệu
Theo phản ảnh của doanh nghiệp thành viên VASEP, thời gian gần đây Cục Thuế của một số tỉnh (như Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị,...) đã tổ chức thanh, kiểm tra thuế cho giai đoạn 2016-2017 tại một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên trên địa bàn.
Trong quá trình thanh, kiểm tra đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Thứ nhất, hiện một số tàu thuyền đánh bắt hải sản mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản kê khai chưa có giấy phép khai thác. Cục Thuế đã loại tất cả chi phí thu mua nguyên liệu từ những tàu thuyền này vì xem đó là chi phí không hợp lý, hợp lệ.
Thứ hai, vướng mắc, bất cập trong việc xác minh thông tin thu mua nguyên liệu thủy sản từ các tàu cá, ngư dân, chính quyền địa phương. Theo đó, đối với việc xác nhận của chủ tàu cá: doanh nghiệp luôn ở thế bị động và phải tùy thuộc vào tâm trạng của chủ tàu ở thời điểm xác minh, thậm chí có thể chịu khoản truy thu thuế oan nếu chủ tàu không muốn rắc rối nên không chịu xác nhận.
Đối với việc xác nhận của chính quyền địa phương, đa phần việc thu mua thủy sản của doanh nghiệp từ tàu đánh bắt nhưng cơ quan chính quyền nơi tàu có hộ khẩu thường trú không biết đến việc mua bán này, hoặc có trường hợp mua thủy sản của tàu nhưng chủ tàu không biết.
Thứ ba, vướng mắc, bất cập về việc doanh nghiệp thu mua nguyên liệu từ nậu vựa: Một số nậu vựa chưa chưa đăng ký giấy phép kinh doanh nên không xuất được hóa đơn tài chính thì nậu vựa, tàu khai thác làm bảng kê mua bán theo mẫu 01/TNDN của Thông tư 96/2015/TT-BCT.
Ngày 11/10/2024, VASEP đã có văn bản số 103/CV-VASEP báo cáo, kiến nghị giải quyết bất cập về thuế cho doanh nghiệp thủy sản gửi tới Tổng cục Thuế về nội dung này, và vẫn đang chờ phản hồi kết quả xem xét giải quyết của Bộ Tài chính.
Do đó, VASEP kính đề nghị Tổ Công tác Cải cách thủ tục hành chính, Hội đồng và Tổng Cục thuế tháo gỡ cho các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh việc Cục Thuế địa phương thực hiện thanh, kiểm tra đồng thời các giấy tờ (giấy phép khai thác…) của tàu cá trong giai đoạn nhiều năm trước đây để quyết định chi phí nguyên liệu của doanh nghiệp là hợp lý hay không khi mà các văn bản quy định pháp luật của ngành thuế cũng như mẫu 01/TNDN không có các quy định hoặc dẫn chiếu cụ thể tới các giấy tờ này.
Đồng thời, ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình thu mua nguyên liệu và các hồ sơ chứng từ cần thiết đối với các lô nguyên liệu mà doanh nghiệp thủy sản thu mua để Cục thuế các địa phương triển khai đồng bộ và phù hợp.
Ngành thuế cần tăng cường thanh, kiểm tra việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong khoảng 3 năm vì nếu để đến 7-8 năm là quá dài với rất nhiều sự đổi thay về cơ chế chính sách của Nhà nước cũng như nhân sự của doanh nghiệp và công việc, đời sống của ngư dân.
Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chế biến thủy sản, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, đưa nội dung xác nhận sản phẩm thủy sản là sản phẩm của “hoạt động chế biến” để hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động chế biến vào văn bản dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi hoặc một văn bản quy phạm pháp luật phù hợp để các cơ quan thuế thực hiện thống nhất theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 của Bộ Tài chính.
Bất cập trong thủ tục cấp giấy S/C và C/C trên hệ thống phần mềm eCDT
Trên hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử eCDT, các địa phương phải triển khai đồng bộ từ trong cả chuỗi khai thác (từ ngư dân, cơ sở thu mua, doanh nghiệp) để đảm bảo phần nhập liệu đầy đủ và chính xác ngay từ khâu đầu ngư dân ra-vào cảng, vì việc nhập liệu không đầy đủ từ ngay khâu đầu (ngư dân) thì sau dù doanh nghiệp có nhập đủ và đúng thì cũng không được duyệt xác nhận NL (S/C) – sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp ở khâu cuối của chuỗi mua nguyên liệu.
VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ để khai thông được sản xuất-xuất khẩu bình thường hiện nay của ngư dân và doanh nghiệp.
Cục Thủy sản, Chi cục Thủy sản và Ban quản lý cảng cá tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân việc nạp dữ liệu nguồn đầu vào chính xác để các khâu sau không bị vướng mắc. Cần thiết lập đường dây hỗ trợ kỹ thuật 24/7. Cục Thủy sản có hướng dẫn về việc nhập liệu lên eCDT đối với tàu khai thác nhỏ (dưới 15m) không lắp đặt VMS và quy trình xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) đối với nguyên liệu khai thác từ các tàu khai thác này.
Xem xét chỉ đạo việc yêu cầu tất cả các khâu thẩm tra tàu IUU phải hoàn thành trước khi tàu vào cảng; và khi các thông tin trên eCDT đã đầy đủ và đúng thì Ban quản lý cảng cá cần xác nhận luôn S/C cho doanh nghiệp.
Bất cập trong việc xác nhận nguyên liệu ruốc xuất khẩu vào EU
Ruốc là loài thủy sản đặc thù được ngư dân khai thác gần bờ, không cần giấy phép khai thác và không phải lắp đặt thiết bị VMS (do là thuyền < 15m), không cập nhật được phần mềm eCDT dẫn đến không đủ điều kiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) và Giấy chứng nhận (C/C) theo quy định hiện hành.
Sản lượng ruốc là khá lớn ở các tỉnh miền Trung. Khách hàng châu Âu lại có nhu cầu lớn về mặt hàng này. Đề gia tăng giá trị và sinh kế cho ngư dân, cũng như để việc xuất khẩu sang EU không bị ách tắc, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trường hợp nguyên liệu ruốc là trường hợp đặc thù để có văn bản hướng dẫn cụ thể cho phép xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) đối với nguyên liệu ruốc cho sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường EU.
Quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”
VASEP ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong các quyết sách để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe nhân dân, trong đó có quyết sách về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Tuy nhiên, trên cơ sở các quan ngại đã được nêu ra, VASEP đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét loại trừ hàng thủy sản và thực phẩm xuất khẩu khỏi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 09/2016 (sửa đổi khoản 2 Điều 2 của NĐ 09/2016 thành “thực phẩm xuất khẩu” thay vì “cơ sở thực phẩm xuất khẩu”).
Khuyến khích sử dụng muối có bổ sung i-ốt trong chế biến thực phẩm dùng cho tiêu dùng nội địa; Bổ sung bắt buộc i-ốt cho muối dùng trong hộ gia đình và dịch vụ ăn uống trực tiếp (đúng theo Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030) và các gia vị mặn dạng rắn.
Cho phép các cơ sở sản xuất nhập khẩu muối được cung cấp muối không bổ sung i-ốt để sử dụng theo nhu cầu của những người thừa i-ốt, của doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm xuất khẩu. Yêu cầu ghi nhãn rõ ràng về muối i-ốt và lợi ích phòng chống bướu cổ để phân biệt với muối tinh khiết.
Tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỷ USD– một dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Lũy kế tới cuối tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản đạt 8,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh các thị trường chủ lực gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản, xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động: xuất khẩu sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, trong khi Hàn Quốc tăng khiêm tốn hơn với 13%.