Điểm tên các ngân hàng công khai cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên
Cơ cấu cổ đông của các ngân hàng sẽ thay đổi như thế nào dưới sự tác động của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã có hiệu lực từ ngày 1/7? Đến thời điểm này, một số ngân hàng đã công khai danh sách thông tin cổ đông và tỷ lệ sở hữu cổ phần.
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng mới, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của cá nhân và người liên quan.
Đến thời điểm này, Eximbank, VPBank, LPBank, OCB, MSB là những ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.
Cụ thể, VPBank cho biết, tính đến ngày 19/7 có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân (nắm giữ hơn 40,8% vốn ngân hàng) và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu VPB, chiếm hơn 64% vốn điều lệ của ngân hàng.
Với nhóm cá nhân, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng nắm 4,14% vốn, tương đương với sở hữu 328,5 triệu cổ phiếu. Còn người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu VPB, chiếm 29,5% vốn điều lệ.
Như vậy, ông Dũng và người có liên quan nắm giữ 33,64% vốn ngân hàng.
Bốn cổ đông tổ chức tại VPBank gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông chiến lược của VPBank - đang sở hữu gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ; Công ty CP DIERA sở hữu 4,39%; Quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt sở hữu 2,73% và 1,28% vốn điều lệ.
Tại OCB, theo công bố có 7 cổ đông cá nhân và 13 cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.
Trong đó, Tổng Công ty Bến Thành - TNHH MTV nắm tỷ lệ 4,96%, Công ty CP Đầu Tư Bình An House: 4,74%, Công ty CP Đầu Tư HVR: 3,85%, Công ty CP Greenwave Capital: 4,44%, Văn phòng Thành ủy nắm tỷ lệ 3,65%, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận: 3,27%, Công ty CP Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh nắm tỷ lệ 3,25%, Công ty CP Năng lượng tái tạo Hve nắm 3,14%.
Cổ đông nước ngoài Aozora Bank, Ltd đang là cổ đông nắm giữ nhiều nhất với tỷ lệ 15% vốn điều lệ; tiếp theo là Portal Global Limited: 3,03% và và Pyn Elite Fund (Non-Ucits): 2,42%. Tổng sở hữu vốn điều lệ của các nhà đầu tư ngoại tại OCB là 20,45%.
Về cổ đông cá nhân, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan nắm giữ tổng cộng 409,3 triệu cổ phiếu, tương ứng với 19,92% vốn. Trong đó, Chủ tịch OCB nắm 91,1 triệu cổ phiếu, tương đương 4,43% vốn điều lệ
Tại MSB, có 11 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, VNPT là cổ đông chiến lược, hiện nắm gần 121 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 6,05% vốn điều lệ. Theo lộ trình đã phê duyệt, đến hết năm 2025, VNPT sẽ thoái vốn tại MSB.
Các cổ đông lớn còn lại là 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái ROX Group (trước đây là TNG Holdings) nắm giữ gần 5,4% vốn điều lệ của MSB, bao gồm: Công ty CP ROX Key Holdings nắm 2,43%; Công ty CP Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL: 1,08%; và Công ty CP Đầu tư Xây dựng ROX Cons: 1,87%.
Ba doanh nghiệp khác, mỗi doanh nghiệp sở hữu gần 5% vốn điều lệ ngân hàng này gồm: Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài: 4,96% và Công ty TNHH Thành phố Công nghệ Xanh Hà Nội: 4,97%; Công ty Xây dựng và Kinh doanh Cơ sở Hạ tầng KCN Hà Nội - Đài Tư: 4,98%.
Công ty CP Đầu tư Tiến An sở hữu 1,11%; Công ty CP Đầu tư Ricohomes sở hữu 2,64%.
Với khối ngoại, quỹ Buenavista Holdings nắm giữ 2,02% vốn của MSB. Còn phía nhà đầu tư cá nhân, chỉ có ông Nilesh Ratilal Banglorewala nắm giữ 3,32% vốn điều lệ ngân hàng.
Tại Eximbank, Công ty CP Tập đoàn Gelex hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần (tương đương 4,9% vốn điều lệ). Tiếp theo là Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX sở hữu 3,58%; Công ty CP Thắng Phương: 3,07%.
Ngoài ra, 2 nhà đầu tư cá nhân sở hữu lần lượt 1,03% và 1,12% vốn Eximbank là bà Lê Thị Mai Loan và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Trong khi đó, theo thông tin được LPBank công bố ngày 17/7, VNPost đang nắm giữ 167,2 triệu cổ phiếu LPBank, tương ứng 6,54% vốn điều lệ ngân hàng.
Cổ đông còn lại trong báo cáo là ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch LPBank, sở hữu hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,77% vốn.
Tại HDBank, không có cá nhân nào sở hữu trên 1% vốn điều lệ. Hai cổ đông tổ chức là Baillie Gifford Pacific Fund nắm giữ 64,15 triệu cổ phiếu (2,19% vốn điều lệ) và Pyn Elite Fund (Non-Ucits) nắm giữ 64,47 triệu cổ phiếu (2,2%).
Ngoài 2 quỹ ngoại, một cổ đông lớn khác Công ty CP Sovico đang nắm giữ 417,7 triệu cổ phiếu HDB, chiếm tỷ lệ 14,27% vốn điều lệ HDBank.
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, cổ đông và người có liên quan chỉ được phép nắm giữ 15% vốn điều lệ thay vì 20% như luật trước. Trường hợp nhóm này đã sở hữu cổ phần theo quy định trước ngày 1/7 vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo định nghĩa tại Khoản 24, Điều 4 đối với cá nhân, người liên quan sẽ gồm vợ/chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại…
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cuối năm 2022, có tổng số 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, 1 công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt 10%.
Việc công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng được đánh giá là biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo.
Chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ đông là tổ chức tại ngân hàng sẽ giúp đa dạng cơ cấu cổ đông, tăng tính đại chúng và hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của tổ chức giảm từ 15% xuống 10% cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
“Các điểm mới của Luật có mục tiêu chính là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn”, ông Hiếu nói.