Điểm tên các nhóm sắc tộc và giáo phái chính ở Syria

Quyền Tổng thống Ahmed al-Sharaa kỳ vọng tái thống nhất Syria dưới sự lãnh đạo của chính phủ do các phe Hồi giáo điều hành, song tham vọng này vấp phải trở ngại lớn do tính đa dạng sắc tộc và giáo phái của đất nước này.

Lực lượng an ninh Syria tiến vào thành phố Sweida, miền Nam Syria, khi thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa chính quyền lâm thời Syria và cộng đồng người Druze ngày 15/7. Ảnh: THX/TTXVN

Lực lượng an ninh Syria tiến vào thành phố Sweida, miền Nam Syria, khi thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa chính quyền lâm thời Syria và cộng đồng người Druze ngày 15/7. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters ngày 16/7, Syria có đa số dân theo Hồi giáo dòng Sunni, cùng các cộng đồng thiểu số như Alawite, Thiên chúa giáo, Druze, Hồi giáo dòng Shi’ite và Hồi giáo dòng Ismaili. Trong khi phần lớn người Syria là người Arab, thì quốc gia này cũng có một cộng đồng người Kurd thiểu số đáng kể.

Người Hồi giáo dòng Sunni

Người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số trong dân số hơn 20 triệu người của Syria.

Syria từng là một phần của Đế chế Ottoman do người Sunni cai trị trong nhiều thế kỷ cho đến khi đế chế này sụp đổ cách đây một thế kỷ và Syria trở thành lãnh thổ ủy trị của Pháp. Nhóm người Sunni từng thống trị các thành phố lớn và có ảnh hưởng nhất Syria như Damascus, Aleppo, Hama và Homs.

Dưới thời gia đình cựu Tổng thống Bashar al-Assad, người Sunni vẫn nắm giữ một số vị trí quan trọng. Vợ của ông Bashar al-Assad là bà Asma xuất thân từ một gia đình Hồi giáo dòng Sunni có nhiều ảnh hưởng trước khi ông bị lật đổ vào tháng 12/2024. Tuy nhiên, quyền lực chủ yếu nghiêng về cộng đồng Alawite thiểu số của gia đình al-Assad, kể từ khi cha của ông Bashar al-Assad là Hafez al-Assad giành quyền lực năm 1970.

Năm 1982, chi nhánh của tổ chức Hồi giáo dòng Sunni tại Syria là nhóm Anh em Hồi giáo đã phát động một cuộc nổi dậy ở thành phố Hama chống ông Hafez al-Assad. Lực lượng của ông đã dập tắt cuộc nổi dậy, khiến trên 10.000 người thiệt mạng.

Một số phe nổi dậy chống gia tộc al-Assad thuộc Hồi giáo dòng Sunni, trong đó có nhóm Hayat Tahrir al-Sham của ông Sharaa. Hayat Tahrir al-Sham từng là một chi nhánh của al-Qaeda trước khi cắt đứt quan hệ vào năm 2016.

Người Alawite

Người Alawite chiếm khoảng 10% dân số Syria, theo một nhánh của Hồi giáo dòng Shi’ite và tôn thờ Ali – anh em họ kiêm con rể của Nhà tiên tri Mohammad. Đây vốn là một cộng đồng nông thôn nghèo sống ở vùng núi ven biển Syria.

Năm 1920, thực dân Pháp lập ra một nhà nước Alawite dọc theo bờ biển, được xem là chiến lược chia để trị. Vùng này được sáp nhập vào phần còn lại của Syria vào năm 1936, trước khi Syria giành độc lập một thập kỷ sau đó.

Ông Hafez al-Assad xuất thân từ làng Qardaha, từng thăng tiến trong quân đội và đảng Baath để giành quyền lực. Dù tuyên truyền tư tưởng dân tộc Arab thế tục của đảng Baath, gia đình al-Assad lại tuyển dụng phần lớn người Alawite vào bộ máy an ninh.

Vào tháng 3, các tay súng Sunni đã giết 1.500 người Alawite ở vùng ven biển sau một cuộc nổi dậy do phe trung thành với gia tộc al-Assad khởi xướng.

Người Druze

Cộng đồng Druze ở Syria theo một tôn giáo phát triển từ Hồi giáo, là nhóm thiểu số cũng có mặt tại Liban, Israel và vùng Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Tại Syria, người Druze chủ yếu sống ở vùng Sweida giáp Jordan, khu vực giáp ranh với Golan do Israel kiểm soát và ngoại ô Jaramana của Damascus.

Tương tự như người Alawite, chính quyền thực dân Pháp từng lập ra một nhà nước riêng cho người Druze gọi là Jabal al-Druze, với trung tâm là Sweida cho đến năm 1936.

Sau khi nội chiến Syria bùng nổ năm 2011, người Druze từng biểu tình phản đối ông al-Assad nhưng phần lớn không phải chịu các cuộc bạo lực quy mô lớn như các vùng khác. Tuy nhiên, họ bị các nhóm khác tấn công thường xuyên, bao gồm cả Hayat Tahrir al-Sham và các tay súng Hồi giáo dòng Sunni khác vốn coi tín ngưỡng của Druze là dị giáo.

Tín ngưỡng Druze bắt nguồn từ thế kỷ 11, pha trộn các yếu tố của Hồi giáo và triết lý khác, nhấn mạnh vào nhất thần, luân hồi và sự truy cầu chân lý.

Căng thẳng giữa người Druze và chính quyền mới tại Syria đã nhiều lần bùng phát thành xung đột trong năm nay, đặc biệt ở Jaramana và Sweida.

Israel từng không kích lực lượng chính phủ Syria trong các cuộc giao tranh với lý do bảo vệ cộng đồng Druze.

Người Kurd

Người Kurd là nhóm sắc tộc phi Arab lớn nhất ở Syria, chiếm khoảng 10% dân số, tập trung ở khu vực giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Họ thuộc về một sắc tộc không có quốc gia, sống rải rác tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Armenia.

Dưới chính quyền dân tộc chủ nghĩa Arab của đảng Baath, người Kurd tại Syria từng bị đàn áp có hệ thống.

Dù phần lớn người Kurd theo Hồi giáo dòng Sunni, nhưng đảng lớn nhất của họ là Liên minh Dân chủ (PYD) lại theo đuổi học thuyết chính trị thế tục, cánh tả và ủng hộ nữ quyền, chịu ảnh hưởng mạnh từ đảng Công nhân Người Kurd (PKK) của Abdullah Ocalan.

Sau khi xung đột tại Syria nổ ra năm 2011, lực lượng vũ trang liên kết với PYD là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) đã giành quyền kiểm soát các khu vực có đông người Kurd ở miền Bắc Syria. Dưới danh nghĩa Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), YPG hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hiện tại, vùng do SDF kiểm soát chiếm khoảng 25% lãnh thổ Syria, bao gồm cả một số khu vực có đa số dân là người Arab.

Các nhóm người Kurd hàng đầu mong muốn duy trì quyền tự trị khu vực. Điều này đi ngược lại tham vọng thống nhất đất nước dưới chính quyền trung ương của ông Sharaa.

Người Thiên chúa giáo

Dù một số nhân vật Thiên chúa giáo nổi bật tại Syria từng tham gia phe đối lập chống ông al-Assad, nhưng phần lớn các cộng đồng Thiên chúa giáo vẫn ủng hộ ông, do lo ngại rằng nếu người Sunni lên nắm quyền, quyền lợi của các nhóm thiểu số sẽ bị xâm phạm.

Người Thiên chúa giáo ở Syria chia thành nhiều hệ phái, trong đó có những cộng đồng nhỏ có từ thời kỳ tiền Hồi giáo. Các nhóm bao gồm Chính thống Hy Lạp, Maronite, Chính thống Syria và Công giáo Syria, Chaldean, Assyria, Chính thống Armenia và Công giáo Armenia. Ngoài ra còn có một số tín đồ Tin lành.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/diem-ten-cac-nhom-sac-toc-va-giao-phai-chinh-o-syria-20250717101320857.htm