Điểm tên những dự án 'khủng' trong diện phải thu hồi tại Thanh Hóa
Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi hơn 20 dự án chậm tiến độ, vi phạm Luật Đất đai. Để tiếp tục 'lọc' các dự án chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, UBND tỉnh này đã thành lập tổ công tác để tổ chức rà soát các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn.
Quyết liệt “thanh lọc” dự án treo
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi, trường hợp điều chỉnh quy hoạch thì xác định loại hình điều chỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Đồng thời, tỉnh rà soát các dự án đầu tư được UBND cấp huyện chấp thuận và có phương án kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ.
Theo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực) đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh này có 1.617 dự án được giao, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 7.800 ha. Trong số các dự án này, có 68% đã hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; hơn 12% dự án đang thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ; hơn 15% thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng, chưa vi phạm quy định của luật Đất đai; và 3,71% chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm Luật Đất đai.
Dự án nghìn tỷ “trùm mền” hơn 10 năm
Điển hình trong số các dự án được cho thuê đất, giao đất nhưng “treo” nhiều năm qua, gây thiệt hại kinh tế cho người dân và lãng phí tài nguyên đất phải kể đến Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn (ở xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) có diện tích hơn 36 ha, vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng. Sau khi triển khai xây dựng nhà ở công nhân, tường rào, ép một số cọc bê tông móng… cũng bỏ hoang từ năm 2010 đến nay. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do chủ đầu tư thiếu vốn nên không thể tiếp tục thực hiện dự án.
Dự án “treo” quá lâu khiến hơn 200 hộ dân đã nhường đất cho dự án gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình đã đầu tư tiền cho con em đi đào tạo, học nghề để về làm việc cho nhà máy như kế hoạch dự kiến, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa hoàn thành. Tỉnh Thanh Hóa đang giải quyết theo hướng đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét dừng triển khai dự án.
Tương tự, Dự án Trung tâm dạy nghề y tá điều dưỡng quốc tế được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương năm 2014 cho Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ thương mại Sơn Thái Thành (nay là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Thái Thành) làm chủ đầu tư nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thị trấn Tân Phong, có diện tích 5 ha. Tuy nhiên, suốt nhiều năm sau khi được chấp thuận chủ trương, chủ đầu tư mới dựng được vài hạng mục nhỏ, cột bê tông trơ trọi và hiện trở thành nơi chăn thả trâu bò, nuôi vịt cho người dân.
Theo UBND huyện Quảng Xương, tới đây, nếu Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Thái Thành không tiến hành thực hiện dự án, huyện sẽ đề nghị tỉnh Thanh Hóa thu hồi dự án.
Năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định đồng ý cho Công ty cổ phần tập đoàn Miền Núi thuê 8.900m2 đất tại trung tâm thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc để thực hiện Dự án tổ hợp khách sạn nhà hàng. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư chỉ mới san lấp mặt bằng, xây tường rào bao quanh và đào đất xây móng công trình rồi bỏ hoang khu đất. Đây là công trình có 11 hạng mục gồm khách sạn 7 tầng, khu nhà nghỉ VIP, trạm biến áp, sân đường nội bộ, vườn hoa cây xanh, bể bơi…
Mặc dù đã được UBND tỉnh Thanh Hóa gia hạn một lần, nhưng công trình này vẫn chưa hoàn thành, điều này đã làm lãng phí khu đất vàng này ngay giữa trung tâm thị trấn Ngọc Lặc, gây bức xúc trong dư luận.
Không nhân nhượng đối với dự án "treo"
Một số dự án lớn khác mới đây cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất, thu hồi dự án do “treo” quá lâu, như: Dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam TP Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha đất; Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc) của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa; Dự án của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện (tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn)…
Việc các dự án chậm tiến độ không những gây lãng phí tài nguyên đất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch phát triển kinh tế, chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh. Lợi ích từ dự án chưa thấy đâu, nhưng hệ lụy mà dự án mang lại thì ai cũng thấy, người dân thì mất đất sản xuất trong khi các khu đất lại để hoang phí gây bức xúc trong dư luận...