Điểm thi THPT thuộc top đầu bảng, điểm học bạ lại xếp cuối: chuyên gia nói gì?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa: 'Vấn đề quan trọng và căn cơ lâu dài đó là chuẩn hóa việc kiểm tra đánh giá ở bậc trung học phổ thông'.

Kết quả đối sánh trung bình và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương do Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành đã cho thấy có sự chênh lệch lớn.

Một số địa phương thuộc tốp đầu cả nước về nhưng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại xếp phía cuối danh sách 63 tỉnh thành.

Cần chuẩn hóa việc kiểm tra đánh giá ở bậc trung học phổ thông

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa- nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ nhiều năm nay, sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều công bố đối sánh giữa điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp với điểm trung bình các môn học tương ứng ở lớp 12.

Các kết quả đều cho thấy điểm trung bình theo môn học ở lớp 12 bao giờ cũng cao hơn điểm trung bình môn thi tương ứng.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa- nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Điều này đã trở thành bình thường và thậm chí được ngầm hiểu là cứu cánh để giữ tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ở mức cao dù công thức tính điểm tốt nghiệp đã thay đổi, và cũng “tặng” cho học sinh có học bạ đẹp để xét tuyển vào đại học.

Do cứu cánh là vậy nên rõ ràng việc đánh giá kiểm tra các môn học ở lớp 12 ngoài những chuẩn đánh giá năng lực học tập của học sinh còn phải cộng thêm một “giá trị gia tăng” nào đó để đạt được mục tiêu còn mang rất nặng tính thành tích.

Kết quả điểm trung bình các môn học lớp 12 chẳng những chênh lệch với điểm trung bình các môn thi tương ứng, mà còn chênh lệch với nhau giữa các địa phương.

Một số dư luận cho rằng nếu tỉ lệ tốt nghiệp quá cao (hàng chục địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao hơn 99%) thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp.

Quan điểm này chỉ nhìn thấy một mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng còn 2 mục tiêu còn quan trọng hơn là dùng để đánh giá “thật” chất lượng dạy và học ở bậc trung học phổ thông, và khi nào kết quả thi trung học phổ thông còn là “thật” thì còn là cơ sở cho các trường đại học dùng để xét tuyển.

Điều này cho thấy khó lòng bỏ được kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, và càng không thể giao cho từng địa phương tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp (với 2 khâu quan trọng là tự ra đề thi tốt nghiệp và tự ấn định ngày thi tốt nghiệp tại địa phương).

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, qua 2 năm đại dịch liên tiếp, chương trình học giảm tải, học sinh học trực tuyến trong một thời gian dài, nhưng điểm số học ở lớp 12 tăng nhiều hơn, đa phần dư luận cho rằng điểm số học bạ không còn thực chất.

Tuy nhiên, các quan điểm đòi bỏ thi tốt nghiệp và bỏ xét tuyển bằng học bạ vừa cực đoan và lại mâu thuẫn nhau. Vì nhu cầu xét tuyển đại học cao gần gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học (năm 2022 có hơn 900 ngàn học sinh đăng ký xét tuyển vào khoảng 540 ngàn chỉ tiêu tuyển sinh đại học), mức độ cạnh tranh trong tuyển sinh vẫn cao, đặc biệt ở những trường đại học lớn. Nếu không có điểm thi tốt nghiệp thì các trường chỉ có thể dùng học bạ để xét tuyển, và nếu không dùng học bạ thì chỉ còn cách tự tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Nhiều trường đại học tuy không bỏ hẳn phương thức xét tuyển theo học bạ, nhưng phải kết hợp với những căn cứ khác để xét tuyển như kết quả thi tốt nghiệp hoặc (và) kết quả của các kỳ thi riêng.

Vấn đề quan trọng và căn cơ lâu dài hơn, đó là chuẩn hóa việc kiểm tra đánh giá ở bậc trung học phổ thông, đặc biệt khi cả nước hiện đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đến năm 2025 lứa học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 sẽ xét tuyển đại học.

Lo ngại hiện tượng "làm đẹp" học bạ vì bệnh thành tích

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Đông Phương - cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, sự chênh lệch lớn giữa tốt nghiệp và trung bình điểm học bạ là chuyện đã xảy ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, mức gia tăng của điểm học bạ so với điểm thi năm nay còn cao hơn những năm trước.

Điểm học bạ có thể được các nhà trường, thầy cô “làm đẹp”, ngoài ra, việc sửa điểm học bạ cũng dễ dàng hơn sửa điểm thi.

Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, cơ quan quản lý giáo dục cần kiểm soát được tốt hơn việc cho điểm học bạ. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Điểm học bạ được làm đẹp một phần cũng bởi bệnh thành tích, chính vì vậy, các địa phương phải nỗ lực làm sao để mặt bằng điểm của tỉnh/thành phố mình tốt hơn và để học sinh đỡ thiệt thòi. Khi các trường đại học mở rộng tuyển sinh bằng điểm học bạ thì việc này càng được thể hiện rõ hơn.

Thực tế, khi điểm học bạ không phản ánh trung thực năng lực của học sinh, kết quả đối sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và trung bình điểm học bạ lớp 12 lại càng dấy lên lo ngại khi nhiều trường đại học đang tăng cường tuyển sinh bằng học bạ và điểm chuẩn xét học bạ ngày càng tăng cao.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho biết, năm ngoái xảy ra tình trạng “lạm phát” điểm thi (30 điểm vẫn trượt đại học), còn năm nay lại xảy ra câu chuyện điểm học bạ 30 điểm vẫn trượt đại học.

Một số trường cho điểm học bạ quá dễ dàng thì việc điểm đội lên cũng là điều dễ hiểu. Năm nay nhiều trường đại học lại tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ dẫn đến số lượng thí sinh sử dụng điểm học bạ đăng ký xét tuyển vào các trường cũng nhiều.

Một vấn đề nữa, là trong điểm thi tốt nghiệp có cộng điểm ưu tiên theo quy chế nhưng điểm học bạ thì điểm ưu tiên (điểm cộng) đa dạng hơn, ví dụ như điểm cộng đối với các giải thưởng học sinh giỏi hay những thành tích học tập khác. Vì vậy, điểm xét tuyển học bạ của nhiều trường là điểm học bạ cộng với điểm thưởng, có trường mức điểm chuẩn học bạ cao hơn 30.

Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng bản thân điểm học bạ là một công cụ theo dõi, đánh giá quá trình học tập của học sinh rất tốt, tuy nhiên điều đáng tiếc là đã xảy ra hiện tượng “làm đẹp” học bạ vì thầy cô thương học trò, vì căn bệnh thành tích.

Vấn đề quan trọng cần làm hiện nay là làm sao để các trường đưa ra được điểm số phản ánh trung thực năng lực học tập của học sinh. Việc này nằm trong phạm vi điều chỉnh của các trường trung học phổ thông chứ không phải của trường đại học.

Nếu các trường cho điểm chặt chẽ hơn, các cơ quan quản lý giáo dục kiểm soát được tốt hơn việc cho điểm học bạ thì đây chính là căn cứ tốt nhất để đánh giá quá trình học tập của người học.

Theo kết quả đối sánh trung bình và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, Hà Nội có mặt trong tốp 10 tỉnh, thành có điểm học bạ cao nhất cả nước ở cả 8 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng trong kết quả thi, Hà Nội "bật" khỏi tốp 10 ở hầu hết các môn (trừ môn Ngoại ngữ xếp thứ 4), thậm chí "rơi tự do" xuống vị trí gần chót bảng.

Vị trí của Hà Nội so với 63 tỉnh thành ở điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông các môn. (Ảnh: TTXVN)

Thủ đô dẫn đầu cả nước về điểm học bạ môn Hóa học và Sinh học nhưng điểm trung bình trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 là 6,311 điểm ở môn Hóa học và 4,641 điểm ở môn Sinh học, Hà Nội xếp vị trí thứ 58 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước ở cả hai môn học này.

Tỉnh Đồng Tháp có mặt trong danh sách 10 địa phương có điểm học bạ cao nhất cả nước ở hầu hết các môn, gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Sinh học, Hóa học nhưng không có môn nào lọt tốp 10 về điểm thi. Điểm thi các môn của Đồng Tháp đa số xếp trong khoảng thứ 20, thậm chí một số môn có vị trí rất thấp như điểm thi môn Vật lý xếp thứ 52, môn Hóa học xếp thứ 38. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.vietnamplus.vn/mot-so-dia-phuong-dan-dau-ve-diem-hoc-ba-nhung-diem-thi-cuoi-bang/808187.vnp

Phạm Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/diem-thi-thpt-thuoc-top-dau-bang-diem-hoc-ba-lai-xep-cuoi-chuyen-gia-noi-gi-post228409.gd