Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 2/1/2024: Giá vàng dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2024
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 2/1/2024: Giá vàng dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2024; đồng USD ổn định; Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế…
Giá vàng dự báo sẽ tăng mạnh
Giá vàng trong nước rạng sáng nay ổn định. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 71 triệu đồng/lượng mua vào và 74,02 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.062,2 USD/ounce (tương đương gần 60,7 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 13 triệu đồng/lượng.
Giới chuyên gia dự báo, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm mới 2024, bởi yếu tố địa chính trị sẽ thúc đẩy đầu tư vào kim loại quý này. Thực tế từ lâu vàng luôn được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn địa chính trị, bất ổn kinh tế hoặc bất ổn thị trường tài chính.
Đồng USD ổn định
Rạng sáng nay 2/1/2024, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức: 23.866 đồng. Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 101,38.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 23.400 - 25.009 đồng.
Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế
Từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì giấy (hỗn hợp, carton) sẽ phải tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc.
Theo đó, quy định tái chế áp dụng với các nhà sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, dịch vụ và giá trị nhập khẩu của năm trước lần lượt trên 30 tỷ và 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không phải chịu quy định này.
Doanh nghiệp phải tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ bắt buộc trên tổng khối lượng được đưa ra thị trường, nhập khẩu. Theo đó, tỷ lệ tái chế ngành săm lốp là 5%, pin sạc 8%, ắc quy 8-12% tùy loại và bao bì 10-22%.
Doanh nghiệp cũng có thể chọn nhiều giải pháp khi tái chế. Chẳng hạn, săm lốp có thể tái chế làm làm lốp dán công nghệ cao, hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu.
Pin có thể tái chế để sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa, như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp.
Dầu nhớt có thể chưng thu hồi dầu gốc hoặc loại dầu khác. Bao bì tái chế thành các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy hoặc các sản phẩm khác...
Theo lộ trình, ngành điện, điện tử sẽ phải tái chế sản phẩm bắt buộc từ ngày 1/1/2025. Còn lĩnh vực ôtô và xe máy phải tái chế từ năm 2027.
Chống thất thoát thuế thương mại điện tử
Bộ Tài chính cho biết, tập trung thu đúng, thu đủ và chống thất thoát thuế giao dịch thương mại điện tử, cả từ nhà cung cấp nước ngoài cũng như trong nước trong năm 2024, sẽ là giải pháp góp phần đảm bảo kế hoạch thu ngân sách.
Năm 2023, Bộ Tài chính đã tiếp tục triển khai có hiệu quả thu thuế nhà cung cấp nước ngoài qua Cổng thông tin điện tử. Đến nay có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế, với số thuế nộp trong năm 2023 là hơn 6,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế từ khi triển khai đến nay, số thuế đã nộp là hơn 11,5 nghìn tỷ đồng.
Nghệ An lần đầu tiên vào "câu lạc bộ" hút FDI tỷ đô
Năm 2023, Nghệ An thu hút FDI với tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 trên cả nước.
Đặc biệt, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó thu hút vào địa bàn Khu kinh tế Đông Nam đạt 1,595 tỷ USD.
Nghệ An thu hút FDI lần đầu tiên được vào câu lạc bộ 1 tỷ USD. Năm nay có 3 địa phương bước chân vào câu lạc bộ 1 tỷ USD là Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Dương và Nghệ An. Đây là kết quả hết sức tích cực. Các dự án FDI giúp Nghệ An tăng cường năng lực sản xuất, bổ sung nguồn lực cho đầu tư toàn xã hội tăng lên, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Năm 2024, Nghệ An tiếp tục đặt mục tiêu vào Top 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước.
Sầu riêng của Việt Nam sẽ thu về 3,5 tỷ USD
Ngoài Trung Quốc, các quốc gia bắt đầu thích sầu riêng và chi lượng tiền khủng mua loại “trái cây vua” này của Việt Nam. Theo tính toán, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu loại trái cây này của nước ta. Việc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc từ giữa năm 2022 giúp đơn hàng bùng nổ, giá loại trái cây này tăng mạnh. Đồng thời, đưa sầu riêng trở thành trái cây tỷ USD mới của Việt Nam, đóng góp quan trọng khi kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam lập kỷ lục lịch sử 5,5 tỷ USD năm 2023.