Điểm tin Xây dựng - bất động sản ngày 7/8: Tháo dỡ 86 căn hộ xây trái phép tại Tổ hợp Mường Thanh ở Đà Nẵng

Nhà xây dựng tạm trên đất quy hoạch được cấp sổ đỏ; Tháo dỡ 86 căn hộ xây trái phép tại Tổ hợp Mường Thanh ở Đà Nẵng; Hà Nội bổ sung hơn 800 căn nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Mê Linh; Quảng Trị sắp có dự án Khu nhà ở đô thị kết hợp nhà ở xã hội hơn 1.560 tỷ đồng;... là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý.

Tháo dỡ 86 căn hộ xây trái phép tại Tổ hợp Mường Thanh ở Đà Nẵng

Ngày 6/8, Sở Xây dựng Đà Nẵng cung cấp thông tin đến báo chí về quá trình xử lý công trình trái phép tại Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà.

Tháo dỡ 86 căn hộ xây trái phép tại Tổ hợp Mường Thanh ở Đà Nẵng.

Tháo dỡ 86 căn hộ xây trái phép tại Tổ hợp Mường Thanh ở Đà Nẵng.

Theo Sở Xây dựng, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định cưỡng chế (Quyết định 4527/QĐ-CCXP ngày 7/10/2019 và Quyết định sửa đổi, bổ sung số 5449/QĐ-SĐCCXP ngày 29/11/2019) buộc tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm tại công trình Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà và Quyết định số 5516/QĐ-UBND ngày 4/12/2019 phê duyệt phương án phá dỡ.

Trong các quyết định này, UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận Ngũ Hành Sơn chủ trì, tổ chức thực hiện (tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu phá dỡ, công tác chuẩn bị phục vụ phá dỡ và triển khai thi công phá dỡ).

Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số phát sinh, vướng mắc và trên cơ sở báo cáo, đề xuất của UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng đề xuất tự thực tháo dỡ, khắc phục, hoàn trả công năng của chủ đầu tư, UBND TP Đà Nẵng có các văn bản gia hạn quyết định cưỡng chế, giao các sở, ngành kiểm tra, xử lý theo quy định.

Trong báo cáo gần đây của UBND quận Ngũ Hành Sơn, chủ đầu tư đã hoàn tất việc tháo dỡ tại các tầng 2, 3, 5 và 35, với việc hoàn trả công năng ban đầu của các tầng này theo thiết kế đã được phê duyệt.

Chủ đầu tư hiện đang đề xuất cho phép duy trì 78 căn hộ tại tầng 4, 41 và 42. Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết sẽ xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp và yêu cầu chủ đầu tư rà soát lại các nội dung trước khi tổng hợp báo cáo UBND thành phố để quyết định.

Tổ hợp Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà, do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư, được cấp phép xây dựng từ năm 2016 với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng của một số tầng thành căn hộ để bán, dẫn đến việc xây dựng trái phép.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội có thể tăng mạnh

Theo báo cáo từ nhiều doanh nghiệp tư vấn bất động sản, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội dự kiến sẽ tăng mạnh do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng cao từ các thương hiệu quốc tế.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội có thể tăng gần 20%/Ảnh minh họa.

Giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội có thể tăng gần 20%/Ảnh minh họa.

Trong nửa đầu năm 2024, CBRE cho biết chỉ có một dự án mới ra mắt tại quận Hà Đông, dẫn đến giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm đạt 180 USD mỗi m2, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu từ Avison Young cho thấy tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ ở Hà Nội hơn 1 triệu m2, tuy nhiên không ghi nhận thêm nguồn cung mới trong quý 2. Giá thuê trung bình đã tăng 3% theo quý tại khu vực trung tâm và 15% ở vùng ven.

Savills cho biết, thị trường ghi nhận nhiều giao dịch sôi động trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B), với giá thuê tầng trệt tăng 13% theo năm, lên 2 triệu đồng mỗi m2 một tháng. Dự báo, từ nay đến cuối năm, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm có thể tăng từ 17-18%, trong khi vùng ven sẽ tăng thêm 8-9%.

Mặc dù giá thuê có xu hướng tăng, công suất cho thuê mặt bằng bán lẻ lại giảm nhẹ, với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 84%. Các chuyên gia cho rằng trong hai năm tới, nguồn cung mới sẽ dồi dào hơn với 6 trung tâm thương mại và 11 khối đế bán lẻ mới, tập trung chủ yếu tại các quận Tây Hồ, Đống Đa và Hoàng Mai. Họ cũng khuyến nghị các chủ đầu tư cải tạo và tái cơ cấu mặt bằng cũ nhằm thu hút thêm thương hiệu mới và nâng cấp trải nghiệm khách hàng.

TP Thủ Đức: Nhà xây dựng tạm trên đất quy hoạch được cấp sổ đỏ

Mới đây, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức (TP HCM) đã ban hành văn bản thông báo đến UBND 34 phường trên địa bàn về việc cấp sổ đỏ cho các nhà xây dựng tạm trên đất quy hoạch.

Theo thông tin từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, từ ngày 1/8, đơn vị này đã bắt đầu thực hiện đăng ký biến động cho các hồ sơ hoàn công có giấy phép xây dựng tạm, theo quy định của Luật Đất đai 2024. Điều này có nghĩa là người dân có thể được cấp sổ đỏ cho tài sản gắn liền với thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận hoặc đăng ký thay đổi về tài sản gắn liền với đất.

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức đề nghị UBND 34 phường phối hợp kiểm tra hiện trạng và xác định nội dung xây dựng so với giấy phép xây dựng tạm trước khi thực hiện đăng ký biến động theo quy định. Đồng thời, các phường cũng được yêu cầu thông báo đến người dân để họ nắm bắt thông tin và biết cách khai trình, lập, nộp hồ sơ hoàn công.

Nhiều năm qua, tại TP Thủ Đức, nhà ở trong các khu quy hoạch, đặc biệt là đất dân cư mới, mặc dù đã được cấp phép xây dựng tạm nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Với chính sách mới này, quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo tốt hơn, giúp họ yên tâm khi đầu tư xây dựng nhà trên đất quy hoạch.

Hà Nội bổ sung hơn 800 căn nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Mê Linh

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội thông báo sẽ bổ sung 809 căn nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Mê Linh, thuộc địa phận xã Mê Linh và xã Văn Khê, huyện Mê Linh.

Theo kế hoạch, từ nay đến trước 17h ngày 31/8, Sở sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất qua mạng đối với dự án xây dựng Khu đô thị mới Mê Linh. Dự án có quy mô khoảng 40,6 ha, bao gồm 10,556 ha đất ở thấp tầng (bao gồm khoảng 657 căn nhà 3-5 tầng), 3,52 ha đất nhà ở xã hội (khoảng 809 căn, cao 10 tầng), và các khu vực chức năng khác như thương mại dịch vụ, công trình công cộng, cây xanh, và hạ tầng kỹ thuật.

Dự kiến dân số tại Khu đô thị mới Mê Linh sẽ khoảng 5.060 người, với tổng chi phí thực hiện dự án ước tính khoảng 2.904,87 tỷ đồng, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, dự kiến khoảng 303,28 tỷ đồng.

Dự án sẽ có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất và sẽ được triển khai từ năm 2024 đến năm 2028. Mục tiêu của dự án là xây dựng một khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và tạo diện mạo mới cho huyện Mê Linh.

Đặc biệt, Khu đô thị mới Mê Linh không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho cư dân địa phương mà còn tạo nguồn thu ngân sách từ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội và huyện Mê Linh.

Quảng Trị sắp có dự án Khu nhà ở đô thị kết hợp nhà ở xã hội hơn 1.560 tỷ đồng

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Khu nhà ở đô thị kết hợp nhà ở xã hội Nam Đông Hà, đánh dấu một bước tiến quan trọng sau gần 7 năm theo đuổi của liên danh nhà đầu tư, bao gồm CTCP Đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Công ty Sài Gòn Thành Đạt) và CTCP Licogi 13.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dự án được triển khai tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.563 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án ước tính khoảng 1.478 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 85 tỷ đồng. Dự án có quy mô khoảng 24,85 ha và dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 1.740 người dân tại địa phương.

Mục tiêu chính của dự án là xây dựng một khu đô thị hiện đại theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời xây dựng một khu nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho cán bộ, công nhân viên có thu nhập thấp. Dự án sẽ bao gồm 122 căn nhà liền kề hoàn thiện mặt ngoài 3 tầng, 28 căn nhà biệt thự hoàn thiện mặt ngoài 2 tầng, cùng với 3 block nhà ở xã hội cao 5 tầng, cung cấp 1.241 căn hộ cho người dân.

Theo kế hoạch, thời gian thực hiện dự án sẽ từ năm 2024 đến năm 2027, với thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất. Dự án cũng sẽ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quyết định phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực và kinh nghiệm.

Để tham gia vào dự án, nhà đầu tư cần có vốn chủ sở hữu tối thiểu 234,6 tỷ đồng và có kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự. UBND tỉnh Quảng Trị đã giao UBND thành phố Đông Hà tổ chức lập và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng dự án theo tỷ lệ 1/500, đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt.

Công ty Sài Gòn Thành Đạt, được thành lập năm 2010 và có trụ sở tại Đà Nẵng, đã có kinh nghiệm trong nhiều dự án lớn như khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi tại Hội An và khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng tại tỉnh Quảng Bình.

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-ngay-78-thao-do-86-can-ho-xay-trai-phep-tai-to-hop-muong-thanh-o-da-nang-715504.html