Điểm tin xây dựng - bất động sản tuần qua: Đất nền dẫn đầu tăng giá bất động sản quý I/2025

Hàn Quốc tìm hiểu đầu tư khu công nghiệp hơn 800 ha tại Cần Thơ; Gia Lai không thể thu hồi hơn 15 tỉ đồng tiền đặt cọc 205 lô đất chậm nộp đấu giá; Chủ đầu tư Cụm công nghiệp ở Đồng Nai bị phạt gần 1 tỉ đồng; Thanh Hóa đấu giá gần 1.000 lô đất, giá khởi điểm gần 800 tỷ đồng…là những tin tức xây dựng – bất động sản đáng chú ý tuần qua

Đất nền dẫn đầu tăng giá bất động sản quý I/2025

Theo báo cáo từ PropertyGuru Việt Nam, phân khúc đất nền tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong quý I/2025, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Giá bán đất nền tại Hưng Yên tăng đến 55%, Bắc Ninh tăng 46%, Hà Nội tăng 42% và Hải Phòng tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Tại miền Nam, mức tăng nhẹ hơn, như Đồng Nai tăng 30%, Bình Dương 25% và TP.HCM chỉ tăng 5%.

Không chỉ giá bán, mức độ quan tâm từ nhà đầu tư đối với đất nền cũng tăng đáng kể. Riêng trong tháng 3/2025, lượt tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng 52%, TP.HCM tăng 31%, và các tỉnh khác tăng đến 54% so với tháng trước.

Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc khu vực miền Nam của PropertyGuru Việt Nam – nhận định thị trường đất nền vẫn đang phân hóa rõ rệt giữa hai miền, với miền Bắc có mức giá cao và phân bổ rộng hơn. Các tỉnh hưởng lợi từ thông tin sáp nhập địa giới hành chính như Bình Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Ninh cũng ghi nhận sự quan tâm tăng vọt.

Tại miền Trung, Quảng Nam và Đà Nẵng có sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại quận Cẩm Lệ (tăng 80%), quận Liên Chiểu (75%) và huyện Hòa Vang (50%) so với đầu năm 2023.

Lý giải đà tăng giá, ông Lê Bảo Long – Giám đốc Chiến lược và Marketing PropertyGuru Việt Nam – cho rằng, ngoài áp lực dân số tại Hà Nội, việc Luật Đất đai mới điều chỉnh bảng giá đất cập nhật hàng năm khiến giá đất tiến sát với giá thị trường. Đây là yếu tố khiến giá bất động sản sơ cấp và thứ cấp tiếp tục tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Hàn Quốc tìm hiểu đầu tư khu công nghiệp hơn 800 ha tại Cần Thơ

UBND TP Cần Thơ vừa có buổi làm việc với đoàn công tác của Đại sứ quán Hàn Quốc nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư vào lĩnh vực khu công nghiệp và đô thị. Đại diện phía Hàn Quốc, ông Park Jin Hong – Tùy viên đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông – cho biết nước này đang quan tâm đến các khu công nghiệp, khu đô thị mới và hệ thống hạ tầng giao thông tại Việt Nam, đặc biệt là tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.

Tại buổi làm việc, ông Park giới thiệu về Tổng công ty nhà đất Hàn Quốc (LH) – doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ Hàn Quốc, hiện đang đầu tư khu công nghiệp tại Hưng Yên và đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 7 tỉnh, thành tại Việt Nam về chương trình đối tác tăng trưởng đô thị. Sau khi khảo sát thực địa khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 4, đại diện Hàn Quốc đánh giá cao tiềm năng phát triển của TP Cần Thơ.

Dự án khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 4 có quy mô 815 ha, nằm dọc theo cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đang được TP Cần Thơ quy hoạch phát triển hạ tầng nhằm kết nối với các tuyến giao thông quan trọng trong vùng. Phía Hàn Quốc đề xuất Cần Thơ xem xét ký kết biên bản ghi nhớ với LH để mở rộng hợp tác sang lĩnh vực phát triển khu đô thị mới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng giới thiệu thêm về khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 3, có diện tích hơn 675 ha, sở hữu vị trí chiến lược thuận lợi về giao thông đường bộ, hàng không và cảng biển, hiện đang được thành phố mời gọi đầu tư.

Gia Lai không thể thu hồi hơn 15 tỉ đồng tiền đặt cọc 205 lô đất chậm nộp đấu giá

Ngày 12-4, theo nguồn tin từ Tổ công tác thực hiện Kết luận thanh tra số 263/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về việc không thể thu hồi số tiền đặt cọc hơn 15,1 tỉ đồng liên quan đến 205 lô đất trúng đấu giá nhưng chậm nộp tiền.

Gia Lai không thể thu hồi hơn 15 tỉ đồng tiền đặt cọc 205 lô đất chậm nộp đấu giá

Gia Lai không thể thu hồi hơn 15 tỉ đồng tiền đặt cọc 205 lô đất chậm nộp đấu giá

Theo kết luận thanh tra, năm 2019, UBND huyện Chư Sê tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại khu quy hoạch hành chính và khu đô thị sinh thái phía Đông thị trấn Chư Sê. Ba cá nhân gồm bà Hồ Thị Hiền, ông Nguyễn Xuân Ánh và ông Lê Viết Đức đã trúng đấu giá 205 lô đất, nhưng đều chậm nộp tiền từ 20 đến hơn 300 ngày. Mặc dù vi phạm quy chế đấu giá, UBND huyện Chư Sê không hủy kết quả, cũng không thu hồi tiền đặt cọc mà còn cho phép các cá nhân này gia hạn nộp tiền – điều không đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi toàn bộ số tiền đặt cọc trên 15,1 tỉ đồng. UBND tỉnh Gia Lai sau đó yêu cầu huyện Chư Sê thu hồi số tiền này chậm nhất trong quý IV-2024. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, tỉnh Gia Lai cho biết việc thu hồi là “không thể thực hiện được” do toàn bộ số tiền trúng đấu giá đã được nộp vào ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, chấp thuận không truy thu số tiền đặt cọc nêu trên. Vụ việc đang chờ ý kiến chính thức từ Thanh tra Chính phủ.

Chủ đầu tư Cụm công nghiệp ở Đồng Nai bị phạt gần 1 tỉ đồng

Ngày 12-4, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP gạch men Sa Ha Do – chủ đầu tư Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Tân An (huyện Vĩnh Cửu). Tổng số tiền xử phạt lên đến 990 triệu đồng.

Theo quyết định, công ty này đã vi phạm 4 hành vi nghiêm trọng gồm: không có giấy phép môi trường theo quy định, chưa hoàn thiện hệ thống thu gom – thoát nước mưa và nước thải của cụm công nghiệp, và tiếp nhận thêm dự án có phát sinh nước thải khi chưa có hệ thống xử lý phù hợp.

Ngoài việc bị xử phạt tiền, Công ty CP gạch men Sa Ha Do còn bị đình chỉ hoạt động đối với các nguồn phát sinh chất thải không có giấy phép môi trường trong thời gian 4,5 tháng kể từ ngày nhận quyết định.

Trước đó, trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tiến hành thanh tra và chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và hạ tầng kỹ thuật tại cụm công nghiệp này. Những sai phạm kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý môi trường địa phương, đặc biệt trong bối cảnh cụm công nghiệp đang đi vào hoạt động.

Động thái xử lý nghiêm của UBND tỉnh Đồng Nai được xem là lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng công nghiệp nhưng xem nhẹ trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Thanh Hóa đấu giá gần 1.000 lô đất, giá khởi điểm gần 800 tỷ đồng

Trong nửa cuối tháng 4/2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức 18 phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương, với tổng cộng 984 lô đất, tổng diện tích hơn 106.200 m². Tổng giá trị khởi điểm của các lô đất lên tới khoảng 800 tỷ đồng, với kỳ vọng con số thực tế thu về sẽ cao hơn khi đấu giá diễn ra.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ba địa phương có số lượng lô đất đấu giá lớn nhất gồm huyện Thọ Xuân (397 lô), Hoằng Hóa (363 lô) và Yên Định (115 lô). Các lô đất chủ yếu nằm tại những khu vực đang phát triển về dân cư và hạ tầng, với mức giá khởi điểm đa dạng, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi lô.

Cụ thể, trong các ngày từ 17 đến 28/4, các phiên đấu giá sẽ lần lượt diễn ra tại hội trường UBND các xã, thị trấn của các huyện kể trên. Nhiều phiên ghi nhận số lượng lô đất lớn và giá trị cao như: 201 lô đất tại xã Xuân Lai (Thọ Xuân) dự kiến thu gần 97 tỷ đồng; 95 lô đất tại thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) với tổng giá khởi điểm hơn 108 tỷ đồng; 54 lô đất tại xã Hoằng Hải có giá khởi điểm từ 1 đến 3,8 tỷ đồng/lô.

Đáng chú ý, đợt đấu giá này diễn ra trong bối cảnh Thanh Hóa và nhiều địa phương trên cả nước đang chuẩn bị điều chỉnh địa giới hành chính, trong đó có việc bỏ cấp huyện. Thị trường bất động sản vì vậy cũng có nhiều biến động về nhu cầu và giá trị.

Tất cả các phiên đấu giá áp dụng phương thức trả giá lên, bỏ phiếu kín một vòng. Số tiền khởi điểm 800 tỷ đồng chỉ là con số ước tính ban đầu, và có thể tăng cao tùy vào mức độ cạnh tranh của các nhà đầu tư trong từng phiên.

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-tuan-qua-dat-nen-dan-dau-tang-gia-bat-dong-san-quy-i2025-726330.html