Điểm trừ và phục hồi điểm trên giấy phép lái xe có hiệu lực từ 1/1/2025

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, nhiều quy định mới về kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT để được phục hồi điểm trừ GPLX sẽ được áp dụng. Đây là những nội dung rất hữu ích đối với lái xe, nhất là tài xế chuyên nghiệp.

CSGT Hà Nội kiểm tra dấu hiệu vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện. Ảnh: Văn Huế

CSGT Hà Nội kiểm tra dấu hiệu vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện. Ảnh: Văn Huế

189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX

Theo Điều 58 Luật Trật tự, ATGT đường bộ (Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/6 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025), mỗi GPLX có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm khi vi phạm luật. Ngay sau khi có quyết định trừ điểm GPLX sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu và thông báo cho chủ nhân biết.

GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ gần nhất. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì tài xế không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại GPLX đó.

Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX bị trừ hết điểm, người có GPLX phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ. Nội dung kiểm tra do Bộ GTVT ban hành; các buổi kiểm tra do Cục CSGT (Bộ Công an) hoặc Phòng CSGT Công an tỉnh, thành phố tổ chức; kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Khác với hình thức tước GPLX đang áp dụng tại luật hiện hành, việc trừ điểm GPLX không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi vi phạm đã bị trừ điểm GPLX thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX.

Quy định hiện nay, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm đến mức bị tước quyền sử dụng GPLX thì sẽ không được phép điều khiển phương tiện. Trong khi đó, khi Luật Trật tự, ATGT có hiệu lực (1/1/2025), trường hợp trừ điểm GPLX thì tài xế vẫn được điều khiển phương tiện đến khi bị trừ hết 12 điểm.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an), Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024 quy định điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, ATGT đường bộ, bao gồm 12 điểm. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ. Việc trừ điểm GPLX vừa có tính chất răn đe nhưng lại vừa động viên, giáo dục người tham gia giao thông chấp hành pháp luật. Người lái xe chỉ vi phạm những lỗi nghiêm trọng, có tính chất cố tình và gây nguy hiểm thì mới bị trừ một lần hết 12 điểm.

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX, trong đó có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm, như: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe chở hàng vượt tải trọng cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35 km/h; buông cả hai tay khi lái xe...

Cũng theo dự thảo nghị định này, dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết.

Ngoài ra, GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo GPLX đó. Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền 10 - 12 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô và 1 - 2 triệu đồng với người điều khiển xe máy khi dùng GPLX đã bị trừ hết điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, việc trừ điểm hoàn toàn tự động, được kết nối với VNeID và Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thông báo các hành vi vi phạm bị trừ bao nhiêu điểm, số điểm còn lại bao nhiêu. "Hiện có 85% các quyết định xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, đã được tích hợp đầy đủ từ trước đến nay nên có thể kết nối liên thông, chia sẻ, xác định việc vi phạm của công dân cụ thể ở từng thời điểm. Tất cả đều kết nối liên thông, tự động, không có sự can thiệp trái pháp luật của con người, rất dễ dàng trong việc truy xuất và xử phạt tiếp theo", Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.

Theo quy định, GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ gần nhất. Ảnh: Văn Huế

Theo quy định, GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ gần nhất. Ảnh: Văn Huế

Bị trừ hết điểm GPLX, tài xế phải làm gì?

Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 65/2024 quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ để được phục hồi điểm GPLX. Kể từ ngày 1/1/2025 khi thông tư này có hiệu lực, nhiều quy định mới về kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT để được phục hồi điểm GPLX sẽ được áp dụng.

Theo đó, tài xế điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm các lỗi mà bị trừ hết điểm GPLX thì sẽ được kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT căn cứ theo câu hỏi sát hạch lý thuyết để cấp GPLX và các bài mô phỏng những tình huống giao thông trên máy tính. Để được dự thi (do Cục CSGT hoặc Phòng CSGT các tỉnh, thành phố tổ chức), người đăng ký kiểm tra nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tại nơi thường trú, tạm trú hay nơi ở hiện tại. Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT theo mẫu; giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng.

Đáng lưu ý, tài xế có thể nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra trực tiếp hoặc theo hình thức trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, qua ứng dụng định danh quốc gia VNeID và qua dịch vụ bưu chính. Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến, công dân phải kê khai đầy đủ thông tin, đính kèm hồ sơ theo mẫu và đăng ký ngày kiểm tra, lựa chọn cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trước ngày kiểm tra ít nhất 2 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông báo cho người đã đăng ký về thời gian, địa điểm thi lại qua địa chỉ email hoặc tin nhắn điện thoại.

Đối với GPLX hạng A1, tài xế làm 25 câu hỏi trắc nghiệm trong 19 phút, mỗi câu được tính 1 điểm và có một câu được tính là điểm liệt. Người thi được 21/25 điểm trở lên là đạt yêu cầu, song nếu trả lời sai vào câu hỏi được tính là điểm liệt sẽ không đạt yêu cầu.

Quy định trên cũng áp dụng với người dự thi có GPLX hạng A, B1 nhưng kết quả phải đạt 23 điểm trở lên. Người có GPLX hạng B làm 30 câu hỏi trắc nghiệm trong 20 phút; 27 điểm trở lên là đạt, trừ trường hợp trả lời sai câu hỏi bị tính là điểm liệt.

Tương tự, người có GPLX hạng C1 làm 35 câu hỏi trắc nghiệm trong 22 phút và phải đạt 32 điểm trở lên. Đối với GPLX hạng C, điểm từ 36/40. Người dự kiểm tra có GPLX hạng D1, D2, D, BE, C1Q, CE, D1E, D2E, DE làm 45 câu trắc nghiệm trong 26 phút và đúng 41 câu trở lên sẽ đạt yêu cầu.

Với phần thi mô phỏng, thời gian kiểm tra không quá 10 phút. Bài kiểm tra được thiết kế dưới dạng 10 câu hỏi mô phỏng các tình huống giao thông. Mỗi câu là một tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và có điểm tối đa là 5, tối thiểu là 1. Tài xế có điểm từ 35/50 trở lên là đạt yêu cầu. Người không đạt kết quả kiểm tra lý thuyết sẽ không được kiểm tra mô phỏng.

Nếu đỗ lý thuyết nhưng trượt mô phỏng thì kết quả lý thuyết được bảo lưu 1 năm. Trong 7 ngày từ khi trượt, tài xế có thể đăng ký kiểm tra lại.

Bình Minh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/diem-tru-va-phuc-hoi-diem-tren-giay-phep-lai-xe-co-hieu-luc-tu-1-1-2025-183241219100831882.htm