Điểm trường giảm, chất lượng tăng
Thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo viên mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021. Việc dồn, ghép điểm trường đã được thực hiện thận trọng, phù hợp với tình hình cụ thể ở các địa phương, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của đông đảo người dân. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh.
Chủ trương đúng
Trước đây, để tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, duy trì sỹ số học sinh, bảo đảm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, các trường học trên địa bàn tỉnh đã thành lập nhiều điểm trường lẻ tại các thôn, bản. Chính vì vậy, hiện nay quy mô điểm trường, lớp học không còn phù hợp, có nhiều điểm bất cập. Đó là quy mô còn dàn trải, nhiều điểm trường lẻ có số lượng học sinh ít; bình quân học sinh trên lớp ở các cấp học còn thấp so với số lượng tối đa mà mỗi cấp học được quy định. Hiện cấp tiểu học mới đạt 22 học sinh/lớp (theo Điều lệ trường tiểu học thì số lượng tối đa là 35 học sinh/lớp). Trong đó, có một số huyện thấp hơn bình quân 22 học sinh/lớp, như: Lâm Bình 18 học sinh/lớp, Na Hang 15 học sinh/lớp, Chiêm Hóa 21 học sinh/lớp, Yên Sơn 21 học sinh/lớp. Cấp THCS mới đạt 33 học sinh/lớp (theo Điều lệ trường THCS thì số lượng tối đa là 45 học sinh/lớp), riêng huyện Lâm Bình mới đạt 27 học sinh/lớp.
Cùng với đó, tại các điểm trường, cơ sở vật chất còn hạn chế, trang thiết bị dạy học còn thiếu. Nhiều điểm trường xuống cấp phải huy động xã hội hóa để sửa chữa nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu học tập của trẻ, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý học sinh, đầu tư cơ sở vật chất; việc bố trí giáo viên mất cân đối giữa các môn học, giữa một số trường trong cùng cấp học...
Đứng trước thực trạng đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng “Đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp học gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017-2021”.
Theo đó, giai đoạn 2017-2021 toàn tỉnh giảm 302 điểm trường, trong đó có 204 điểm trường mầm non, 97 điểm trường tiểu học và 1 điểm trường THCS. Căn cứ vào đó, các huyện có kế hoạch dồn, ghép điểm trường theo từng năm cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Cách làm sáng tạo
Ngay sau khi Quyết định 291 của UBND tỉnh được triển khai, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo thực hiện cụ thể, quyết liệt, bảo đảm kế hoạch. Trong đó, có nhiều huyện, thành phố thực hiện tốt như Sơn Dương, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang...
Theo bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, thực hiện Quyết định số 291 của UBND tỉnh, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện trình Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến. Sau đó, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn rà soát số điểm trường cần dồn ghép, thông báo cụ thể với Hội phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động người dân về việc dồn, ghép điểm trường, giúp cho người dân hiểu việc dồn, ghép, sắp xếp lại điểm trường nhằm phục vụ tốt hơn việc dạy và học, tạo điều kiện cho học sinh được học tập trong môi trường đầy đủ, toàn diện. Huyện cũng chủ trương, nơi nào thuận lợi hơn sẽ tiến hành làm trước để từ đó tiếp tục nhân rộng.
Trong 2 năm học, 2017-2018 và 2018-2019, toàn huyện đã giảm được 17 điểm trường mầm non (còn 172 điểm), 11 điểm trường tiểu học (còn 51 điểm). Năm học 2019-2020, huyện đã xây dựng kế hoạch giảm 4 điểm trường tiểu học và 9 điểm trường mầm non. Đặc biệt, trong quá trình dồn, ghép điểm trường, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Tiêu biểu như ở xã Đại Phú, Đông Thọ, Văn Phú, Đông Lợi... Cô giáo Hà Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Phú cho biết, năm học 2017-2018, trường có 10 điểm trường, đến nay đã giảm còn 5 điểm trường. Ban đầu triển khai, nhiều phụ huynh cũng không đồng tình với việc dồn, ghép vì lo con đi học xa nhà, nhưng khi được cán bộ, giáo viên truyên truyền về việc dồn ghép sẽ giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, các phụ huynh đã đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh đó, Trường Mầm non Đại Phú còn làm tốt công tác huy động xã hội hóa giáo dục. Năm học 2017-2018, nhà trường đã huy động xã hội hóa được 112 triệu đồng đầu tư làm mái che, xây tường rào, xây phòng học; năm học 2018-2019 huy động được 137 triệu đồng đầu tư sửa chữa bếp ăn tại 3 điểm trường, làm mái che đồ chơi, xây tường rào, xây nhà vệ sinh. Năm học 2019-2020, trường tiếp tục huy động xã hội hóa làm sân điểm trường chính, làm mái che cho điểm trường Mãn Hóa. Từ nguồn xã hội hóa, các điểm trường ngày càng được đầu tư hoàn thiện, đến nay, 100% điểm trường đều có công trình vệ sinh, công trình nước sạch, đồ dùng, đồ chơi sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ.
Tại huyện Chiêm Hóa, trung bình mỗi năm học, toàn huyện đã giảm được hơn chục điểm trường lẻ. Việc sắp xếp lại các điểm trường đã mang lại những lợi ích thiết thực như: Tập trung cơ sở vật chất, giáo viên để từng bước nâng cao chất lượng dạy học. Trong quá trình thực hiện, các trường đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và ủng hộ. Vì vậy đã nhận được sự đồng tình cao của nhân dân.
Trường Mầm non Vinh Quang là điển hình trong việc sắp xếp lại điểm trường lẻ của huyện Chiêm Hóa, từ chỗ 16 điểm trường, đến nay nhà trường đã dồn ghép còn 3 điểm trường. Riêng từ đầu năm học 2018-2019 đến nay đã thực hiện dồn ghép được 5 điểm trường lẻ về điểm trường chính và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhà trường đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành và các phụ huynh học sinh. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay nhà trường đã huy động từ nguồn xã hội hóa được hơn 100 triệu đồng đầu tư mua sắm, nâng cấp trang thiết bị, đồ dùng cùng hàng nghìn ngày công lao động để cải tạo, vệ sinh khuôn viên, xây dựng môi trường giáo dục ngày càng sạch đẹp, thân thiện. Cô giáo Hoàng Thị Dâu, Hiệu trưởng nhà trường nói, việc dồn ghép điểm trường đã giúp nhà trường chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ giáo viên đứng lớp, cơ sở vật chất được đầu tư đáp ứng được yêu cầu dạy trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay
Việc thực hiện sắp xếp lại các điểm trường gắn với bố trí số lượng người làm việc đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Ở các huyện, thành phố việc sắp xếp ngày càng phù hợp đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, phụ huynh và học sinh. Chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh ở thôn Tiên Hóa 1, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ, sau khi sắp xếp lại điểm trường, con chị chuyển từ điểm trường thôn về điểm trường chính học tập. Tuy phải chở con đi học xa hơn nhưng môi trường học tập của con ở trường chính có đầy đủ đồ dùng đồ chơi, nhìn thấy con được nuôi dạy đầy đủ và tiến bộ hàng ngày chị rất yên tâm. Chính vì vậy, chị thấy rằng chủ trương sắp xếp lại các điểm trường lẻ là phù hợp và cần thiết vì sự phát triển toàn diện của trẻ.
Ở các địa phương vùng cao, địa hình bị chia cắt, việc đi lại còn khó khăn thì việc sắp xếp lại điểm trường được thực hiện theo lộ trình, nơi nào giao thông thuận lợi thì được sắp xếp trước, sau đó sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10-12-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các trường chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo ông Nguyễn Văn Binh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình, từ năm 2017 đến nay, huyện đã giảm được 19 điểm trường, trong đó có 15 điểm trường mầm non và 4 điểm trường tiểu học. Nhờ việc sắp xếp đã giúp tăng số lượng học sinh trên lớp, tiết kiệm được biên chế, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày và tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường. Hiện nay, toàn huyện có hơn 50% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, tăng 20% so với năm học trước, tỷ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi đi nhà trẻ đạt 29,6% (vượt kế hoạch đề ra).
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2016-2017 đến nay, toàn tỉnh đã giảm được 228 điểm trường, trong đó bậc mầm non giảm145 điểm, bậc tiểu học giảm 83 điểm, tiết kiệm được gần 200 biên chế giáo viên. Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học gắn với nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất. Toàn tỉnh phấn đấu trong giai đoạn 2017-2021 giảm được 302 điểm trường nhỏ lẻ, từ đó tạo tiền đề góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.