Điểm tựa cho nạn nhân chất độc da cam

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng trong nhiều gia đình. Thấu hiểu, chia sẻ cùng nỗi đau đó, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC/Dioxin) tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024), phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Vinh - Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh về kết quả hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc NNCĐDC trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Lãnh đạo Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh thăm, tặng quà cho gia đình nạn nhân Trần Văn Lập ở xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ.

Lãnh đạo Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh thăm, tặng quà cho gia đình nạn nhân Trần Văn Lập ở xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ.

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình chung về các NNCĐDC ở tỉnh ta?

Ông Bùi Quang Vinh: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Phú Thọ có hơn 17.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm, nghi phơi nhiễm CĐDC/Dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có trên 10.000 người đã được hưởng trợ cấp da cam hàng tháng.

Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh chỉ còn 5.765 người được hưởng trợ cấp, trong đó có 3.504 nạn nhân là người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thuộc đối tượng người có công (F1) và 2.261 nạn nhân là con đẻ của người tham gia kháng chiến chống Mỹ (F2), 1.107 hộ gia đình có từ 2 đến 5 nạn nhân.

Để nâng cao nhận thức của xã hội về tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam, đồng thời tích cực hỗ trợ các NNCĐDC, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã bám sát Chỉ thị số 43- CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), Chỉ thị 27-CT/TU, ngày 20/7/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động triển khai khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công, rà soát các chính sách ưu đãi đối với người có công.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, sở, ban, ngành, các cấp chính quyền trong tỉnh đều vào cuộc, triển khai thực hiện đến từng cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân. Từ đó, ý thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác hỗ trợ, chăm sóc, động viên những nạn nhân trực tiếp, gián tiếp bị ảnh hưởng bởi CĐDC được nâng cao.

Phóng viên: Ông có thể khái quát hiệu quả hoạt động của các cấp Hội NNCĐDC/Dioxin thời gian qua?

Ông Bùi Quang Vinh: Ngày 10/11/2006, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Phú Thọ được thành lập. Dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn song dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của cấp ủy, UBND cấp huyện và cơ sở cùng sự chỉ đạo nghiệp vụ thường xuyên của Trung ương Hội, sự đồng thuận, tạo điều kiện của Ủy ban MTTQ tỉnh, các ngành, các cấp, đến tháng 10/2012, 13/13 huyện, thành, thị đã thành lập Hội cấp huyện. Năm 2014, có 100% xã, phường, thị trấn đủ điều kiện đã thành lập chi hội, thu hút hơn 6.000 hội viên. Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh có hệ thống tổ chức đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở xã, phường, thị trấn.

Thông qua hoạt động, Hội đã ký kết các chương trình phối hợp với Sở LĐ,TB&XH, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh để tuyên truyền, vận động, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Với phương châm “Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng tới nạn nhân”, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã phát động, đẩy mạnh phong trào thi đua vì NNCĐDC gắn với phong trào hành động vì NNCĐDC do MTTQ Việt Nam phát động. Các hoạt động và công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC được đẩy mạnh, đặc biệt là trong dịp Ngày vì NNCĐDC (10/8), Tết vì NNCĐDC, nhắn tin từ thiện vì NNCĐDC...

Từ 2006 đến nay, đã có 458 tập thể, cá nhân, trong đó có 246 tập thể, 212 cá nhân được tôn vinh, nhận Bằng khen, Tấm lòng vàng của Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và Giấy khen của các cấp có thẩm quyền ở tỉnh, ở huyện.

Tiêu biểu là các cơ quan, đơn vị: Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Bộ CHQS tỉnh, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trại giam Tân Lập, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Trường ĐH Hùng Vương, Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Viễn thông Phú Thọ, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty CP Ao Vua, Công ty CP Cấp nước Phú Thọ, Công ty CP Hóa chất Việt Trì, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Phú Thọ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Phú Thọ...

Vợ chồng NNCĐDC Nguyễn Văn Thắng, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa chăm sóc con trai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Dioxin.

Vợ chồng NNCĐDC Nguyễn Văn Thắng, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa chăm sóc con trai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Dioxin.

Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC ở tỉnh ta?

Ông Bùi Quang Vinh: Tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 7/2024, các cấp Hội NNCĐDC/Dioxin trong tỉnh đã tiếp nhận của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh gần 3,7 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật quy đổi, trao tặng trên 9.400 suất quà cho các nạn nhân với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ các gia đình nạn nhân nhiều hiện vật như giường, xe lăn, khám chữa bệnh miễn phí, các nhu yếu phẩm...

Nhiều hội viên NNCĐDC phát huy truyền thống “Bộ độ Cụ Hồ”, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, gương mẫu tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất ở địa phương. Đến nay, toàn Hội đã có hàng chục hộ gia đình làm kinh tế giỏi, giúp đỡ nhiều con em của nạn nhân và của địa phương có công ăn, việc làm ổn định.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hàng chục gia đình NNCĐDC ở các huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, Hạ Hòa... đã hiến hàng nghìn m2 đất, nhiều ngày công lao động và tiền của để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa khu dân cư, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Phóng viên: Phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới trong công tác Hội như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Quang Vinh: Nhằm làm tốt hơn nữa công tác quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc NNCĐDC, tổ chức Hội các cấp tiếp tục quán triệt, tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 43-CT/W, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 20/7/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về khắc phục hậu quả chất độc hóa học trên địa bàn cùng các văn bản chỉ đạo khác của Đảng, Nhà nước về NNCĐDC/Dioxin.

Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các hội quần chúng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, duy trì tốt các phong trào thi đua của Hội gắn với các phong trào thi đua của địa phương; tập trung xây dựng, củng cổ tổ chức Hội vững mạnh; chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp.

Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh mong muốn các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm hơn nữa đến NNCĐDC để các nạn nhân tiếp tục nhận được sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ của cộng đồng nhằm góp phần bù đắp những mất mát, thiệt thòi, đem lại niềm vui, hỗ trợ hội viên và nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Linh Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/diem-tua-cho-nan-nhan-chat-doc-da-cam-216825.htm