Điểm tựa cho người yếu thế
Trong điều kiện hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện và phát triển, số lượng văn bản pháp luật nhiều và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, thì trợ giúp pháp lý (TGPL) cho các nhóm người yếu thế là yêu cầu khách quan cần thiết và hết sức quan trọng. Hoạt động TGPL góp phần thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao ý thức pháp luật và trình độ dân trí, củng cố lòng tin của người dân vào Nhà nước, pháp luật.
Lấy người dân làm trung tâm
Vừa trở về từ phiên tòa dân sự xét xử vụ việc tranh chấp đất đai của bà Nguyễn Thị H (SN 1941) ở thôn Cống Huyện, xã Đồng Kỳ (Yên Thế), trợ giúp viên Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Phòng Pháp luật dân sự - đất đai (Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh) chia sẻ, bà Nguyễn Thị H là người có công với cách mạng, tuổi cao, sức yếu, không thể đi lại được. Vì thế, mọi công việc tại tòa án, chị Hòa đều đại diện cho bà H bày tỏ mong muốn, nguyện vọng trước hội đồng xét xử. Chị Hòa nói: “Khi tham gia TGPL chính là lúc được người dân tin tưởng giao phó, vì thế, ở mỗi vụ việc, chúng tôi cố gắng thu thập nhiều thông tin, chứng cứ, đưa ra các cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân”.
TGPL là một trong những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người dân trong xét xử và tranh tụng khi không có đủ khả năng tài chính thuê luật sư. Những người được hưởng chế độ này không phải nộp bất kỳ khoản phí nào. Hiện theo Điều 7 Luật TGPL, trường hợp được TGPL là người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật…
Việc TGPL đã góp phần đánh giá đúng bản chất của vụ việc, hành vi phạm tội của bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp; hỗ trợ cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ sự thật. Không những vậy, ở một số vụ việc, công tác TGPL còn giúp người dân hiểu, nhận thức đúng quy định pháp luật. Ví như vụ việc Đặng Chí N (người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc diện TGPL) ở xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác. Vào tháng 1/2023, N chưa đủ 18 tuổi. Hoàn cảnh của N vô cùng éo le, phải đi làm thuê khắp nơi để trang trải cuộc sống, chăm lo cho bà ngoại già yếu và người mẹ mắc bệnh tâm thần. Viện Kiểm sát nhân dân huyện đề nghị mức án 2 năm 6 tháng tù giam đối với tội “cố ý gây thương tích” của N.
Sau khi gặp gỡ Đặng Chí N, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tích cực thu thập thông tin, tình tiết giảm nhẹ. Tại phiên xét xử, Tòa án nhân dân huyện xem xét cho N hưởng án treo thay vì mức xử phạt đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện đề nghị trước đó. Sau vụ án, N đã có nhiều thay đổi. Hiện N là sinh viên của một trường cao đẳng tại TP Hà Nội. N cho hay: “Sau vụ việc, tôi hiểu hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Nhờ được trợ giúp, tôi có cơ hội làm lại, đi học để thay đổi tích cực hơn”.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
TGPL hiện có các hình thức chủ yếu gồm: Tư vấn pháp luật cho người được TGPL bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính…
Những năm qua, hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh chủ yếu do các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thực hiện. Qua đó góp phần đưa pháp luật vào đời sống, trở thành cầu nối đưa chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần người dân hơn. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và ổn định trật tự xã hội.
Nhất là sau khi được cử, các trợ giúp viên pháp lý đã tham gia thành công nhiều vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL, tạo lòng tin trong nhân dân. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện hơn 400 vụ việc tham gia tố tụng; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động cho hàng chục nghìn người ở các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các vụ việc thuộc lĩnh vực hình sự, dân sự - đất đai, hành chính…
Ông Dương Văn Chung, Quyền Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thông tin, nhằm tiếp tục phát huy vai trò, chức năng, Trung tâm luôn xác định công tác TGPL là lấy người dân, người thuộc diện được TGPL làm trung tâm. Cán bộ, trợ giúp viên pháp lý thực hiện nhiệm vụ giúp người dân kịp thời tiếp cận các chính sách, quy định hiện hành.
Để nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, Trung tâm thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên theo hướng “vững nghiệp vụ, giỏi kỹ năng”. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về TGPL bằng nhiều hình thức, ví như qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tờ gấp pháp luật để người dân hiểu, đặt lòng tin. Thường xuyên thực hiện nhiều đợt tuyên truyền lưu động về các luật mới có hiệu lực, tư vấn trực tiếp cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu xa, vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động TGPL kết hợp với các hoạt động khác trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Tập trung vào các vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng có chất lượng, hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong thực hiện hoạt động; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng chuyển đổi số trong công tác. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên tích cực ở phòng tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, tổ hòa giải, các đoàn thể chính trị - xã hội... giúp người dân dễ dàng tiếp cận được với các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/diem-tua-cho-nguoi-yeu-the-083234.bbg