Điểm tựa của người Việt tại Vũ Hán giữa tâm bão virus corona
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (COVID-19) bùng phát, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc bị phong tỏa, nhiều người Việt vô tình 'kẹt' giữa tâm dịch nhưng chẳng hề hoang mang, hoảng loạn bởi sự phản ứng kịp thời từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.
Một buổi họp "chống dịch" của đại sứ quán. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)
Tết Nguyên đán 2020, các gia đình Việt tại Vũ Hán, chủ yếu là lưu học sinh cùng gia đình, người vì muốn tập trung viết luận án, người thì con còn quá nhỏ, có người lại ngại đường xá xa xôi, vất vả và cũng có gia đình vì vợ bầu sắp đến ngày sinh, chẳng dám di chuyển đường dài nên đã lựa chọn đón Tết 2020 tại đây.
Song, đại dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát, thành phố bị phong tỏa, họ vô tình “kẹt” giữa tâm dịch. Nhưng sự phản ứng kịp thời từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã giúp giảm bớt nỗi hoang mang, hoảng loạn của các lưu học sinh và gia đình.
Lập đường dây nóng 24/24
Theo số liệu thống kê từ Đại sứ quán về tình hình lưu học sinh ở lại Vũ Hán trong Tết Nguyên đán 2020, một số trường có rất ít lưu học sinh ở lại như Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung (1 người), Đại học Nông nghiệp Hoa Trung (1 người), Đại học Địa chất Trung Quốc (3 người), Học viện Công nghiệp Hồ Bắc (1 người), Học viện Thể thao Vũ Hán (3 người). Khi dịch bệnh do virus corona bùng phát, sự phân bố rải rác của các lưu học sinh có lẽ đã khiến nhiều lưu học sinh khi ở trường một mình không khỏi hoang mang, lo lắng.
Tuy nhiên, ngay từ khi có thông tin bệnh viêm phổi lạ, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã có những thông báo nhắc nhở về việc chủ động phòng tránh dịch bệnh. Trong bối cảnh, diễn biến dịch bệnh ngày càng nguy hiểm, số người mắc bệnh và chết ngày một tăng, lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán được đưa ra, ngay lập tức, Đại sứ quán đã chỉ đạo cán bộ chuyên trách lập đường dây nóng, tạo kênh liên lạc qua các nhóm chung để quản lý tình hình những lưu học sinh còn đang ở lại Vũ Hán. Ông Hoàng Mai Diễn, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo biệt phái sang làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, phụ trách công tác lưu học sinh và ông Nguyễn Văn Phong, Tham tán cộng đồng là những người trực tiếp phụ trách đường dây nóng này.
Nhờ sự phản ứng kịp thời đó, rất nhiều lưu học sinh một mình ở lại trường ăn tết đã được kết nối và nhận được sự chia sẻ, nắm bắt được những chỉ đạo mới nhất từ Đại sứ quán. Cũng nhờ đó, nhiều lưu học sinh có thể yên tâm, chủ động có những biện pháp để tự bảo vệ bản thân.
Hằng ngày, từ 8 - 12 giờ là thời điểm Đại sứ Quán nắm tình hình sức khỏe của lưu học sinh. Những số liệu như thân nhiệt, tình hình sức khỏe, diễn biến tinh thần, lương thực, các biến động mới tại trường, đề xuất ý kiến cá nhân… được cán bộ Đại sứ quán thu thập, sau đó được tổng hợp và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai sẽ đưa chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế.
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch, kênh liên lạc với đại sứ quán được kết nối gần như 24/24 giờ. Có những ngày, đến tận 1 đến 2 giờ sáng hôm sau, cán bộ, nhân viên phụ trách tại Đại sứ quán vẫn cập nhật lên nhóm Wechat của lưu học sinh những chỉ đạo mới nhất của Đại sứ. “Nhiều hôm đèn trong phòng làm việc của Đại sứ sáng đến tận 2 giờ đêm, bọn mình rất xót”, ông Hoàng Mai Diễn, cán bộ Đại sứ quán chia sẻ.
Cùng lưu học sinh đón tết, chống dịch
Lưu học sinh Nguyễn Thị Hiển hiện đang theo học tại Đại học Sư phạm Hoa Trung chia sẻ: “Đêm giao thừa, tiếng chuông điện thoại reo, màn hình hiện lên số của ngài Đại sứ Phạm Sao Mai, tôi run run nhấc máy. Tôi không nghĩ Đại sứ lại gọi điện trực tiếp cho tôi để hỏi thăm tình hình đón tết. Đại sứ đã có những lời động viên đến tôi và những lưu học sinh khác. Đại sứ cũng không quên có những lời dặn dò anh chị em lưu học sinh bình tĩnh và tin tưởng vào Đại sứ quán. Cuối cuộc điện thoại, Đại sứ nhờ tôi báo với anh chị em Đại sứ có phần quà hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của lưu học sinh cùng gia đình đang đón tết ở Vũ Hán”.
Trong số những lưu học sinh ở lại đón tết và mắc kẹt ở Vũ Hán, những gia đình có con nhỏ là lo lắng bất an nhất. Cũng như chị Hiển, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phi và chị Nguyễn Thị Thanh (27 tuổi) là một trong những gia đình cuối cùng đang còn ở Vũ Hán. Đặc biệt, chị Thanh lại đang ở giai đoạn cuối thai kỳ. Bệnh dịch bùng phát dữ dội, bệnh viện ở Vũ Hán đều đang trong tình trạng quá tải, Phi còn không dám đưa vợ đi khám thai, huống hồ một việc hệ trọng như sinh nở.
Mấy ngày trước, Phi gọi cho tôi nói: “Anh ạ, đại sứ vừa gọi điện cho em, chia sẻ với sự lo lắng của vợ chồng em. Đại sứ động viên em bình tĩnh, tin tưởng vào Đại sứ quán. Đại sứ quán sẽ làm tất cả hết khả năng có thể để đưa các em về Việt Nam. Em xúc động không kìm được nước mắt, bật khóc trong điện thoại, chẳng nói được gì”.
Giữa những hoang mang lo sợ đó, Đại sứ quán luôn trấn an và động viên mọi người, giải tỏa nhiều lo lắng cho công dân. Trong những lần gọi điện báo cáo tình hình trực tiếp, Đại sứ Phạm Sao Mai không bao giờ quên nhắc tôi rằng: “Nhân phải động viên anh em bình tĩnh, thực hiện theo những hướng dẫn của Đại sứ quán, của nhà trường và chính quyền sở tại. Đại sứ quán đang báo cáo với Chính phủ những diễn biến mới nhất và sẽ cân nhắc phương án tối ưu nhất để đưa các em về Việt Nam”.
Gia đình anh chị Đình Nhân và Vũ Hoài cùng con nhỏ trước khi lên máy bay về nước.
Và “chuyến bay đặc biệt”
Sau quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, đặc biệt là Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trong việc đưa công dân Việt Nam đang ở giữa tâm vùng dịch được trở về Việt Nam, ngày 9/2, lệnh bay của “chuyến bay đặc biệt” di tản công dân đã được phát ra. Đại sứ quán căn cứ theo kế hoạch đã được lên từ trước đó một cách tỉ mỉ, đã đưa xe đến các điểm tập kết đón lưu học sinh và những công dân còn bị “kẹt” lại ở Vũ Hán.
Trong bối cảnh thành phố Vũ Hán đã bị phong tỏa, chính quyền sở tại đã lập rất nhiều trạm kiểm soát để kiểm tra “nhất cử nhất động” giữa các khu vực, đặc biệt là kiểm soát sự ra vào thành phố, việc di chuyển đưa người ra sân bay cần có sự phê duyệt của lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Trong bối cảnh an ninh được siết chắt, hành trình di chuyển của đoàn đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cung cấp cho phía nước sở tại. Tuy nhiên, việc di chuyển còn gặp một số khó khăn do chưa có thông tin thông suốt giữa các chốt kiểm soát trên đường, nhưng cuối cùng, tất cả đoàn gồm 30 công dân Việt gồm các du học sinh và người thân, khách du lịch Việt Nam... đến sân bay quốc tế Thiên Hà để lên máy bay về quê hương.
Tại đây, đoàn được nhân viên sân bay phối hợp và hướng dẫn nhiệt tình. Nhờ vậy, đoàn tiết kiệm được thời gian và sức lực trong khâu làm thủ tục. Trình tự kiểm tra y tế diễn ra hết sức chặt chẽ, tất cả phải đảm bảo điều kiện mới có thể lên được máy bay.
30 công dân trên chuyến bay mang số hiệu VHN68 tại sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) bắt đầu thủ tục kiểm tra y tế và nhập cảnh vào Việt Nam.
11h45 phút ngày 9/2, thành viên cuối cùng trong đoàn đã hoàn thành thủ tục kiểm tra y tế. Ngồi trong phòng đợi bay, không khí căng thẳng lúc này đã được cởi bỏ. Mọi người cười nói với nhau, trao đổi qua chiếc khẩu trang dày và khuôn mặt gần như bịt kín sau bộ quần áo bảo hộ.
2h sáng ngày 10/2, Đại sứ Phạm Sao Mai gửi tin nhắn, chúc mừng cả đoàn và cho biết, Đại sứ và cán bộ nhân viên Đại sứ đã thật sự được thở phào nhẹ nhõm rồi. Chúng tôi chỉ biết nhắn Đại sứ nghỉ sớm giữ sức khỏe, đại sứ hồi âm lại: “Mọi người về được là đại sứ khỏe rồi, đại sứ còn đợi máy bay cất cánh để báo cáo về nước xong mới nghỉ được”. Nhận được tin nhắn của Đại sứ, nhiều người đã khóc.
Trên “chuyến bay đặc biệt” ấy, chúng tôi vừa vui mừng vì đã được sơ tán kịp thời, vừa xúc động trước sự nhiệt tình, tận tụy của Đại sứ quán, đặc biệt là Đại sứ Phạm Sao Mai thức trắng nhiều đêm để hỗ trợ kịp thời cho công dân Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại Trung Quốc.
Chúng tôi chỉ biết rằng, chúng tôi đã thật may mắn khi trong vòng vây tứ phía của dịch bệnh, nhưng vẫn còn Đại sứ quán - điểm tựa vô cùng vững chắc, luôn cố gắng hết khả năng để hỗ trợ và bảo vệ cho công dân Việt nơi đất khách quê người như lúc này.
* Tác giả là công dân Việt Nam có mặt trên chuyến bay mang số hiệu HVN68 đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) vào lúc 5h04 phút ngày 10/2.