Điểm tựa để đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Trà Vinh 'an cư lạc nghiệp'

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 đã là điểm tựa để đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Trà Vinh ổn định cuộc sống, đặc biệt là 'an cư lạc nghiệp'

Nhiều giải pháp "an cư" hay, thiết thực

 Hỗ trợ nhà ở là một trong những chính sách giúp nhiều vùng đồng bào DTTS ở Trà Vinh thay đổi diện mạo.

Hỗ trợ nhà ở là một trong những chính sách giúp nhiều vùng đồng bào DTTS ở Trà Vinh thay đổi diện mạo.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm, chú trọng công tác hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo (đặc biệt thuộc vùng đồng bào DTTS), giúp đồng bào “an cư – lạc nghiệp”. Đây không đơn thuần là việc triển khai một chủ chương, chính sách mà nó còn là một phong trào mang tính toàn dân, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đồng thời khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Tỉnh Trà Vinh có 10 ấp đặc biệt khó khăn, 59 xã vùng DTTS thuộc 8 huyện, thành phố có đối tượng hưởng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Bằng nhiều hình thức vận động và từ các chương trình, dự án hỗ trợ, Trà Vinh đã huy động các nguồn lực chung tay giúp đỡ, xây dựng nhà ở cho những hộ khó khăn về nhà ở, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc Khmer; từ đó giúp bà con "an cư lạc nghiệp", vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: Những năm qua, đời sống của đồng bào DTTS trong tỉnh không ngừng nâng lên, đó là kết quả triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiều nghị quyết, chính sách. Cụ thể, có Nghị quyết số 04/2021/NQ – HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh "Quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 – 2025", toàn tỉnh hỗ trợ nhà ở cho 2.418 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hỗ trợ 1.052 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn xây dựng nhà ở; Quỹ An sinh xã hội tỉnh hỗ trợ 910 căn, còn lại từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của tỉnh và huyện.

"Riêng công tác giải ngân vốn đầu tư, dù thời gian rất ngắn nhưng nhìn chung các địa phương đã rất tích cực tổ chức thực hiện, một số dự án đã đạt tỷ lệ giải ngân khá cao. Hiện Trà Vinh đã và đang tích cực hỗ trợ đất ở cho 77 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 796 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 17 hộ" – ông Hẳn thông tin.

Từ những giải pháp, cách làm thiết thực trong việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Vinh đã giúp các hộ nghèo có nhà ở kiên cố vững chắc. Từ đó giúp hộ nghèo phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần đưa hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Mang đến niềm vui "an cư lạc nghiệp" cho đồng bào

Tới Trà Vinh, giờ đây không khó để cảm nhận được niềm vui "can cư lạc nghiệp", niềm biết ơn của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Đơn cử như đồng bào tại xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang. Ông Lê Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Sơn cho biết: Từ nguồn Quỹ An sinh xã hội của tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay Thạnh Hòa Sơn triển khai thực hiện xây dựng 15 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở (trong đó nguồn quỹ hỗ trợ 40 triệu đồng và tạo điều kiện cho vay thêm 50 triệu đồng) và từ Dự án 1 của đồng bào DTTS miền núi, triển khai từ năm 2022 đã hỗ trợ xây dựng được 34 căn. Cuối năm 2023 xã phấn đấu giải quyết cơ bản nhà ở cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo khó khăn về nhà ở là đồng bào Khmer.

“Bên cạnh đó, Thạnh Hòa Sơn đẩy mạnh công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đầu tư sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch... đến những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Qua đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư cho hơn 70 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào Khmer được vay tổng số vốn hơn 6,4 tỷ đồng để phát triển sản xuất và xây dựng nhà ở” - ông Phước nói.

Chia sẻ của ông Thạch Rếch ở ấp Lạc Sơn (xã Thạnh Hòa Sơn) là minh chứng cho những con số mà Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Sơn đã đưa ra. "Đầu năm 2023, khi được chính quyền xét hỗ trợ nhà ở cho gia đình với số tiền 40 triệu đồng và được tạo điều kiện cho vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng; các con góp thêm hơn 60 triệu đồng để cất được căn nhà khang trang. Giờ đây có căn nhà mới, tôi yên tâm hơn trong cuộc sống, nhất là vào thời điểm bắt đầu vào mùa mưa”- ông Thạch Rếch hé lộ trong niềm vui khó giấu.

Niềm vui "an cư lạc nghiệp" như của ông Thạch Rếch còn không khó để nhận ra trên gương mặt rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương đang thụ hưởng hương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

"Căn nhà xuống cấp đã lâu nhưng không có điều kiện sửa chữa. Giờ nhờ được chính quyền hỗ trợ mà tôi có điều kiện xây dựng được căn nhà kiên cố. Đây chính là căn nhà ước mơ của gia đình tôi. Đây là sự hỗ trợ kịp thời và là động lực để gia đình tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt hơn"- chị Danh Kim Sa, ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú chia sẻ niềm vui lớn khi từ mùa mưa 2023, gia đình chị không còn phải chịu cảnh mưa dột. Theo chia sẻ của chị Danh Kim Sa, căn nhà mới kiên cố, khang trang được xây dựng từ nguồn vốn thực hiện Chương trình. Cụ thể cuối năm 2022, gia đình chị được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, gia đình đối ứng thêm, xây căn nhà gần 100 triệu đồng. Chị Danh Kim Sa vui sướng cho biết có được nhà ở kiên cố giúp chị và gia đình yên tâm cũng như có thêm động lực chăm lo phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

 Ông Lâm Văn Tín, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú chia vui cùng gia đình anh Thạch Tiên trước ngôi nhà mới xây khang trang từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719

Ông Lâm Văn Tín, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú chia vui cùng gia đình anh Thạch Tiên trước ngôi nhà mới xây khang trang từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719

Chị Danh Kim Sa chỉ là một trong số rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Trà Cú nói chung, xã Ngãi Xuyên nói riêng có cơ hội ổn định chỗ ở nhờ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Ông Kiên Thanh Huy Sal, Chủ tịch UBND xã Ngãi Xuyên, cho biết: Năm 2022, thực hiện hỗ trợ nhà theo Quyết định số 2100/QĐ –UBND, ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh, xã xây dựng 19 căn; thực hiện Nghị quyết số 04/2021/NQ – HĐND, NHCSXH hỗ trợ vay 53 căn; xã hội hóa 06 căn; UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ nhà đại đoàn kết 17 căn... phần lớn đối tượng hưởng lợi là hộ Khmer. Đến nay, xã có 2.936 hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định (chiếm 93,47%); không còn hộ có nhà tạm, nhà dột. Đến cuối năm 2022, xã còn 103 hộ nghèo (chiếm 3,28%), hộ cận nghèo 70 (chiếm 2,23%), kết quả này là nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, xã tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí 9 về nhà ở dân cư trong XDNTM giai đoạn 2021 – 2025. Nhờ đó, đời sống đồng bào Khmer Ngãi Xuyên từng bước được nâng cao, diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.

Có thể nói, Chương trình MTQG 1719 đã tạo điểm tựa để đồng bào dân tộc thiểu số tại Trà Vinh ổn định chỗ ở, từ đó yên tâm, vững tin vươn lên ổn định cuộc sống, thay đổi diện mạo. Như ông Lâm Văn Tín, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, chia sẻ trong niềm phấn khởi: ”Nhà nước triển khai Chương trình MTQG 1719, bà con phấn khởi lắm, đặc biệt là việc được hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ vốn chăn nuôi, cho vay vốn làm ăn… đó là động lực lớn lắm. Động lực để đổi đời, để thoát nghèo. Ấp tôi đang cố gắng phấn đấu hỗ trợ nhau cùng với chính sách của Nhà nước, mục tiêu đến năm sau không còn hộ nghèo nữa”

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/diem-tua-de-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tai-tinh-tra-vinh-an-cu-lac-nghiep-post276764.html