Điểm tựa đồng nghiệp lúc khó khăn
Hoạt động tương trợ do các cấp Công đoàn cùng các doanh nghiệp tổ chức đã giúp người lao động khó khăn vươn lên trong cuộc sống
"Gần 70 tuổi mới có được căn nhà đàng hoàng để tránh mưa, tránh nắng, tôi mừng lắm mấy cô, mấy chú ơi. Tâm nguyện bấy lâu nay của tôi nay đã thành hiện thực" - bà Võ Thị Minh, nhân viên bếp Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thái Anh (quận 10, TP HCM), bày tỏ xúc động trong ngày nhận bàn giao "Mái ấm Công đoàn (CĐ)" do đồng nghiệp và tổ chức CĐ trao tặng.
Nghĩa tình đồng nghiệp
Căn nhà cũ của gia đình bà Minh nằm cạnh nghĩa trang ở tổ 12, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, vốn là Mái ấm tình thương do huyện xây tặng từ nhiều năm trước. Sau nhiều năm, căn nhà xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc sinh hoạt của bà, con gái và 3 đứa cháu ngoại hết sức khổ sở. Bà ước mong có một chỗ ở tươm tất hơn để ổn định cuộc sống nhưng điều kiện kinh tế không cho phép.
Ước mong của bà đã thành hiện thực nhờ sự hỗ trợ chí tình từ CĐ cơ sở và tập thể lao động tại công ty. Ông Phan Tấn Dũng, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thái Anh, cho biết bà Minh và con gái bà gắn bó với công ty nhiều năm. Nhìn bà lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ nên ít ai nghĩ hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong một lần đến thăm gia đình, chứng kiến điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bà, ban chấp hành CĐ rất trăn trở và quyết tâm tìm cách hỗ trợ. Biến trăn trở thành hành động cụ thể, ngoài tìm kiếm sự hỗ trợ của CĐ cấp trên, CĐ cơ sở còn đứng ra vận động chủ doanh nghiệp (DN) và đồng nghiệp giúp sức.
Hiểu được thành ý của CĐ cơ sở nên mọi người cùng chung tay góp sức để bà Minh có một chỗ ở tươm tất. Chỉ trong thời gian ngắn, số tiền quyên góp được tại DN đã lên tới gần 40 triệu đồng. Cùng với kinh phí hỗ trợ của LĐLĐ quận 10, căn nhà mới của bà Minh được khởi công. Ngày căn nhà hoàn thiện và được bàn giao, rất nhiều đồng nghiệp đến chia vui với gia đình bà. "Bà Minh không phải là trường hợp đầu tiên được giúp đỡ. Tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thái Anh, nhiều trường hợp khó khăn đã được giúp đỡ nhờ sự chung sức của tập thể. Nghĩa tình đồng nghiệp và chủ DN đã giúp nhiều người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với công ty.
Lá lành đùm lá rách
Giúp đồng nghiệp lúc khó khăn là một trong những hoạt động truyền thống của CĐ ngành giáo dục TP. Điển hình là chương trình vận động giáo viên (GV) nội thành lo Tết cho đồng nghiệp ngoại thành với hàng ngàn suất quà dành cho GV khó khăn; chương trình quyên góp áo dài tặng GV vùng sâu, vùng xa hay chương trình tương trợ nội bộ ngành nhằm chăm lo cho GV về hưu, bị bệnh hiểm nghèo…
Theo bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch CĐ ngành Giáo dục TP HCM, mỗi một chương trình được khởi xướng đều xuất phát từ thực tiễn nên nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ cán bộ, GV, công nhân viên trong ngành, góp phần cải thiện cuộc sống của các nhà giáo khó khăn. Đơn cử như chương trình quyên góp áo dài, mỗi năm CĐ đều tổ chức nhiều đợt quyên góp nhưng NLĐ vẫn rất nhiệt tình. Năm học 2018-2019, cán bộ, GV, công nhân viên trong ngành đã ủng hộ gần 7.000 bộ quần áo dài mới và đã qua sử dụng. Là một trong những GV về hưu vừa được chăm lo trong năm học vừa qua, cô Phan Thị Kim Hoàn, nguyên Chủ tịch CĐ của Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp), bộc bạch: "Tôi hạnh phúc khi đã hoàn thành xong ý nguyện của mình trong sự nghiệp trồng người và càng vui hơn khi nhận được tình cảm rất xúc động của CĐ ngành cũng như đồng nghiệp".
Quỹ Tương trợ nội bộ do CĐ Các DN công ích và dịch vụ thương mại TP (CĐ khối DN) thành lập từ năm 2015, cũng hoạt động rất hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch CĐ khối, nhìn nhận quỹ ra đời chỉ sau 1 năm CĐ khối DN được thành lập nhưng được đông đảo CNVC-LĐ ủng hộ. Trung bình mỗi năm, CNVC-LĐ trong khối đóng góp khoảng 150 triệu đồng cho quỹ và nguồn kinh phí này sẽ dành để trao tặng học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con CNVC-LĐ, trao tặng Mái ấm CĐ cũng như chăm lo cho đoàn viên, NLĐ khó khăn.
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Gắn kết Công đoàn với người lao động
Nhiều chương trình, hoạt động tương trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo do các cấp CĐ TP khởi xướng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng CNVC-LĐ, kể cả người sử dụng lao động. Tùy đặc điểm ngành, nghề và hoàn cảnh từng NLĐ, các chương trình chăm lo được thiết kế linh hoạt, đa dạng, nhờ đó các đối tượng chăm lo luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Tương trợ nhau là cách để kết nối CĐ với đoàn viên, trao cho họ niềm tin để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/diem-tua-dong-nghiep-luc-kho-khan-20191114205724304.htm