Điểm tựa gia đình

Gia đình, một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng, một thiết chế văn hóa-xã hội đặc thù được hình thành, tồn tại và phát triển trên các mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng giáo dục... của nhân loại.

Gia đình gắn với dân tộc trong dòng chảy của lịch sử vốn nhiều biến động, thăng trầm. Hình ảnh này vô cùng quen thuộc với nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm ở nước ta: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Những gian lao vất vả không kể xiết rèn đúc cho con người chịu thương chịu khó: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Chiến tranh giặc giã tôi luyện thêm lòng yêu nước, khao khát bình yên, sự thủy chung, lòng nhân hậu: “Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”.

Những giá trị văn hóa cốt lõi truyền thống tốt đẹp được bảo lưu, gìn giữ trong mỗi gia đình Việt, từ xa xưa cho đến hôm nay như sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Đó cũng là đạo lý sống luôn được đề cao và thực hành trong từng gia đình. Người Việt ta thường không ưa triết luận dài dòng, rối rắm; những kinh nghiệm sống, những ứng xử xã hội được ca dao hóa, tục ngữ hóa, tưởng nôm na mà vô cùng sâu sắc, thiết dụng. Trong một gia đình, tổ tiên nguồn cội là điều thiêng liêng không thể xem nhẹ: “Chim có tổ, người có tông”, “Uống nước nhớ nguồn”... Đạo hiếu là phần quan trọng nhất với người Việt: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tình nghĩa vợ chồng là sự thủy chung son sắt, khi gần thì: “Thương anh da diết, diết da/ Áo em hai vạt trải ra anh nằm”; khi xa thì “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”; có lỡ hờn giận nhau thì “Chín bỏ làm mười”, “Một điều nhịn chín điều lành”... Kính trọng, yêu thương, giúp đỡ, nhường nhịn... là những chuẩn mực về gia đình mà thời nào cũng nên coi trọng và thực hành. Làm được điều đó nó chỉ có lợi cho mỗi người, mỗi gia đình, cho đất nước và nói rộng ra là cho cả nhân loại.

Nền tảng của cuộc sống tốt đẹp, không gì khác chính là lòng yêu thương. Cứ yêu thương vô tư rồi sẽ có tất cả. Đấy là lời Phật dạy. Hạnh phúc lớn nhất của mỗi gia đình là ở đấy: Lòng yêu thương trong sáng tràn trề. Ai cũng thấy được yêu thương, được tôn trọng, được chăm sóc trong ngôi nhà của mình. Mỗi ngày, mỗi giờ, từng phút, từng giây ta có cảm nhận như thế và ngôi nhà sẽ là tổ ấm lung linh, là bến đậu êm đềm của các thành viên trong gia đình. Trong dông bão cuộc đời, gia đình là điểm tựa tin cậy của từng thành viên, già hay trẻ đều cần thế, mong thế. Chính đó là những biểu hiện rất tốt đẹp của một xã hội nhân văn.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay trong đời sống gia đình là sự kết nối đang lơi lỏng dần và khoảng cách giữa các thế hệ cũng xa hơn. Thế giới siêu phẳng, số đông trên tay mỗi người có một chiếc điện thoại thông minh. Cuộc sống thực xen lẫn cuộc sống ảo, gần như mỗi người đang có một khoảng trời riêng với những đối tượng, đối tác phù hợp với mình. Ông bà, cha mẹ, con cháu đều bị cuốn vào cơn lốc công nghệ thông tin vô cùng diệu kỳ nhưng cũng ẩn chứa muôn vàn nguy hại. Không phải không có những tổn thương, bi kịch gia đình bắt đầu từ đó. Rất nhiều người có cảm giác nền tảng gia đình truyền thống đang bị chòng chành, lung lay trong thế giới hiện đại. Buồn là đôi khi người ta nhân danh tự do, đổi mới mà coi thường, xem nhẹ và có thể làm ngược lại những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đến lúc, mỗi người, mỗi gia đình phải nên sống bình tĩnh, chậm rãi hơn, vừa tiếp thu những thành quả của khoa học công nghệ hiện đại, hội nhập rộng rãi với nhân loại, vừa phải lắng soi vào quá khứ, để gìn giữ, làm sáng đẹp hơn những đúc kết nhân văn của tổ tiên, ông cha để lại.

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/diem-tua-gia-dinh-624313