'Điểm tựa' giải quyết hậu quả tai nạn giao thông

Theo Bộ Tài chính, về cơ sở pháp lý, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe môtô, xe máy được căn cứ theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ. Đây cũng được coi như 'điểm tựa' về tài chính giải quyết hậu quả, nếu chẳng may chủ xe gây tai nạn cho người khác.

Do xe ô tô gây tai nạn không tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với chủ xe cơ giới, nên mặc dù bị mất người thân, nhưng gia đình chị Hoàng Thị Thành (ở Lạng Sơn) đã không được bồi thường thiệt hại.

Nếu chủ xe gây tai nạn kia mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả bồi thường cho chị Thành thay cho chủ xe. Như quy định hiện nay, mức bồi thường tối đa là 150 triệu đồng đối với người bị tử vong. Còn đối với tài sản, mức bồi thường tối đa là 50 triệu đồng. Nghĩa là cả bên gây tai nạn và người bị nạn đều được hỗ trợ về tài chính.

Hậu quả tai nạn giao thông gây thiệt hại không chỉ đối với nạn nhân về sức khỏe, tính mạng, tài sản mà còn đối với cả chủ xe khi phải chi trả bồi thường, thiệt hại về gián đoạn kinh doanh, chi phí pháp lý. Nhưng, mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc lại khiến nhiều người thờ ơ, thậm chí e ngại sự trục lợi.

6 tháng đầu năm nay, chi bồi thường tai nạn giao thông đạt 41,9 tỷ đồng và dự phòng bồi thường là 35,9 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cũng thúc đẩy ý thức trách nhiệm của người dân tham gia giao thông an toàn, nhằm giảm thiểu tai nạn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Ngọc Dũng - Linh Chi - Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-tua-giai-quyet-hau-qua-tai-nan-giao-thong-247530.htm