'Điểm tựa' giúp đồng bào dân tộc ở Cao Bằng thoát nghèo

Tại khắp các bản làng vùng đồng bào dân tộc tại tỉnh Cao Bằng, nguồn vốn tín dụng chính sách như 'dòng nước mát' len lỏi, tưới, vun trồng, phát triển sản xuất, giúp đồng bào các dân tộc từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Cán bộ tín dụng chính sách và chính quyền địa phương kiểm tra hiệu quả vay vốn sản xuất kinh doanh tại xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Cán bộ tín dụng chính sách và chính quyền địa phương kiểm tra hiệu quả vay vốn sản xuất kinh doanh tại xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Tín dụng chính sách đã trở thành “đòn bẩy” hiệu quả giúp đẩy nhanh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển địa phương.

Thúc đẩy sản xuất

Những năm qua, cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng đã bám sát phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, tích cực triển khai các chương trình cho vay, đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến đúng người cần vay, đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả nguồn vốn trong đời sống xã hội.

Chị Đinh Thị Thơm, xóm Xuân Thành, xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng chia sẻ, năm 2019, gia đình tôi vẫn thuộc diện hộ nghèo. Sức khỏe có, nhưng thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Được vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Hòa, tôi đầu tư chuồng trại, mua trâu, lợn nái, phát triển chăn nuôi. Sau 5 năm cần mẫn, vừa làm vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi, đồng thời, liên tục tái đầu tư phát triển chăn nuôi, đến nay, “nghề” chăn nuôi bước đầu cho kết quả.

Gia đình tôi đã phát triển nuôi 11 con lợn nái, mỗi năm xuất bán 2 đến 3 lứa lợn thịt, tổng cộng khoảng hơn 100 con lợn thịt. Trừ chi phí và công sức, mỗi năm, thu nhập của gia đình được khoảng 150 đến 200 triệu đồng.

Tại xóm vùng cao, núi đá Lũng Túm, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, người dân có ít đất sản xuất, thiếu nước, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành “bà đỡ” giúp người dân phát triển các mô hình chăn nuôi hiệu quả.

Ông Vi Văn Đội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm, vay vốn Lũng Túm chia sẻ, tổ vay vốn có 51 thành viên, hiện tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng. Các gia đình đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Mô hình sử dụng hiệu quả vốn vay tại xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Mô hình sử dụng hiệu quả vốn vay tại xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển chăn nuôi, đến nay, trong xóm có nhiều mô hình chăn nuôi ngựa, bò, lợn, dê hiệu quả, cải thiện, nâng cao thu nhập.

Từ năm 2014 đến nay, trong Tổ tiết kiệm, vay vốn Lũng Túm có 12 hộ thoát nghèo, 7 hộ thoát cận nghèo. Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền phục vụ đời sống và sản xuất.

Đưa vốn đến với đồng bào

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng, đến nay, tại địa phương có 61.636 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 4.492 tỷ đồng, bình quân một hộ vay 72,9 triệu đồng.

Lũy kế giai đoạn 2014-2024, đã có 211.575 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay 8.921 tỷ đồng. Thống kê trong giai đoạn 2014-2024, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho gần 44 nghìn gia đình thoát nghèo;giải quyết việc làm cho gần 39 nghìn lao động; hỗ trợ 298 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài...

Cán bộ tín dụng chính sách kiểm tra hiệu quả vay vốn ở xã biên giới Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Cán bộ tín dụng chính sách kiểm tra hiệu quả vay vốn ở xã biên giới Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Ghi nhận và đánh cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Hiện, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại tỉnh Cao Bằng đạt 4.504 tỷ đồng, tăng 2.858,4 tỷ đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 17%. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng để cho vay đạt gần 613 tỷ đồng, bằng 13,61%/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách.

Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, hằng tháng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cao Bằng tổ chức giao dịch tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

Việc áp dụng mô hình điểm giao dịch tại xã đã giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn thuận tiện, tiết giảm thời gian, chi phí đi lại thực hiện các thủ tục tín dụng.

Đánh giá cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, tín dụng chính sách đã trở thành động lực, trợ lực to lớn và rất quan trọng giúp đẩy nhanh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tăng cường phối hợp với cán bộ làm công tác tín dụng chính sách để nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

MINH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/diem-tua-giup-dong-bao-dan-toc-o-cao-bang-thoat-ngheo-post826405.html