Điểm tựa hạnh phúc của những thương binh nặng
Những năm chiến tranh, các chị gạt nước mắt tiễn chồng lên đường đánh giặc, nguyện làm hậu phương vững chắc cho những người lính ngoài mặt trận. Ngày các anh trở về mang theo di chứng chiến tranh nặng nề, có người không còn đủ chân tay. Thế nhưng các chị vẫn âm thầm chia sẻ nỗi đau cùng chồng, đảm đương, gánh vác gia đình, lo liệu cuộc sống. Các chị là những người vợ nghị lực, giàu đức hy sinh của các thương binh nặng.
Chúng tôi tìm đến quầy hàng mây tre đan tại chợ Đông Hà vào một trưa tháng 7 nắng gắt. Bà Lê Thị Thơi, (63 tuổi), cùng chồng là thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Chuyên, (65 tuổi), đang chọn hàng hóa để bán cho khách. Tay quệt mồ hôi, tay phe phẩy chiếc quạt, bà Thơi kể về tình yêu của hai người cách đây hơn 40 năm. Tình yêu của họ nảy nở khi bà phụ trách phong trào thiếu niên thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, còn ông là công an xã. Họ yêu nhau vì cùng chung lý tưởng cách mạng, cùng chung hoàn cảnh gia đình có truyền thống yêu nước. Cha của bà Thơi và cha ông Chuyên đều là liệt sĩ. Bà nội ông Chuyên là Bà mẹ Việt Nam anh hùng có 4 người con là liệt sĩ. Tình yêu của họ dường như vượt lên trên tình yêu nam nữ thông thường. Lễ cưới của đôi vợ chồng trẻ được tổ chức cuối năm 1977 chỉ đơn sơ với kẹo Hải Hà và nước chè xanh. Sau khi cưới 1 tháng, ông Chuyên lên đường tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, công tác tại một đồn biên phòng thuộc tỉnh Đồng Tháp. Ông vừa đi được hai tuần thì bà Thơi có thai nhưng không thể liên lạc với chồng. Ngày đứa con đầu lòng của ông bà ra đời cũng là ngày bà Thơi nhận được thư chúc tết từ đơn vị chồng gửi về. Nhưng ông Chuyên thì biền biệt không có thông tin gì với gia đình. Thời gian cứ thế trôi đi, bà Thơi nuôi con một mình, mòn mõi trông chồng.
Sau này bà mới biết, thì ra lúc đơn vị gửi thư về chúc tết gia đình, ông Chuyên đang bị thương nặng. Trong một lần tham gia chiến đấu, ông Chuyên bị mảnh đạn cắt cụt gần hết hai tay, mù mắt phải và vết thương nặng ở sọ não, khả năng sống sótrất ít. Đơn vị lập tức chuyển ông ra Hà Nội điều trị suốt hai năm liền. Ngày ông Chuyên từ Trại thương binh Hà Nội trở về quê hương với thân hình không còn nguyên vẹn, trên tay cầm theo mảnh giấy chứng nhận thương tật đến 81%, đón chồng, bà Thơi mừng mừng, tủi tủi nước mắt chan hòa vì niềm vui sum họp và cũng vì bà đau với từng vết thương.
Từ đó, bà Thơi xác định làm vợ thương binh chỉ còn chưa đầy 20% sức khỏe là chịu nhiều thiệt thòi vì phải thay chồng gánh vác việc gia đình, nuôi dạy các con khôn lớn. Gặp những hôm thời tiết thất thường, vết thương trên đầu làm ông Chuyên đau nhức nhối, có hôm đau quá, không kiểm soát được hành động của mình, ông trút hết cơn đau lên vợ và con. Thế nhưng bà Thơi vẫn luôn một mực dịu dàng, chăm sóc, động viên giúp chồng có thêm nghị lực sống, tự tin vui vẻ với cuộc đời.
Để có thêm thu nhập trang trải cho gia đình, bà Thơi thuê một quầy hàng bán mây tre đan tại chợ Đông Hà. Hơn 30 năm nay, cứ mỗi buổi sáng, ông Chuyên lại cùng vợ đi chợ dọn hàng, phụ trông coi hàng hóa. Bà muốn ông làm việc cho khuây khỏa chứ không nặng về chuyện bán buôn. “Nhà nước đã quan tâm, động viên người có công với cách mạng trong đó có chồng tôi. Nhờ vậy phần nào bù đắp được nỗi mất mát do chiến tranh gây ra. Tôi nghĩ mình còn may mắn vì dù sao thì chồng tôi vẫn còn sống để trở về với gia đình, vợ con. Còn có rất nhiều người ra đi mãi mãi, đó là thiệt thòi lớn nhất. Đối với người phụ nữ bình thường, hoàn thành vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình đã khá vất vả, với những người phụ nữ là vợ thương binh, công việc này càng nặng nề hơn”, bà Thơi chia sẻ.
Hàng xóm của bà Thơi ông Chuyên tại đường Bà Huyện Thanh Quan thuộc Khu phố Phương Gia, phường Đông Lễ, TP.Đông Hà là bà Trần Thị Liên, (64 tuổi) cũng là vợ của một thương binh hạng 1/4. Là thanh niên người Hà Tĩnh vào Quảng Trị làm thủy lợi, bà Liên đã phải lòng anh thương binh Phạm Hồng Quang khi cùng các bạn đến thăm Khu Điều dưỡng thương binh nặng Đông Hà (nay là Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Bảo trợ xã hội). Ông Quang cũng là thương binh trở về từ chiến trường Campuchia.
Khi quyết định xây dựng mái ấm với ông Quang, bà Liên gặp nhiều trở ngại từ phía gia đình, bạn bè. Bởi ai cũng lo lắng liệu bà có đảm đương trọng trách là trụ cột trong gia đình, nuôi dạy con, chăm sóc cho chồng khi bình thường cũng như khi đau ốm. Những lo lắng, ngăn cản của người thân không làm cho bà Liên nao núng, mà ngược lại càng làm cho bà có thêm động lực để quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với người chồng thương binh. Cuối cùng gia đình chấp thuận cho tình yêu đôi lứa của bà. Năm 1980 ông bà làm lễ cưới tại khu điều dưỡng trong sự chúc phúc của các thương binh đang điều dưỡng tại đây. Rồi vợ chồng bà Liên chuyển về phường Đông Lễ sinh sống. Hạnh phúc của vợ chồng bà như vỡ òa sau đó một năm khi đón con gái đầu lòng ra đời, rồi vợ chồng bà tiếp tục có thêm 1 cậu con trai nữa. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, con trai ông bà bị sốt xuất huyết nặng không qua khỏi khi vừa được 4 tuổi.
Nỗi đau mất con làm bà gầy yếu nhưng vẫn phải luôn cố gắng để phục vụ chồng thương tật cụt cả hai chân lên quá đùi, mọi sinh hoạt thường ngày của ông Quang đều phải nhờ người vợ. Chưa kể những lúc đau ốm nằm bệnh viện, bà phải thu xếp việc nhà cửa theo chăm sóc ông. Bà yêu thương chồng vô bờ bến là thế, nhưng ông đã bỏ bà ra đi mãi mãi vào năm 2007 trong một tai nạn giao thông. Hơn 10 năm nay bà sống với gia đình con gái cùng các cháu ngoại. Vợ chồng con gái hiếu hạnh, các cháu ngoan ngoãn đã giúp bà phần nào vui tuổi già.
Như một sự tình cờ sắp đặt, hai người phụ nữ cùng có chồng thương binh nặng hiện là hàng xóm sát vách để sớm hôm tối lửa tắt đèn có nhau. Mỗi tối đi làm về, bà Thơi luôn dành thời gian sang nhà bà Liên trò chuyện như thể để được chia sẻ với nhau giữa hai người phụ nữ có chung tình yêu, duyên phận dành cho những người thương binh nặng đã cống hiến máu xương và tuổi thanh xuân để bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150220