'Điểm tựa hạnh phúc' - tiếp nối tinh thần Trường Sơn trong cuộc sống đời thường
Nhận tin người yêu từ chiến trường trở về bị mù 2 mắt nhưng cô sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội Phan Thị Kim Song vẫn kiên nhẫn đến chăm sóc, động viên cùng anh vượt qua mất mát. Họ đã có kết thúc ngọt ngào bằng một đám cưới và cuộc sống hạnh phúc.
Láthư định mệnh
Câu chuyện của bà Phan Thị Kim Song - vợ ông Cao Văn Thành, thương binh nặng (¼) tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước được kể lại tại chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã khiến nhiều người rưng rưng xúc động.

Quang cảnh buổi giao lưu - Ảnh: PNTĐ
Sự xúc động xen lẫn ngưỡng mộ dành cho người phụ nữ Hà Nội đã kiên cường, mạnh mẽ vượt qua những hi sinh, chấp nhận thiệt thòi để yêu thương, bù đắp, động viên, chăm sóc chồng vượt qua nỗi đau, di chứng chiến tranh và cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình; đồng thời, họ tiếp tục có những đóng góp cộng đồng, viết tiếp bản anh hùng ca thầm lặng, tiếp nối tinh thần Trường Sơn trong cuộc sống đời thường.
Nhớ lại quãng thời gian còn là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, bà Song và ông Thành vốn là một cặp đôi nảy sinh tình cảm trong quá trình học chung một lớp. Khi đất nước chiến tranh ác liệt, ông Thành theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xung phong lên đường nhập ngũ.
"Tôi cũng như bao người phụ nữ lúc bấy giờ trong lúc tiễn người yêu lên đường nhập ngũ đều hứa hẹn: Các anh cứ yên tâm chiến đấu, khi đất nước giải phóng hết sạch quân thù, trở về quê hương, đã có chúng em chờ đợi…” - bà Phan Thị Kim Song chia sẻ.
Thời điểm đấy, chia tay người yêu, cô sinh viên tiếp tục đến giảng đường và nắm bắt thông tin, liên lạc với nhau qua những lá thư. Lúc này, ông Thành lên đường huấn luyện khẩn cấp, được chuyển vào Nam chiến đấu.
Chàng sinh viên dù ở chiến trường khốc liệt vẫn không quên động viên người yêu nơi hậu phương, rồi kể chuyện chiến trường với những đêm cầm súng đứng gác, những cuộc chiến ác liệt... Dù xa cách nhau nhưng tình cảm của họ vẫn cứ được bồi đắp và lớn dần qua những lá thư.

Bà Phan Thị Kim Song, vợ thương binh nặng Cao Văn Thành đã động viên ông từ khi đi bộ đội và đồng hành, chăm sóc ông khi trở về với thương tật 2 mắt vĩnh viễn không nhìn được - Ảnh: PNTĐ
"Rồi một hôm, tôi nhận được một bức thư chỉ vài dòng nguệch ngoạc, không giống chữ anh thường ngày: Song, anh bị thương, anh chuyển ra Bắc điều trị. Em cứ yên tâm học tập” - bà Kim Song nhớ lại.
Với lá thư đầy bất thường, trong lòng cô gái hậu phương như bồn chồn như có lửa đốt. Nhưng với vài dòng thông tin ít ỏi đó, làm sao để tìm được anh?. Cô đã đi khắp nơi hỏi và tìm địa chỉ nơi anh điều trị, cuối cùng cũng thấy.
Vào Bệnh viện 108 thăm người yêu, đập vào mắt cô là hình ảnh một người bệnh băng bó kín toàn thân, từ đầu đến mắt cũng đều băng kín. Lòng cô dâng lên nỗi xót xa, nước mắt cô nhòe đi bởi khi tiễn đi thì anh hoàn toàn khỏe mạnh...
"Nghe người bạn cùng phòng nói có tôi đến đến thăm, anh hỏi không bật dậy nhưng vẫn không dám tin và bảo: các đồng chí đừng lừa tôi, Song đang học, cô ấy còn không biết địa chỉ…; Tôi nghẹn ngào nói: anh không nhận ra em à, em là Song đây. Tiếng nói của tôi lạc trong nước mắt. Và anh cũng khóc, nước mắt tuôn trào qua những lớp băng..." - bà Song bồi hồi.
Những ngày sau đó, bà Song thường xuyên đến bệnh viện động viên ông Thành cố gắng điều trị và trấn an "em luôn ở đây với anh". Thậm chí, bà còn xin y tá, hộ lý được chăm sóc cho ông: hàng ngày thay rửa vết thương, bón cháo, cho ông uống thuốc…
Biết ơn "đôi mắt" của người vợ hiền tảo tần
Ngồi kế bên vợ, ông Cao Văn Thành xúc động nhớ lại thời điểm hơn 50 năm trước, khi là rời giảng đường đại học lên đường nhập ngũ thì được cô bạn cùng lớp nhận lời yêu. Năm 1972 chiến trường ác liệt, ông chiến đấu ở Quảng Trị và thường xuyên gửi nỗi nhớ thương tới người yêu qua những lá thư. Đặc biệt, khi ông bị thương thì bà đã viết thư động viên và khẳng định: "Dù anh có bị thương hay như thế nào thì em vẫn mãi luôn ở bên anh”. Lời nói này đã nuôi dưỡng niềm tin, tình yêu, ý chí chiến đấu của người lính trẻ...

Ông Thành chia sẻ, luôn biết ơn những hi sinh thầm lặng của người vợ tảo tần đã giúp ông có nghị lực vượt qua mất mát và cùng ông xây dựng gia đình hạnh phúc - Ảnh: PNTĐ
Thế nhưng, đến khi ông bị thương hỏng 2 mắt được chuyển ra Bắc điều trị, bản thân bị sốc trước mất mát quá lớn nên ông cảm thấy bế tắc. "Lúc tôi cảm thấy cay đắng nhất thì Song đến thăm dù đang phải làm đồ án tốt nghiệp. Tôi vừa hạnh phúc, vừa thương Song nên dù ngoài miệng từ chối tình cảm vì thấy mình tàn tật khó mang lại hạnh phúc cho người yêu, nhưng trong lòng lại lo sợ mất người mình yêu" - ông Thành hồi tưởng.
Đoán được những suy nghĩ đó, bà Song một mặt chăm sóc tỉ mỉ, chua đáo về thể chất cho ông. Mặt khác lại luôn trấn an, động viên tinh thần bằng tình yêu thương chân thành. Trước tình yêu chung thủy ấy, ông Thành đã được tiếp thêm động lực để vượt lên cuộc sống, viết tiếp câu chuyện tình yêu bằng một đám cưới hạnh phúc.
Những ngày sau đó với họ cũng không dễ dàng khi bà Song phải thay chồng làm trụ cột gia đình, thay chồng chăm sóc 3 người con, trong đó, người con đầu bị nhiễm chất độc da cam...
Bà một mình gánh vác việc gia đình với mức lương kỹ sư vừa ra trường thấp, nhưng vẫn vượt qua khó khăn để lặng lẽ ở bên, chăm sóc và đồng hành với chồng; làm cánh tay - đôi mắt của chồng, động viên ông vượt lên chính mình, tham gia công tác xã hội. Không phụ những nỗ lực, hi sinh của vợ, ông Thành đã nỗ lực lực vươn lên học tập, công tác và trở thành Chủ tịch Hội người mù Việt Nam.
"Song hỗ trợ tôi tham gia các hoạt động xã hội, từ việc thành lập Hội người mù Việt Nam, đến giúp các hội viên học chữ nổi… Con gái đầu của chúng tôi nhiễm chất độc da cam, không nói, không nghe được, vợ tôi đứng ra làm phiên dịch cho cả bố và con. Tôi cảm thấy may mắn và biết ơn "đôi mắt" của người vợ hiền tảo tần, chịu thương, chịu khó mang lại hạnh phúc cho gia đình tôi" - ông Thành chia sẻ.

Chương trình cũng giao lưu với bà Đào Thị Thạc, vợ thương binh nặng Lê Đức Thuận (mất 81% sức khỏe). Hoàn cảnh ông Thuận mất bố từ khi 3 tháng tuổi. Đến năm 18 tuổi ông xung phong lên đường nhập ngũ và bị thương nặng trở về. Cảm thương với ông, bà Thạc đã kết duyên với ông, sinh được 4 người con. Họ đã vượt qua mọi khó khăn, thương yêu nhau và xây dựng một gia đình hạnh phúc - Ảnh: PNTĐ
Cùng với bà Song, trong chiến tranh còn có hàng vạn phụ nữ Việt Nam dành cả cuộc đời mình để lặng lẽ đứng phía sau, làm chỗ dựa vững chắc cho những người lính trở về không còn nguyên vẹn sau chiến tranh.
Họ không chỉ là người vợ, người mẹ, mà còn là biểu tượng đẹp đẽ cho đức hy sinh, cho lòng chung thủy và sự kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Bằng trái tim yêu thương và nghị lực phi thường, những người mẹ, người vợ ấy đã viết tiếp bản hùng ca thầm lặng - tiếp nối tinh thần Trường Sơn không chỉ trên mặt trận chiến đấu, mà còn trong chính câu chuyện hậu phương đời thường.
Tuy nhiên, khi nhắc tới câu chuyện của mình, bà Kim Song giản dị: câu chuyện của chúng tôi là một phần trong muôn vàn câu chuyện của phụ nữ Việt Nam bấy giờ; là câu chuyện của tình yêu, tình thương, nhưng đó cũng là trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam đối với đất nước khi có bạn đời, người yêu tham gia kháng chiến.
“Những người vợ chính là “Điểm tựa hạnh phúc” của các bác, các chú, các anh thương binh nặng trở về từ các chiến trường. Họ là những người vợ kiên cường, mạnh mẽ với những hi sinh thầm lặng. Họ vượt qua biết bao khó khăn, vất vả để chăm sóc, động viên chồng vượt qua nỗi đau, di chứng chiến tranh, cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình và tiếp tục có đóng góp trân quý cho cộng đồng” - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh bày tỏ.